Đề Sử, Địa hơi dài, đề Giáo dục Công dân dễ kiếm điểm

(Dân trí) - Sáng nay, các thí sinh vừa hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục Công dân. Nhiều thí sinh cho biết đề Sử hơi dài và khó, đề Địa tương đối dài, còn đề Giáo dục Công dân hay, giúp thí sinh dễ kiếm điểm.

Ghi nhận tại Hà Tĩnh:

Trong ngày thi cuối cùng, thời tiết tiếp tục ủng hộ các thí sinh với nền nhiệt không quá 33 độ C. Bên cạnh đó, các lực lượng phối hợp tổ chức cuộc thi tiếp tục thường trực tại các điểm trường, sẵn sàng giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh khi cần.

Nhiều thí sinh ở Hà Tĩnh cho biết, môn thi Lịch sử là môn khó nhất trong 3 môn thi tổ hợp KHXH ở buổi thi cuối cùng. Với mức đề này, các thí sinh đạt bình quân từ 5 - 6 điểm.

Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng cười nhẹ nhõm sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng. (Ảnh: Tiến Hiệp)
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng cười nhẹ nhõm sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng. (Ảnh: Tiến Hiệp)

Buổi thi kết thúc, nhiều thí sinh cho biết, trong 3 môn ở buổi thi cuối cùng thì môn Lịch sử khó nhất, đề thi năm nay hơi khó so với đề năm trước, các câu hỏi tập trung vào giai đoạn trước năm 1975.

“Qua thi thử và so với đề năm ngoái thì em cảm thấy đề môn Lịch sử năm nay hơi khó. Đề có tính phân hóa cao, em đã cố gắng làm hết khả năng và vốn kiến thức của mình nhưng chỉ được khoảng 6 điểm” - em Văn Thị Thanh Hoài (học sinh lớp 12, trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh) nói.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh)nhận định về bài thi KHXH.

Cũng như những năm trước, năm nay, tỷ lệ thí sinh Hà Tĩnh lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội vẫn chiếm số đông. Tổng số thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 là 16.401 em thì có 12.135 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, 11.929 thí sinh thi môn Địa lý và 10.715 thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân.

Ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông:

Sáng nay, theo đánh giá của các thí sinh tỉnh Đắk Nông, đề thi năm nay dài hơn năm ngoái nhưng không phải quá khó, đánh đố thí sinh. Đề thi Địa lý và Giáo dục công dân “dễ thở” hơn so với các môn thi khác trong kỳ thi này.


Thí sinh tại Đắk Nông hoàn thành tổ hợp KHXH. (Ảnh: Dương Phong)

Thí sinh tại Đắk Nông hoàn thành tổ hợp KHXH. (Ảnh: Dương Phong)

Theo thí sinh Nguyễn Quốc Khánh, điểm thi THPT Chu Văn An (TX. Gia Nghĩa) sau khi hoàn thành xong bài thi Lịch sử đã rời khỏi phòng thi. Thí sinh tự do này nhận định, so với đề thi năm ngoái và mẫu đề thi minh họa, đề chính thức có độ khó cao hơn.

“Em làm được khoảng 60% câu hỏi, trong đó phần dễ kiếm điểm nhất là phần lịch sử thế giới. Riêng phần lịch sử Việt Nam, tập trung vào giai đoạn 30-75, tuy nhiên dạng câu hỏi mốc lịch sử như năm ngoái năm nay lại bỏ, bọn em rất tiếc vì đây là dạng câu hỏi gỡ điểm. Thí sinh nào học kỹ sách giáo khoa thì dễ kiếm điểm trung bình” - Khánh cho biết.

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Thủy, điểm thi THPT Chu Văn An cũng nhận xét tổ hợp KHXH: “Đề bám sát chương trình. Với môn thi Địa lý, em làm mã đề 319, đề thi tương đối dài, một số câu hỏi mở rộng, đòi hỏi thí sinh có kiến thức sâu về vùng kinh tế, tự nhiên. Năm nay, việc sử dụng Altat được thí sinh sử dụng triệt để, giúp bọn em dành trọn điểm. Đề thi Giáo dục công dân khá hay và dễ, trong đó có 70% kiến thức lớp 12, giúp thí sinh kiếm điểm để tốt nghiệp”.


Thí sinh vui vẻ hoàn thành các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia (ảnh: Dương Phong)

Thí sinh vui vẻ hoàn thành các bài thi của kỳ thi THPT quốc gia (ảnh: Dương Phong)

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, có 3734 thí sinh đăng ký dự thi tổ hợp KHXH. Ở môn thi cuối cùng, có 55 lượt thí sinh vắng thi. Kết thúc ba ngày thi THPT Quốc gia năm 2018, không có giám thị và thí sinh nào vi phạm quy chế thi.

Ghi nhận tại Sóc Trăng:

Nếu các bài thi của hai ngày trước khiến nhiều thí sinh phải "nhăn nhó" vì mức độ khó, lạ, dài... thì kết thúc buổi thi cuối cùng ở tổ hợp môn KHXH, nhiều thí sinh ở Sóc Trăng rời điểm thi trong tâm trạng phấn khởi vì đề của các môn thành phần trong tổ hợp này khá dễ.

Thí sinh Nguyễn Thị Cẩm Tú (điểm thi trường THPT Văn Ngọc Chính, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên) tươi cười nói: "Đề thi ở tổ hợp môn KHXH rất dễ, phù hợp với học sinh. Bài của em cũng hi vọng đạt từ trên 7 điểm. So với các môn đã qua thì môn này em và nhiều bạn phấn khởi".

Thí sinh Sóc Trăng bàn luận sau buổi thi. (Ảnh: Xuân Lương)
Thí sinh Sóc Trăng bàn luận sau buổi thi. (Ảnh: Xuân Lương)

Cùng điểm thi với Cẩm Tú, thí sinh Ông Văn Ngân phấn khởi: "Đề thi sáng nay dễ, nhất là môn GDCD, chắc chắn em và nhiều bạn sẽ đạt điểm cao ở tổ hợp môn thi này".

Nhìn chung, nhiều thí sinh cho biết, đề thi GDCD dễ, còn đề thi môn Địa lý hấp dẫn các em khi đề có nói đến vấn đề mang tính thời sự là vấn đề biển đảo của Tổ quốc và các nhân tố để phát triển du lịch biển đảo Việt Nam.

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. (Ảnh: Xuân Lương)
Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia. (Ảnh: Xuân Lương)

Ghi nhận tại Đắk Lắk:

Ghi nhận của PV tại điểm thi THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) kết thúc buổi thi môn KHXH các thí sinh cho rằng đề Địa lý dễ, đề Sử tương đối còn đề thi môn Giáo dục công dân khá khó.

Em Hồ Thị Bích Ngọc (trường THPT Văn hóa 3), cho biết, môn Địa lý em làm bài khá tốt vì hầu hết tới 90% câu hỏi liên quan trong Atlat nên em khá tự tin.

“Riêng môn Giáo dục công dân em chỉ làm được khoảng 30-40% bài vì đề thi khá dàn trải, kiến thức rộng nên hiện em đang rất hoang mang”, em Ngọc cho hay.

Còn em Nguyễn Trúc Linh (trường THPT Chu Văn An) cho rằng: “Môn Lịch sử năm nay tương đối vừa sức nhưng để đạt điểm tuyệt đối cũng không dễ, môn Địa lý em nghĩ sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Còn môn Giáo dục công dân em chủ quan nên ôn thi ít nên làm được khoảng 25% bài mà thôi, còn những câu khác em khoanh bừa”, em Linh nói.


Thí sinh kết thúc ngày thi cuối tại Đắk Lắk (ảnh: Thúy Diễm)

Thí sinh kết thúc ngày thi cuối tại Đắk Lắk (ảnh: Thúy Diễm)

Trong ngày thi môn KHXH, tại Đắk Lắk có 3 điểm thi không có thí sinh dự thi là THPT Buôn Ma Thuột, THPT Lê Quý Đôn và TT GDTX Đắk Lắk.

Kỳ thi THPT quốc gia tại Đắk Lắk có 36 điểm thi, 934 phòng thi đặt tại 15 huyện, thị xã và thành phố. Có 22.188 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, thí sinh học THPT: 20.506; thí sinh học GDTX: 1.682; thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp: 5.315 (chiếm 23,1%). Huy động 2.810 cán bộ chấm thi, phục vụ và thanh tra thi.

Ghi nhận tại cụm thi Nghệ An:

Kết thúc buổi thi sáng nay, nhiều thí sinh rời khỏi phòng thi với tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái hơn so với các ngày thi trước đó.

Em Vũ Văn Huy (điểm thi Trường THPT Phan Đăng Lưu) cho biết: “Đề thi vừa phải, em làm bài tốt. Mục đích của em là thi môn Lịch sử đế xét điểm đại học nên em đã cố gắng hết mình”.

Nhiều thí sinh rời phòng trong tâm trạng rất phấn chấn.
Nhiều thí sinh rời phòng trong tâm trạng rất phấn chấn.

Thí sinh Nguyễn Thị Thu Huyền (Trường THPT Yên Thành 2, huyện Yên Thành thì nhận định: “Môn Địa lý đề khá dễ, em đã hoàn thành bài của mình được 80%, em hi vọng sẽ đạt điểm cao trong môn thi này”.

