Dạy con trẻ, người lớn phải nêu gương tốt

(Dân trí) - Khi chưa có con, chúng ta sống “hồn nhiên cây cỏ” thế nào là việc của chúng ta, nhưng khi có con rồi, chúng ta phải nghiêm túc soi gương lại mình, soi cho chuẩn vì con sẽ nhìn vào gương của chúng ta để lớn lên.

Và để làm gương cho chuẩn thì chúng ta cần có bản thiết kế trước đó để soi vào - khẳng định này dựa trên nguyên lý “Mọi sự vật đều được sáng tạo hai lần” của nhà giáo dục người Mỹ Tiến sĩ Stephen Covey (1932 - 2012). Sáng tạo lần thứ nhất là sáng tạo tinh thần, và sáng tạo lần thứ hai là sáng tạo vật chất. Nói cách khác, sáng tạo lần thứ nhất là trên ý tưởng, sáng tạo lần thứ hai là trên thực tiễn để hiện thực hóa ý tưởng đó.

Nguyên lý sáng tạo hai lần có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Xét về việc nuôi dạy con, áp dụng nguyên lý sáng tạo hai lần thì sáng tạo lần thứ nhất là ý tưởng của chúng ta về việc muốn con sẽ trở thành người thế nào, sáng tạo lần thứ hai là việc chúng ta dạy con hàng ngày hướng đến những tính cách mong muốn đó. Chúng ta có thể gọi đây là bản thiết kế hai lần.

Cho nên, có thể nói rằng, khi có con, mỗi chúng ta trở thành nhà thiết kế. Khi nuôi dạy con, chúng ta đều hình dung trong đầu về việc con lớn lên sẽ thành người có tính cách thế nào, cư xử ra sao... Đó là bản thiết kế lần thứ nhất.

Nếu những gì mà chúng ta thể hiện hàng ngày cho con thấy về ta lại có nhiều khi không phù hợp với bản thiết kế lần thứ nhất kia, hoặc thậm chí trái ngược, thì kết quả là bản vẽ cuối của chúng ta sẽ trục trặc. Lý do là trẻ bị mâu thuẫn, dao động giữa việc ghi nhận các hành vi hàng ngày của cha mẹ với việc cha mẹ muốn trẻ trở thành người thế nào, và kết quả cuối cùng thế nào là may rủi.
Học sinh Trường THCS Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông) trong một trò chơi
Học sinh Trường THCS Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông) trong một trò chơi.

Ví dụ như chắc hẳn nhiều người thích con mình sẽ sạch sẽ, biết giữ vệ sinh, gọn gàng ngăn nắp, giàu lòng nhân ái, trung thực, giữ lời hứa... Nhưng bản thân người cha mẹ lại thể hiện mình là người ăn ở không sạch sẽ (ví dụ vứt rác, khạc nhổ bừa bãi), vứt đồ đạc lung tung, đánh chó chửi mèo, chửi rủa khi thấy người ăn xin, hay nói dối trẻ, hay thất hứa với trẻ (mà không hề xin lỗi, hoặc không giải thích sau đó)... Như vậy là có sự mâu thuẫn với bản thiết kế lần thứ nhất. Và sau đó con mình có như thế nào lại đổ là "Con hư tại.... xã hội".

Mà con hư tại xã hội là cũng có lý đấy. Chính Tiến sĩ Stephen Covey từng viết: “If we do not teach our children, society will. And they - and we - will live with the results." (tạm dịch: "Nếu chúng ta không dạy con chúng ta, xã hội sẽ làm điều đó. Và con chúng ta - và chúng ta - sẽ lãnh hậu quả.").

Xã hội thì không biết bản thiết kế lần thứ nhất của chúng ta - tất nhiên rồi - nên xã hội cứ tùy ý dạy trẻ, còn việc ra kết quả có giống với bản thiết kế của chúng ta đến đâu thì chúng ta tự ngẫm!

Tránh tình trạng các ông bố bà mẹ chả để ý đến việc dạy con như thế nào để hướng đến những tính cách mình mong muốn, nhưng khi thấy con nhà hàng xóm có tính tốt thế này thế kia lại bảo con "Con xem đấy, bạn A bạn B kia ngoan thế mà con thì...". Ô hay, bố mẹ bạn A bạn B người ta dạy con người ta theo bản thiết kế chuẩn, còn mình thì cứ mặc kệ con mà lại còn trách con là sao?

Nói tóm lại, việc tạo ra đứa trẻ nếu khó 1, thì việc dạy trẻ nên người còn khó gấp trăm, gấp ngàn lần! Nuôi dạy trẻ cần sự kiên nhẫn, kiên trì, kiên định. Nếu có phút giây nào đó buông tay là chúng ta thua! Cứ hình dung như thế này cho dễ hiểu: Bản thiết kế lần thứ nhất là ta "vẽ lên" trong tâm trí, vậy hàng ngày, khi tiếp xúc tương tác với con, ta nhất định phải nhớ và đối chiếu với bản thiết kế đó. Bản thiết kế đó như một chiếc kim chỉ nam định hướng cho chúng ta, mỗi khi chúng ta phát hiện thấy mình sắp lầm đường, hoặc lỡ lầm đường chút xíu, thì ta phải điều chỉnh lại phương hướng chuẩn ngay.

Nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweitzer (1875 - 1965), đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1952 khẳng định: "Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương".

Có lẽ nguyên lý dạy trẻ chỉ tổng kết bằng câu nói trên là đủ. Chúng ta chẳng cần nói thuyết giáo làm gì cho mệt, chúng ta cứ gương mẫu làm đúng các việc mà ta muốn trẻ làm, như vậy trẻ chỉ việc nhìn ta và làm theo!

Nguyên Chi

(Email: minhthuong@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con