“Đánh cược” tính mạng thầy trò trên chuyến đò thượng nguồn sông Mã

(Dân trí) - Cảm giác rờn rợn khi ngồi trên con đò nhỏ chòng chành giữa dòng sông rộng và sâu. Nhưng với nhiều người dân, học sinh và thầy cô giáo nơi đây dường như đã quá quen thuộc và đó là phương tiện đi lại thường xuyên của họ.

Bến đò bản Cốc nằm nơi thượng nguồn sông Mã, ngăn cách giữa hai bản Cốc và bản Mướp, xã Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi đến bến đò vào buổi sáng, thời tiết buổi sáng rất lạnh, nhưng một người đàn ông cầm chiếc sào chống đò vẫn trong bộ quần áo mỏng manh, dường như công việc chèo đò vất vả khiến trong người ông lúc nào cũng có cảm giác nóng.


Người đàn ông chèo đò đang vội vàng mở chiếc dây neo cho con đò ngược ra hướng lòng sông vì bên kia có người đang gọi đò. Tay vừa đẩy chiếc đò ra, vừa với lấy mái chèo để lái con đò về phía sợi dây thừng đang treo lơ lửng trên không, chiếc dây thừng được nối từ bờ bên này sang bên kia sông. Ông cố với sợi dây xuống rồi men theo sợi dây rồi cứ thế kéo con đò ra giữa dòng sông.

Chỉ trong thoáng chốc, con đò nhỏ nhoi dần và cập bến phía bên kia bờ sông. Những vị khách đi đò nhanh chóng cho xe xuống và bước chân lên, rồi ông lại nhịp nhàng với những động tác dường như đã ăn sâu vào trong máu thịt của ông. Cứ như thế, mỗi ngày không biết bao nhiêu bạn, hễ cứ có người gọi là ông lại lập tức bước xuống đò chở người sang sông.

Để tiện cho việc vận chuyển khách, nên vợ chồng ông chuyển ra ở hẳn ngay bên bờ sông Mã. Tranh thủ những lúc vắng khách, ông lại chạy về căn chòi được dựng tạm bên những bụi luồng để làm giúp vợ những công việc thường ngày.

Chiếc xuồng máy đã bị hư hỏng chưa sửa chữa được.
Chiếc xuồng máy đã bị hư hỏng chưa sửa chữa được.

Qua một hồi tiếp chuyện, chúng tôi mới biết tên ông là Hà Văn Hon (55 tuổi), ông cũng ở cái bản được chia đôi bởi dòng sông Mã. Theo ông Hon cho biết thì hàng ngày có gần chục học sinh từ bản Cốc sang bản Mướp để đến trường THCS Hồi Xuân cách nhà hơn 7km đi học.

Theo ông Hon thì đoạn sông này rộng khoảng hơn 200m, có độ sâu chừng 4 - 5m, mỗi lần qua lại có thể chở 5 - 6 chiếc xe máy kèm theo người. Nhưng hiện nay con đò đã xuống cấp. Con đò được trang bị áo phao, nhưng hầu như chúng tôi không thấy các em học sinh hay mỗi người khi qua đây mang.

Bên cạnh đó, khu lẻ của trường tiểu học Hồi Xuân ở phía bên kia sông cũng có một số thầy cô giáo phải đi qua đò mới đến được điểm trường đi dạy. Hàng ngày, các thầy cô giáo sớm đi tối về trên con đò chòng chành giữa sông nước mênh mông.

Ông Hà Văn Hon đang đưa đò qua sông đón khách.
Ông Hà Văn Hon đang đưa đò qua sông đón khách.

Các thầy cô giáo ở khu lẻ của trường tiểu học bản Cốc qua đò đi dạy.
Các thầy cô giáo ở khu lẻ của trường tiểu học bản Cốc qua đò đi dạy.

Trước những thắc mắc của chúng tôi về sự nguy hiểm khi đi trên con đò đơn sơ, tiềm ẩn những hiểm nguy, ông Hon đưa tay chỉ về mé trên bến đò, nơi có con tàu được làm bằng sắt đang nằm nép mình bên bờ sông. Theo như ông Hon thì con tàu đó đã bị hỏng chân vịt, phải nằm ở đấy lâu nay.