Ghi nhận tại Phú Yên:

Sáng nay, nhiều thí sinh tỉnh Phú Yên cho biết đề thi tổ hợp KHXH đều “dễ thở”, ôn tập kỹ thì có thể làm bài từ 60 -70%.

Thí sinh Nguyễn Văn Minh, điểm thi THPT Nguyễn Huệ chia sẻ: Em thấy đề thi môn Lịch sử năm nay dễ kiếm điểm 6 - 7. Phần dễ kiếm điểm nhất là phần lịch sử thế giới, còn lịch sử Việt Nam, tập trung vào giai đoạn 30-75 chỉ cần học bài là làm được bài.

Nhiều thí sinh nhận định đề 3 môn KHXH đều dễ thở (ảnh Trung Thi)
Nhiều thí sinh nhận định đề 3 môn KHXH đều "dễ thở" (ảnh Trung Thi)

Đối với đề môn Địa Lý thí sinh Nguyễn Thị Minh Duyên, điểm thi THPT Nguyễn Huệ nhận xét: Đề Địa Lý năm nay tương đối dễ nhưng hơi dài, chỉ cần thí sinh khai thác tốt Atlat thì có thể lấy được điểm cao. Riêng bản thân em thì làm được khoảng 75%.

Ghi nhận tại Quảng Bình:

Ở tổ hợp môn Khoa học xã hội, Quảng Bình có tất cả 7.712 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, số thí sinh đăng ký thi cả ba môn là 7.309. Ở tổ hợp này tại Quảng Bình có 95 lượt thí sinh bỏ thi.

Kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi năm nay, nhiều thí sinh tại Quảng Bình tỏ ra vô cùng thoải mái. Theo nhận xét của nhiều thí sinh thì đề thi ở tổ hợp Khoa học xã hội “dễ thở”.

“Em thấy đề thi của cả 3 môn vừa sức chứ không khó, em nghĩ nó ngang với đề thi thử trước đó mà bọn em thi. Là buổi thi cuối rồi nên em cảm thấy rất thoải mái. Em nghĩ mình đã có một kỳ thi thành công”, em Nguyễn Thị Hà tại điểm trường THPT Phan Đình Phùng chia sẻ.


Nhiều thí sinh tỏ ra vô cùng thoải mái sau khi kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. (Ảnh: Tiến Thành)

Nhiều thí sinh tỏ ra vô cùng thoải mái sau khi kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. (Ảnh: Tiến Thành)

Rời phòng thi ra về trong tâm trạng vui vẻ, thí sinh Trần Thành Long, tại điểm Trường THPT Đào Duy Từ phấn khởi cho biết: “Đề thi bám sát chương trình học và không quá khó. Em nghĩ với học lực trung bình cũng có thể đạt trên 6 điểm. Riêng đề Địa lý em thấy dễ nhất và nghĩ sẽ nhiều bạn đạt điểm cao ở môn này”.

Theo báo cáo nhanh từ Sở GD-ĐT Quảng Bình, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại địa phương này diễn ra an toàn, không có sự cố nào xảy ra. Tại cụm thi này chỉ có duy nhất 1 thí sinh bị khiển trách do nhìn bài của bạn.

Ghi nhận tại Hà Nội:

Tại điểm thi trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), các thí sinh thoải mái kết thúc ngày thi cuối với 3 môn thi trong Tổ hợp Khoa học xã hội.

Thí sinh Vũ Thuỳ Linh (THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đánh giá: "Đề Sử khá khó, trong khi đó đề thi môn Địa lý và GDCD vừa sức, vận dụng nhiều tình huống trong thực tế nên học sinh có thể giải quyết mà không cần nhớ kiến thức máy móc".

Em Vũ Quảng Nguyên (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) nhận định: Các thí sinh ôn bài ở mức vừa phải có thể vượt qua 3 môn trong tổ hợp Khoa học xã hội với mức điểm trung bình. Môn Địa lý thí sinh có thể sử dụng Át-lát, môn GDCD có thể vận dụng tình huống thực tế để giải quyết.

Đề Sử, Địa hơi dài, đề Giáo dục Công dân dễ kiếm điểm - 10

Thí sinh Hà Nội đội mưa rời phòng thi. (Ảnh: Lệ Thu)
Thí sinh Hà Nội đội mưa rời phòng thi. (Ảnh: Lệ Thu)

Tại điểm thi THPT Phạm Hồng Thái, thí sinh thi tốt nghiệp đánh giá đề vừa tầm. Em Hoàng Ngọc Anh (học sinh THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) nói rằng em chỉ thi để tốt nghiệp nên cảm thấy không quá khó khăn để lấy đủ điểm trung bình.

Thí sinh Hà Nội ra về trong mưa. (Ảnh: Mai Châm)
Thí sinh Hà Nội ra về trong mưa. (Ảnh: Mai Châm)

Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Công Trứ, trời đổ mưa rất to, tuy vậy các thí sinh kết thúc buổi thi cuối cùng trong niềm vui vẻ, hào hứng vì đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2018.


Thí sinh xem lại bài sau buổi thi. (Ảnh: Hà Cường)

Thí sinh xem lại bài sau buổi thi. (Ảnh: Hà Cường)

Thí sinh Nguyễn Anh Vũ, trường THPT Nguyễn Trãi, em làm bài thi tổ hợp tốt, khó nhất là môn Lịch sử. Đề năm nay có nhiều câu hỏi về ý nghĩa của các cuộc chiến, đáp án “na ná” gần giống nhau nên rất khó để tìm ra đáp án đúng nhất, dễ bị đánh lừa. Dạng câu hỏi lịch sử thế giới và giai đoạn trước năm 1945 là khó hơn cả, một số câu em không làm được, nên em khoanh bừa. Em chỉ chắc đúng được khoảng 50%.

Thí sinh vui vẻ sau buổi thi cuối cùng. (Ảnh: Hà Cường)
Thí sinh vui vẻ sau buổi thi cuối cùng. (Ảnh: Hà Cường)

Thí sinh Trần Hữu Vi, trường Đinh Tiên Hoàng, cho biết: "Đề Địa lí năm nay không quá khó, được dựa vào átlat nên cũng không quá khó để giành 5-6 điểm. Các câu hỏi vẫn bám sát vào chương trình ôn tập. Hay nhất, dễ nhất là các câu hỏi về 7 vùng phát triển kinh tế, biển đảo. Khó nhất vẫn là môn Lịch sử, các sự kiện không được hỏi nhiều, đa phần là hỏi về ý nghĩa, diễn biến… coi như là em chịu hẳn luôn.

Chắc là môn Giáo dục công dân sẽ là môn kéo điểm tốt nghiệp cho em. Dù hơi dài, có những câu hỏi dài 4-5 dòng, và cũng có khoảng 10 câu kiến thức lớp 11."

Trong khi đó, thí sinh Ngô Phương Thảo cho biết, môn Lịch sử vừa sức với các bạn và quá sức đối với em. Các câu nằm chương trình lớp 11 quá dài, càng đọc em càng thấy rối.

Ghi nhận tại cụm thi tỉnh Bình Định:

Theo ghi nhận của PV tại một số điểm thi tại TP Quy Nhơn (Bình Định), kết thúc 150 phút làm bài thi môn tổ hợp Khoa học Xã hội gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, các thí sinh thoải mái ra về. Tuy nhiên, nhiều thí sinh than đề Lịch sử nhiều câu hỏi khó nên không ít bạn khoanh “lụi”.

Trong khi đó, đề Địa lý vừa sức, riêng đề Giáo dục công dân thí sinh dư thời gian làm bài.

Thí sinh tại Bình Định cho rằng môn Lịch sử quá dài không đủ thời gian làm bài (ảnh Doãn Công).
Thí sinh tại Bình Định cho rằng môn Lịch sử quá dài không đủ thời gian làm bài (ảnh Doãn Công).

Thí sinh Dương Cẩm Loan (Trường THPT Trưng Vương) cho biết: “Đề Lịch sử quá dài, nhất là phần lịch sử Việt Nam, các câu hỏi đi sâu vào các sự kiện yêu cầu thí sinh phải học thuộc kiến thức. Với thời gian 50 phút để làm 40 câu là không đủ thời gian nên nhiều câu hỏi em đành đánh lụi. Nếu có thêm thời gian em có thể suy nghĩ làm bài tốt hơn”.

Trong khi đó, nhận xét về đề Địa lý, Loan cho rằng: “Đề Địa lý tương đối dễ, kiến thức tập trung vào lớp 12, còn lớp 11 rất ít. Theo em nhìn nhận, phần lớn các thí sinh trong phòng thi của em đều làm rất tốt. Riêng môn Giáo dục công dân em dư thời gian để làm bài”.

Nhận xé về đề thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội, em Ngô Ngọc Bảo Long (Trường THPT Trưng Vương) cho rằng đề thi môn tổ hợp KHXH bám sát chương trình phổ thông, trong 3 môn thi chỉ môn Lịch sử là khó với 2 môn còn lại.

Ghi nhận tại Gia Lai:

Tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hầu hết các thí sinh nhận xét đề thi năm nay dài hơn năm ngoái nhưng không phải quá khó. Hầu hết các môn thi đều phân chia các câu hỏi từ dễ đến khó, để phân loại đánh giá năng lực của các thí sinh.


