Dạy thể dục, làm thí nghiệm qua học trực tuyến: Cái khó "ló" cái hay

Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, chất lượng, giáo viên đã sáng tạo, vận dụng nhiều cách dạy để bảo đảm yêu cầu môn học đồng thời thu hút học sinh tham gia.

Dạy thể dục, làm thí nghiệm qua học trực tuyến: Cái khó ló cái hay - 1
Cô Phạm Thị Thùy Trang tập mẫu, quay video hướng dẫn học sinh các bài tập. Ảnh: NTCC

Dự án thí nghiệm ảo

Với môn Hóa học, đòi hỏi có bài thí nghiệm để giúp học sinh (HS) nắm kiến thức vững chắc, sâu sắc, phong phú cả về lý thuyết lẫn thực hành. Học trực tiếp, HS được thao tác với thiết bị, dụng cụ thực hành, từ đó nắm bắt hiện tượng, kết quả. Tuy nhiên, phương thức này không thể tiến hành qua học trực tuyến. Điều này yêu cầu GV phải có những cách vận dụng sáng tạo, phù hợp với học qua mạng.

Cô Trần Thu Huệ - GV môn Hóa, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết: Tôi tổ chức cho HS thuyết trình bài thực hành như một dự án. Các em sưu tầm video về các thí nghiệm có sẵn trên mạng, sau đó có thể tiến hành làm trực tiếp ở nhà hoặc làm thí nghiệm mô phỏng.

HS được chia thành nhóm để thảo luận các vấn đề trong thí nghiệm quan sát được: Hiện tượng xảy ra thế nào; giải thích hiện tượng; viết phương trình phản ứng của phản ứng xảy ra trong thí nghiệm; rút ra kết luận về thí nghiệm. Tiếp theo, tôi hướng dẫn HS làm bài tập thí nghiệm hoặc tìm hiểu thêm tư liệu củng cố về dạng bài liên quan đến nội dung thí nghiệm thực hành.

Với cách làm này, bài thực hành Hóa học qua mạng trở nên phong phú, tiết học vui nhộn, học sinh hoạt động tích cực tránh được sự tẻ nhạt của lý thuyết suông. Quan trọng, các em thu nhận được kiến thức cơ bản qua giờ thí nghiệm ảo, hình thành được kỹ năng tiếp cận, phân tích hiện tượng hóa học, từ đó vận dụng vào thực tiễn.

Thầy Vũ Đình Phương - GV Hóa, Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Môn Hóa học đòi hỏi nhiều nội dung thí nghiệm, thực hành. Trong thời gian nghỉ học phòng dịch, việc dạy trực tuyến với môn học chủ yếu tập trung cho phần lý thuyết. Phần thực hành, GV dựa vào những video chính thức ở trên mạng hoặc quay thêm một số video ở trường để hướng dẫn HS quan sát, củng cố thêm lý thuyết bài học.

"Việc để HS tự thực hành tại nhà được GV cân nhắc, bởi một số thí nghiệm đòi hỏi phải có hóa chất, HS không dễ dàng để mua cũng như tự thực hành với hóa chất. Vì vậy, với dạy học trực tuyến, HS thu nạp kiến thức thực hành qua các video hướng dẫn, sau đó khi quay trở lại học trực tiếp, GV sẽ củng cố lại bằng giáo dục trực quan" - thầy Phương cho biết.

Theo thầy Phương, các video thí nghiệm, mô phỏng thí nghiệm, hệ thống phần mềm thí nghiệm Hóa học bảo đảm chất lượng, khoa học, phục vụ cho bài giảng phổ biến trên Internet, trang web của Bộ GD&ĐT. Các nguồn video thí nghiệm vô cùng phong phú và đa dạng, GV có thể lựa chọn video chính xác, khoa học để ứng dụng vào bài giảng một cách hiệu quả nhất.

Nội dung của phần mềm gồm các thao tác, bước theo đúng trình tự thí nghiệm nên HS có thể tiến hành thí nghiệm như trên thực tế. Điều này giúp các em rèn luyện được kỹ năng cơ bản trước khi làm thí nghiệm.

Dạy thể dục, làm thí nghiệm qua học trực tuyến: Cái khó ló cái hay - 2
Học sinh khám phá thí nghiệm Hóa học ảo. Ảnh: TG

Truyền cảm hứng tập luyện

Để tạo động lực cho HS tham gia tập luyện thể dục thể thao trong điều kiện học qua mạng, cô Phí Thị Thu Hương - GV môn Giáo dục thể chất, Trường THPT Mỹ Đức B (Hà Nội) dành nhiều thời gian để quay video làm mẫu các bài tập, chuyển qua mạng cho HS tập luyện tại nhà.

Cô Hương cho biết: Tôi hướng dẫn HS tập tâng cầu và chạy bền theo video; đồng thời kết hợp với các bài tập bổ trợ theo nội dung tập luyện. Qua đó, các em có thể tự tập tại nhà. Vì tư thế, động tác nào cũng được hướng dẫn làm mẫu, có thuyết minh kèm theo nên HS đều hoàn thành bài học. GV theo dõi động tác tập của các em qua máy tính, điện thoại, từ đó đưa ra nhận xét, chỉnh sửa kịp thời, bảo đảm việc tập luyện đạt chất lượng.

Tương tự, cô Phạm Thị Thùy Trang - GV dạy thể dục, Trường THCS Thanh Quan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: Tôi quay video gửi cho HS tập rồi yêu cầu các em gửi lại video mô tả động tác tập luyện.

Để việc học môn Thể dục phù hợp với hình thức trực tuyến, tôi lựa chọn những bài tập không cần nhiều diện tích mà vẫn có thể tập được như: Gập thân, chạy nâng cao đùi tại chỗ, kiễng hạ gót chân, bài thể dục phát triển chung 9 động tác, bật nhảy, nhảy dây. Tôi còn xây dựng bài thể dục liên hoàn 45 nhịp dành cho nam và nữ lớp 9, bài liên hoàn 35 nhịp cho lớp 8.

Theo cô Trang, HS luôn được truyền cảm hứng thông qua hình ảnh của chính thầy cô nên rất hào hứng với cách học này. Các em không "ngại" tập mà tích cực làm theo hướng dẫn, sau đó quay video gửi lại GV. Với mỗi video, GV kịp thời động viên và nhận xét những động tác tập của HS, uốn nắn, nhắc nhở những động tác chưa chuẩn để chỉnh sửa.

Tuy không thể đạt được các yêu cầu như tập trực tiếp theo giờ học ở trường. Song điều quan trọng nhất là làm thế nào để HS được vận động để cân bằng với việc phải ngồi cả ngày trước màn hình máy tính và khích lệ được tất cả các bạn trong lớp cùng tích cực tập luyện.

Các video hướng dẫn của cô với thao tác thực hành cụ thể giúp chúng em hình dung được bản chất của vấn đề, từ đó chia theo nhóm để trình bày ý tưởng cũng như hiểu biết của mình về bài học.

Với cách làm thí nghiệm "ảo" như thực hiện một dự án, chúng em không chỉ nắm bắt kiến thức môn Hóa học một cách toàn diện, mà còn có thêm kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thuyết trình và tương tác với các bạn để tìm ra cách thức tiếp nhận môn học một cách hiệu quả nhất, dù là học qua màn hình máy vi tính... - Em Lê Diễm Quỳnh - Lớp 11D7, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội)