Đầu ra đào tạo đại học: Thị trường sẽ quyết định việc tuyển sinh

Mùa tuyển sinh 2018, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng. Cùng với đó là những thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng như cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm, các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo... Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì không được thông báo tuyển sinh.

Băn khoăn số liệu thống kê

Thực ra, trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, bắt đầu từ năm 2018, các trường bắt buộc phải công bố tổng chi phí để đào tạo một sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành).

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc công bố tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Đây cũng là căn cứ để thí sinh, phụ huynh và xã hội nhận diện và lựa chọn trường ĐH, CĐ nào đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng đào tạo ra trường rồi thất nghiệp. Dẫu thế, bà Phụng cũng thừa nhận, dù yêu cầu này đã được thực hiện từ năm 2009 trong quy định về 3 công khai nhưng rất nhiều trường thực hiện chưa nghiêm túc, có tình trạng thống kê cho có hoặc không công khai. Để siết chặt quy định này, từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ có cơ quan kiểm tra độc lập những số liệu thống kê của các trường. Trường nào không công khai đầy đủ thông tin sẽ không được thông báo tuyển sinh.

Tuy vậy, việc thống kê chính xác, đầy đủ tỷ lệ này để công khai, theo các trường cũng là một việc không hề dễ dàng. Bởi thực tế, hầu hết các trường chỉ khảo sát thời điểm sinh viên tốt nghiệp khoảng 3 tháng. Lúc này tỷ lệ có việc làm chiếm rất ít, hầu hết các em chỉ làm việc tạm thời, không đúng chuyên ngành đào tạo. Sau thời gian này rất khó để tiếp cận các em để khảo sát.

Theo lộ trình kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD&ĐT công bố năm 2017, đến hết năm 2017, có 35% số cơ sở giáo dục ĐH và 10% số trường CĐ sư phạm được kiểm định. Mục tiêu đến năm 2020 là đánh giá ngoài xong vòng 1 đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo được đánh giá trong nước và quốc tế. Bộ GD&ĐT cũng kỳ vọng sau 3 năm nữa sẽ thực hiện tốt và đi vào nền nếp việc công nhận/không công nhận đạt tiêu chuẩn và công khai kết quả KĐCL giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng của các cơ sở đào tạo cho xã hội biết và giám sát. Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, đến nay hầu hết các trường ĐH đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, nhiều trường đã được đánh giá ngoài. Bên cạnh đánh giá nhà trường, nhiều chương trình đào tạo cũng được đánh giá theo chuẩn trong nước cũng như quốc tế.

Thị trường sẽ công nhận

Bắt đầu từ mùa tuyển sinh 2018, Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khiến cho các trường đại học được tự chủ hơn trong việc xác định điểm chuẩn. Đây cũng chính là điều đang khiến nhiều người lo ngại chất lượng của sinh viên sau khi ra trường sẽ ra sao nếu đầu vào được nới lỏng như vậy.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, từ nhiều năm nay các trường đã nhận thấy quy định điểm sàn không cần thiết và cần giao quyền cho các trường. Thực tế tuyển sinh từ các năm trước cho thấy, điểm sàn Bộ GD&ĐT đặt ra đều ở mức 14-15 điểm, nghĩa là đạt ở mức trung bình mỗi môn 5 điểm. Cùng với điểm sàn, thí sinh phải đủ điểm tốt nghiệp THPT (mỗi môn từ 5 điểm trở lên) mới được đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. 2 điều kiện này trùng nhau nên có thể bỏ quy định điểm sàn là cần thiết. Theo TS. Lê Trường Tùng- Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT, xét về nguyên tắc, đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH. Việc bỏ điểm sàn thể hiện quan điểm mới là học sinh tốt nghiệp phổ thông thì có quyền vào ĐH.

PGS.TS Mai Văn Hưng- Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, quy định “mở” này sẽ giúp các trường chủ động hơn trong việc tuyển sinh đầu vào. Việc không quy định mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định là tạo thêm quyền cho các trường được chủ động xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. Xét về nguyên tắc, đây cũng là hướng đi hợp lý khi các trường thực hiện quyền tự chủ ĐH. Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn nhưng yêu cầu các trường công bố công khai, minh bạch điều kiện xét tuyển, chính điều này rất quan trọng bởi bắt buộc các trường phải cân nhắc để giữ thương hiệu. Nếu trường nào lấy điểm quá thấp, chất lượng kém thì dần dần sẽ không có người học và bản thân người học khi tốt nghiệp ra trường cũng khó tìm việc làm. Chất lượng đào tạo mới là yếu tố thu hút thí sinh, giúp nhà trường tồn tại lâu dài. Do vậy, các trường cần thận trọng trong việc xác định mức điểm chuẩn xét tuyển để tránh những lệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau.

PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm rằng thực tế trong mùa tuyển sinh vừa qua đã cho thấy nhiều trường ĐH hạ điểm chuẩn nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh. Lý do là học sinh hiện nay không còn chọn nghề theo cảm tính, không còn tâm lý vào đại học bằng mọi giá. Điểm sàn hiện nay không còn có ảnh hưởng đến các trường nên việc bỏ điểm sàn cũng không cần lo lắng. Thị trường sẽ quyết định đến việc tuyển sinh của các trường. Nếu điểm đầu vào quá thấp, kéo theo đầu ra sẽ thấp.

Như vậy, đổi mới “mở” trong tuyển sinh ĐH, CĐ đang được kỳ vọng là một cuộc cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở đào tạo. Việc tạo ra thương hiệu, gìn giữ thương hiệu và chất lượng là yêu cầu bắt buộc để các trường tồn tại. Điều quan trọng, thị trường mới chính là nơi quyết định và công nhận chất lượng đào tạo của các trường, chứ không phải những con số thống kê trên giấy. Vì vậy, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt đầu ra để đảm bảo sinh viên ra trường có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, đòi hỏi của xã hội.

Theo Hoài Thương

Đại Đoàn Kết