Các thí sinh trên địa bàn đều có những cố điểm tích lũy trong các môn thuộc ban KHXH. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Các thí sinh trên địa bàn đều có những cố điểm tích lũy trong các môn thuộc ban KHXH. (Ảnh: Phạm Hoàng)

Thí sinh Bùi Huy Nhân điểm thi trường THPT Lê Lợi - TP. Pleiku (Gia Lai) phấn khởi nói: “Hai môn cuối là Địa Lý và GDCD em làm khá tốt khoảng trên 70%. Còn môn Lịch Sử, em làm được khoảng 60% câu hỏi, trong đó phần lịch sử thế giới là phần em kiếm điểm dễ nhất. Riêng phần lịch sử Việt Nam thì tập trung vào giai đoạn 30-75 nên em cũng không chắc chắn phần này lắm. Những bạn nào học kỹ sách giáo khoa thì rất dễ kiếm điểm trung bình”.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, sáng ngày 27/6 có khoảng 7.998 thí sinh dự thi, vắng 119 thí sinh.

Ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị:

Sáng nay, các thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái, phấn khởi. Đề thi Tổ hợp môn xã hội (Địa lý, Lịch sử, GDCD) được đánh giá khá nhẹ nhàng.

Đây là buổi thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia, nhiều thí sinh biểu thị sự tự tin sau khi hoàn thành tốt bài thi.

Mang tâm trạng phấn khởi rời trường thi, thí sinh Nguyễn Anh Kỳ cho biết, đề thi môn Địa Lý tương đối dễ, thí sinh được ôn tập kỹ chắc chắn sẽ làm được. Đề thi chứa nhiều nội dung về biển, đảo, về phát triển kinh tế, nhiều câu cần sử dụng At lát để làm bài. Môn Lịch sử có nhiều nội dung sự kiện trước 1975, nhưng đề thi năm nay không quá khó.

Thí sinh Lê Thị Hà tự tin, bài thi Tổ hợp môn xã hội em nghĩ mình làm đúng chừng 60-70%. Đề thi không quá khó, thậm chí nhiều nội dung dễ hơn nếu chú ý ôn tập. Với đề thi này nhiều học sinh lực học trung bình đều đạt điểm 5 hoặc 6.

Em Nguyễn Quân cho rằng, đề thi môn Lịch sử hơi dài, nhiều kiến thức tổng hợp. Đây là môn thi “khó nhằn” với nhiều thí sinh. Còn môn Địa Lý và GDCD thì không đến mức khó.

Ghi nhận tại Quảng Nam:

Sau khi kết thúc tổ hợp môn khoa học xã hội, nhiều thí sinh nhận định chỉ cần ôn tập thật kỹ, nắm kiến thức là có thể kiếm được điểm 7-8.

Thí sinh cho biết đề thi Sử THPT Quốc gia 2018 này tập trung kiến thức lớp 12 và hầu như hỏi về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Nhiều em tự tin mình có thể dễ dàng lấy điểm 7.

Thí sinh Lê Văn Huy (điểm thi THPT Sào Nam - huyện Duy Xuyên) cho biết: “Đề có 40 câu, kiến thức hầu hết đều tập trung lớp 12 và hầu như hỏi về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Kiến thức lớp 11 có vài câu hỏi về lịch sử thế giới. Đề Sử năm nay kiến thức không rộng lắm nếu ôn bài đầy đủ phải được khoảng 7-8 điểm. Em làm được khoảng 70% đề nên cũng khá hài lòng”.

Thí sinh Quảng Nam nhận xét về đề thi KHXH

Đề thi Địa lý năm nay nhiều câu hỏi mở, hỏi nhiều về khoáng sản, tiềm năng kinh tế trên biển Đông.

Theo thí sinh Ngọc Mai (điểm thi THPT Sào Nam - huyện Duy Xuyên): “Đề thi Địa lý gồm 40 câu, trong đó 85% là kiến thức lớp 12, kiến thức lớp 11 có câu hỏi về Nhật Bản, Trung Quốc. Theo em, đề năm nay dễ hơn năm ngoái tuy có câu dài nhưng chỉ cần đọc kỹ là làm được. Đề có câu hỏi về khoáng sản, tiềm năng kinh tế trên biển Đông… Em làm khoảng 80% và khá hài lòng về phần thi của mình.

Đề thi Giáo dục Công dân hỏi về những quyền công dân có thể thực hiện, những điều luật pháp điều chỉnh… Các câu hỏi có liên hệ đến đời sống xã hội, nhiều câu hỏi mở.

Em Nguyễn Văn Hoài Linh chia sẻ: “Các câu hỏi cũng bám khá sát phần học, nhiều câu hỏi mở có liên hệ đến đời sống xã hội. Em dự đoán làm khoảng 90% các câu hỏi nên khá vui vẻ”.

