Để con sa đà vào điện thoại, ti vi, iPad, có hối cũng không kịp!

(Dân trí) - 12 tiếng đồng hồ dán mắt vào màn hình công nghệ, mối lo không chỉ hiển hiện ở viễn cảnh thị lực của trẻ bị ảnh hưởng mà điều tồi tệ hơn là trẻ dễ bị tiêm nhiễm "làn khói độc" từ không gian mạng.

Để con sa đà vào điện thoại, ti vi, iPad, có hối cũng không kịp! - 1

Nhiều ông bố bà mẹ, họ bận rộn và bất lực trong cuộc chiến kéo con cái ra khỏi màn hình công nghệ.

 Đọc bài viết "Ở nhà, con tôi dán mắt vào ti vi, điện thoại 12 tiếng mỗi ngày" của tác giả Hoài Nam trên báo Dân Trí, hẳn là mọi người đều có chung cảm giác bất an đến tột cùng, lo lắng đến tột độ với nếp sinh hoạt của nhiều gia đình trong bối cảnh giãn cách xã hội hiện nay.

Kỳ nghỉ hè bị "nhốt" trong nhà bởi mối nguy dịch bệnh ngay bên ngoài đã khiến hoạt động của trẻ chỉ quẩn quanh xem ti vi sáng tối, hết ti vi chuyển sang điện thoại, thả điện thoại lại lân la iPad ư? Tôi thiết nghĩ cách ứng xử xuề xòa và sự bao biện của phụ huynh hoàn toàn không thể chấp nhận được trong bối cảnh "thả rông" con trẻ cho thiết bị công nghệ!

12 tiếng đồng hồ dán mắt vào màn hình công nghệ, mối lo không chỉ hiển hiện ở viễn cảnh thị lực của trẻ bị ảnh hưởng mà điều tồi tệ hơn là trẻ dễ bị tiêm nhiễm "làn khói độc" từ không gian mạng.

Không phải phụ huynh nào cũng có chủ ý cài đặt các ứng dụng quản lý nội dung từ thế giới ảo cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Rất nhiều bố mẹ cứ giao phó con cái cho điện thoại, ti vi, iPad và hoàn toàn không biết con đang xem gì, theo dõi ai, nội dung đó tốt hay xấu.

Chính vì sự chủ quan của người lớn, khá nhiều đứa trẻ đã sớm tiêm nhiễm cách nói chuyện ngỗ ngược, trống không và thậm chí là phản cảm, tục tĩu bởi con vô tình mắt thấy, tai nghe và học đòi từ mạng ảo.

Chính vì sự dễ dãi của người lớn, khá nhiều đứa trẻ đã sớm biết cách mè nheo, khóc nhè, nhõng nhẽo đòi bằng được món đồ chơi yêu thích: thiết bị công nghệ.

Và vì suốt ngày cắm cúi vào màn hình công nghệ nên một thói quen cực kỳ xấu xí đã hình thành ở trẻ: phải đòi bằng được điện thoại mới chịu ăn, phải mở ti vi mới chịu ngồi yên, phải chơi iPad mới thôi quấy khóc… Hình ảnh ấy hẳn là khá quen thuộc bởi chúng ta dễ dàng bắt gặp nhan nhản xung quanh mình.

Đúng như tác giả Hoài Nam khẳng định: "Đã có nhiều dự đoán tình trạng trẻ nghiện thiết bị công nghệ vì ảnh hưởng của dịch bệnh khi các em thiếu hoạt động, dành nhiều thời gian cho các thiết bị số. Nhưng có lẽ không chờ đến các con số, nghiên cứu, chính bố mẹ đang cảm nhận điều đó rõ nhất. Hình ảnh tại nhiều gia đình lúc này là mỗi người… một chiếc điện thoại".

Bố mẹ là người nhìn thấy rõ nhất, cảm nhận rõ nhất về những đổi thay trong nếp nhà khi dịch bệnh xáo trộn nhịp sống của mọi người suốt từ những ngày cuối tháng 4 đến nay. Và bố mẹ cũng mường tượng được những tín hiệu xấu khi con dán mắt vào màn hình suốt như thế. Nhưng như lời biện minh của nhiều ông bố bà mẹ, họ bận rộn và bất lực trong cuộc chiến kéo con cái ra khỏi màn hình công nghệ.

Họ bận với việc lo miếng cơm manh áo cho cả nhà, quay cuồng với công việc tại gia và vô số việc không tên. Đến lúc rảnh rỗi lại uể oải giao phó con cho điện thoại. Và mình tự thưởng cho mình những giờ phút cặm cụi lướt face, post ảnh, đăng status, đếm like và bình luận…

Họ ý thức được mối nguy từ màn hình công nghệ nên cũng muốn giật phăng chiếc điện thoại khỏi tay con, quát nạt con buông iPad, tắt phụt cái ti vi… Nhưng rồi vì không tổ chức nếp sinh hoạt, không xây dựng thời gian biểu hợp lý cho cả nhà, không chủ động thiết kế hoạt động gắn kết các thành viên nên trẻ chẳng có gì chơi, chẳng biết làm gì và lại sa đà vào điện thoại, iPad, ti vi.

Cuộc chiến đằng sau cánh cửa trong mỗi tổ ấm giữa bối cảnh giãn cách xã hội đang âm ỉ và khốc liệt chẳng kém cạnh sức nóng của dịch bệnh ngoài kia. Cuộc chiến ấy cần sự tỉnh táo của phụ huynh để nhận ra việc chăm sóc, dưỡng nuôi và vun bồi đời sống tinh thần cho trẻ quan trọng vô cùng.

Cuộc chiến ấy cần tình yêu thương và sự hy sinh thói quen, sở thích riêng của bố mẹ để hòa mình vào niềm vui con trẻ. Cuộc chiến ấy cần sự sáng tạo và tính kiên nhẫn cùng trẻ chơi, cùng trẻ học, cùng trẻ trải qua những ngày giãn cách sống chậm lại và sống chất hơn.

Xin phụ huynh hãy nhớ rằng: Để con sa đà vào điện thoại, ti vi và iPad, có hối hạn cũng đã muộn màng!