Cụm thi Hà Nam:

Trong buổi thi cuối cùng, tại Hà Nam thời tiết mát mẻ, dễ chịu, tạo tâm lý làm bài rất tốt cho thí sinh. Nhiều thí sinh rất hào hứng trước đề thi môn Giáo dục công dân về cá độ bóng đá, tung tin bịa đặt trên mạng.

Thí sinh Hà Nam hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục Công dân (ảnh: Đức Văn)
Thí sinh Hà Nam hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục Công dân (ảnh: Đức Văn)

Theo đánh giá của các thí sinh Hà Nam, bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục Công dân, thì bài Địa lí và Giáo dục công dân có thể dễ kiếm điểm nhất, khó nhằn nhất là môn Lịch sử, nhiều bạn sau khi kiểm tra lại chỉ đặt kết quả bài thi mình ở mức trung bình.

Thí sinh Nguyễn Văn Dương cho biết: “Đề thi sử năm nay khá hóc búa và có tính phân loại, càng về sau các câu hỏi càng khó hơn, em cũng không chắc chắn lắm với kết quả mình đã làm, nhưng khả năng em sẽ đạt điểm 5 hoặc 6”.

Ghi nhận tại Quảng Ngãi:

Nhiều thí sinh tại điểm thi trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) thở phào nhẹ nhõm khi kết thúc bài thi tổ hợp KHXH. Đa phần thí sinh đánh giá đề thi môn Giáo dục công dân dễ nhất, đề thi Sử dài và tương đối khó.

Điểm thi trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 102 thí sinh dự thi và phần lớn chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp nên đa phần chọn tổ hợp KHXH.

Thí sinh Đinh Văn Nghĩa cho biết đối với môn Địa lý đề bám sát chương trình học nhưng cũng có một số nội dung mở rộng yêu cầu thí sinh phải nắm vững kiến thức về địa lý kinh tế và vùng kinh tế. Đối với môn Giáo dục công dân là môn "dễ thở" nhất đối với nhiều thí sinh.

"Em cảm thấy hài lòng với bài thi trong sáng nay, đề tổ hợp dễ kiếm điểm 5. Riêng môn Giáo dục công dân em hy vọng mình được 7 điểm", Nghĩa chia sẻ.


Thí sinh tại điểm thi trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định đề thi tổ hợp KHXH tương đối dễ, giúp thí sinh có thể đạt điểm trung bình. (Ảnh: Quốc Triều)

Thí sinh tại điểm thi trường THPT Đinh Tiên Hoàng nhận định đề thi tổ hợp KHXH tương đối dễ, giúp thí sinh có thể đạt điểm trung bình. (Ảnh: Quốc Triều)

Thí sinh Đinh Văn Chĩa cũng cho rằng đề môn Địa lý và Sử hơi dài nhưng khoảng 50% số câu hỏi là tương đối dễ dàng, đối với môn Giáo dục công dân thì thí sinh này cũng cho rằng mình sẽ đạt được từ 5-6 điểm.

Thông tin nhanh với Dân trí, ông Đỗ Văn Phu - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: trong buổi thi môn tổ hợp KHXH đã có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng điện thoại di động trong phòng thi và có 89 thí sinh bỏ thi.

Ghi nhận tại Bạc Liêu:

Kết thúc tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn Sử, Địa và Giáo dục công dân sáng nay 27/6, nhiều thí sinh tại Bạc Liêu tỏ ra khá vui vẻ. Hầu hết đều cho biết, đề thi tương đối “dễ thở”.

Thí sinh Bạc Liêu xem lại đề thi môn Đại lý. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Thí sinh Bạc Liêu xem lại đề thi môn Đại lý. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo đánh giá của các thí sinh, môn Sử khó nhất trong 3 môn thi sáng nay. “Đề Sử em thấy không học thuộc lòng nhiều mà cần phải hiểu mới có thể làm được”, một nam thí sinh thi tại điểm thi THPT chuyên Bạc Liêu nhận định.

Một số thí sinh cho rằng, đề Sử khó có thể có nhiều điểm 10 tuyệt đối, phải những học sinh cực giỏi môn này mới có thể đạt 9, 10.

Với môn Địa lý, nhiều thí sinh cho biết, có nhiều câu hỏi sử dụng Atlat đã hỗ trợ các em rất nhiều khi làm bài nên đề Địa không quá khó. “Em nghĩ phổ điểm nhiều nhất có thể 6 trở lên với môn này”, một nữ sinh Bạc Liêu dự đoán.

Thí sinh Bạc Liêu đánh giá đề thi tổ hợp Khoa học xã hội

Trong khi đó, môn Giáo dục công dân có nhiều câu dễ hiểu nên nhiều thí sinh cho biết mình làm rất tốt. Có những câu liên hệ thực tế đời thường nên có thể dễ ăn điểm.

Ghi nhận của PV Dân trí, gần hết giờ buổi thi sáng nay, trời Bạc Liêu bất ngờ đổ cơn mưa lớn. Nhiều phụ huynh đến đón con đã phải "đội mưa" chờ con bên ngoài các điểm thi.

Phụ huynh Bạc Liêu đội mưa đón con buổi thi cuối. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Phụ huynh Bạc Liêu "đội mưa" đón con buổi thi cuối. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Ghi nhận tại Huế:

Theo ghi nhận của PV sáng ngày 27/6, tại điểm thi trường Hai Bà Trưng (TP Huế) do do Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, các thí sinh đã hoàn thành các môn thi thuộc khối Khoa học Xã hội gồm 3 môn Lịch sử, Địa Lý và Giáo dục Công dân.

Em Bùi Vĩnh Đăng Khoa (học sinh trường THPT Hai Bà Trưng) cho biết: “Đề thi năm nay có độ phân hóa rất cao và khó hơn nhiều so với năm ngoái. Trong ba môn thì môn địa em làm được nhất, còn môn Lịch sử và Giáo dục Công dân thì em làm không tốt bằng. Vì có độ phân hóa cao nên học sinh cần phải nắm vững kiến thức cả lớp 11 và 12 thi mới làm bài tốt được. Xét trung bình chung 3 môn em làm được khoảng 60%”.

Thí sinh vui vẻ kết thúc môn thi cuối tại Huế (ảnh: Quý Châu)
Thí sinh vui vẻ kết thúc môn thi cuối tại Huế (ảnh: Quý Châu)

Trong khi đó, em Nguyễn Giao Quỳnh (học sinh trường THPT Hai Bà Trưng) lại cho rằng đề cả ba môn đều dễ hơn năm ngoái, số lượng các câu hỏi lớp 11 rất ít, phần lớn là kiến thức lớp 12. Với môn Lịch sử thì đa số là các câu hỏi về lịch sử Việt Nam, ít các câu hỏi về lịch sử thế giới. Em khá tự tin về bài làm của mình, em làm được khoảng 80%”.

Nhiều học sinh cho rằng, khoảng cách nghỉ giữa 3 môn là vừa đủ, giúp học sinh có thể thư giãn được tuy nhiên trong một buổi sáng thi cả 3 môn liên tiếp thì khiến học sinh dễ bị rối và căng thẳng.

Nhìn nhận chung các thí sinh cho rằng đề tổ hợp sáng nay dễ làm (ảnh: Quý Châu)
Nhìn nhận chung các thí sinh cho rằng đề tổ hợp sáng nay dễ làm (ảnh: Quý Châu)

Ghi nhận tại Lâm Đồng:

Sáng nay, gần hơn 8.000 thí sinh Lâm Đồng tham dự phần thi tổ hợp Khoa học Xã hội. Rời phòng thi, nhiều thí sinh thở phào nhẹ nhõm vì đã kết thúc kì thi và đề thi xã hội năm nay “dễ thở”.

“Đề thi cả 3 môn đều dễ, dễ nhất là Giáo dục công dân. Đề Lịch sử tuy hơi dài nhưng đều nằm trong chương trình ôn tập ở trường của tụi em. Em nghĩ với đề thi này thì bạn nào cũng có thể đạt được điểm trên trung bình”, em Nguyễn Anh Tú (cụm thi trường Trần Phú, Đà Lạt) chia sẻ.


Thí sinh ở Lâm Đồng kết thúc phần thi trong tâm trạng thoải mái. (Ảnh: Ngọc Hà)

Thí sinh ở Lâm Đồng kết thúc phần thi trong tâm trạng thoải mái. (Ảnh: Ngọc Hà)

Em Nguyễn Văn Huy (trường Hermann Đà Lạt) cho rằng, đề thi môn Địa lý và Giáo dục công dân thì dễ nhưng môn Sử thì rất khó.

“Hai môn kia thì em làm được hết, nhưng môn Lịch Sử em chỉ làm được khoảng hơn 50% nên không có có đạt được điểm trung bình không…”, Huy chia sẻ thêm.


Thí sinh hào hứng hoàn thành các bài thi và dò lại đề thi. (Ảnh: Ngọc Hà)

Thí sinh hào hứng hoàn thành các bài thi và dò lại đề thi. (Ảnh: Ngọc Hà)

Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT Lâm Đồng, sáng nay trong môn thi Lịch sử có 8.529 thí sinh đăng ký dự thi với 397 phòng thi, trong đó 8.486 thí sinh tham dự thi, vắng 43 thí sinh. Môn Địa lý có 8.192 thí sinh đăng ký dự thi với 382 phòng thi, có 8.154 thí sinh dự thi, vắng 38 thí sinh.

Môn Giáo dục công dân có 7.787 thí sinh đăng ký dự thi, tham dự 7.761 thí sinh, vắng 26 thí sinh. Không có trường hợp nào vi phạm trong quá trình thi.

Ghi nhận tại TPHCM:

Sáng nay, các sĩ tử hoàn thành buổi thi cuối cùng với tâm trạng thoải mái dù trong số 3 môn thành phần, môn Sử được cho là khá khó.

Tại điểm thi THPT Ten Lơ Man (quận 1), các thí sinh hớn hở vì hoàn thành kỳ thi khá căng thẳng của mình. Nhiều thí sinh cho biết so với năm ngoái đề thi tổ hợp Khoa học xã hội có phần nâng cao hơn nhưng không gây khó khăn cho học sinh.

Thí sinh TPHCM hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
Thí sinh TPHCM hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

Là một trong những thí sinh ra sớm nhất, thí sinh Chu Hồng Anh cho biết, môn Sử em thấy khó nhất trong 3 môn em thi sáng nay. Dù nội dung hoàn toàn trong chương trình sách giáo khoa nhưng nếu không đọc kỹ thì rất dễ nhầm lẫn. Còn môn Địa so với năm ngoái có khó hơn chút nhưng em thấy trong phòng thi các bạn đều làm được hết. Riêng môn Giáo dục công dân em chỉ mất 15 phút là hoàn thành.


Đa số thí sinh đều thở phào vì kết thúc kỳ thi căng thẳng.

Đa số thí sinh đều thở phào vì kết thúc kỳ thi căng thẳng.

Còn Minh Đức, học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - học sinh giỏi môn Sử cũng nêu ý kiến: “Em thi mã đề 305, với đề này em nghĩ mình làm được 9,5 điểm. Tuy nhiên, so với năm trước thì em thấy đề có phần dài và khó hơn. Một số câu dễ gây nhầm lẫn trong số đó 6-7 câu phân hoá cho bạn nào học chuyên môn này. Nếu học sinh trung bình thì em nghĩ khả năng trên điểm 5 hoặc 6 chứ không thể cao hơn”.

Thí sinh này cho biết mình hoàn thành môn Sử trong 15 phút, môn Địa 30 phút và GDCD 10 phút. Thi xong em tự tin sẽ trúng tuyển vào trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM.

Thí sinh TPHCM đánh giá đề Sử dài và khó

Ghi nhận tại Đà Nẵng:

Sáng nay, các thí sinh tại Đà Nẵng đánh giá đề Lịch sử năm nay dài, đề Địa lí có tính phân hoá cao và đề Công dân thú vị với các câu hỏi liên hệ thực tiễn cuộc sống.

Trao đổi với PV Dân trí, thí sinh Nguyễn Mai Phương Hiếu thi tại điểm trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho rằng đề thi môn Lịch sử sáng nay khá dài và đòi hỏi thí sinh phải nắm vững khối lượng kiến thức lớn. Nếu không nắm kỹ bản chất của từng sự kiện lịch sử, rất dễ nhầm lẫn sự kiện.


Các thí sinh tại Đà Nẵng vừa hoàn tất buổi thi cuối kỳ thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Khánh Hiền)

Các thí sinh tại Đà Nẵng vừa hoàn tất buổi thi cuối kỳ thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Khánh Hiền)

Đối với đề thi Địa lí, thí sinh Minh Tâm, cũng dự thi tại điểm trường trên, đánh giá đề thi năm nay có tính phân hoá cao. Trong 40 câu trắc nghiệm thì từ câu số 25 trở đi là khó. Nếu các năm trước, thí sinh chỉ cần sử dụng Atlat tốt thì có thể giải quyết cơ bản bài thi môn Địa; nhưng năm nay, thí sinh phải nắm vững cả lý thuyết và kỹ năng sử dụng Atlat mới làm bài thi tốt.

So với đề Lịch sử và Địa lí, các thí sinh tại Đà Nẵng chia sẻ đề thi môn Giáo dục công dân "dễ thở" hơn. Trong đó, có nhiều câu đề đưa ra các tình huống có trong thực tiễn cuộc sống khiến thí sinh cảm thấy thú vị.

***

Như vậy là các thí sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, sau khi thí sinh thi xong, các Hội đồng thi phải thực hiện ngay công tác chấm thi theo quy định và thông báo kết quả cho thí sinh vào ngày 11/7/2018.

Chậm nhất ngày 15/7/2018, các sở GDĐT phải cập nhật danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT vào phần mềm quản lý thí.

Công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 17/7/2018.

Nhóm PV