UBND xã Hồi Xuân đã tìm mọi phương án, kể cả lực lượng cảnh sát đường sông cũng đã đến tìm cách khắc phục nhưng ở địa phương không thể hàn được chân vịt nên đành chịu. Không còn cách nào khác, con đò ngày nào phải đưa vào sử dụng để chuyên chở học sinh, thầy cô và người dân qua sông.

Dù công việc chèo đò đem lại thu nhập cho gia đình ông, nhưng trong câu chuyện của mình, ông Hon kiến nghị các ngành chức năng có biện pháp sớm khắc phục con đò máy để học sinh, các thầy cô giáo và người dân qua đò không còn khó khăn và nguy hiểm nữa. Bản Cốc hiện nay có ba thôn, có hơn 100 hộ với gần 500 nhân khẩu. Do đò máy không hoạt động được, người dân bản Cốc đã tự nguyện đóng góp để làm một con đò gỗ, trả công hàng tháng cho người chở đò.

Hàng năm, mùa khai giảng năm học thường trùng vào mùa mưa, nước trên thượng nguồn đổ về rất lớn, đò không thể hoạt động được nên nhiều học sinh cấp 2 phải nghỉ học. Kéo theo đó, rất nhiều học sinh tiểu học cũng phải nghỉ học do các thầy cô giáo không thể đi qua đò để đến điểm trường khu lẻ để khai giảng năm học được.

Cô Nguyễn Thị Hương Sen, Khu trưởng Khu bản Cốc cho biết: “Theo lịch thì tháng 8 hàng năm là học sinh đến trường đi học để khai giảng năm học mới, nhưng vì cách trở đò. Mùa mưa lũ nước sông dâng cao đò không thể qua lại được nên năm nào Khu bản Cốc cũng phải khai giảng năm học muộn. Có năm mãi đến tháng 10 thầy cô mới qua được sông để khai giảng năm học cho các em học sinh”.

Chòng chành trên con đò.
Chòng chành trên con đò.

Cô Nguyễn Thị Hương Sen là giáo viên có thâm niên đi đò đã hơn 5 năm qua. Ngày nào cô Sen cũng đi qua đò đến lớp dạy chữ cho học sinh Khu bản Cốc. Trước mỗi giờ lên lớp, cô Sen phải đi chợ để mua đồ nấu ăn bán trú cho các em học sinh.

Được biết, để đến được với bản Cốc còn có một con đường bộ. Tuy nhiên, để đi từ trung tâm xã Hồi Xuân qua con đường này đến với bản Cốc phải xa thêm 5km. Do đây là con đường mới mở, sau thời gian bị mưa lũ nên đường đã bị vùi lấp, dốc núi rất nguy hiểm. Các giáo viên và học sinh không dám đi bằng con đường này.

Thầy Cao Văn Thắng, giáo viên trường Tiểu học Hồi Xuân mong muốn các cấp đầu tư làm lại con đường bộ đi vào bản Cốc để mùa mưa lũ học sinh, các thầy cô giáo vẫn đến trường được bằng con đường này mà không phải nghỉ học.

Trường tiểu học Hồi Xuân khu bản Cốc hiện nay có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Tuy nhiên do không đủ phòng học và số lượng học sinh quá ít nên lớp 4 và lớp 5 của Khu phải học ghép với nhau. Hầu hết học sinh của khu đều thuộc gia đình hộ nghèo, do phải sống tách biệt với bên ngoài nên lại càng khó phát triển hơn.

Các em học sinh trên chuyến đò.
Các em học sinh trên chuyến đò.

Ông Lữ Đình Bưu - Phó chủ tịch UBND xã Hồi Xuân cho biết: “Năm 2011, Trung ương Đoàn đã hỗ trợ cho địa phương một con đò dài 9m, máy 16 mã lực. Tuy nhiên, mới đây xuồng máy đã bị hỏng chưa sửa chữa được. Địa phương thường xuyên xuống kiểm tra tình hình hoạt động tại bến đò. Ngày trước luân phiên nhau chèo đò, con bây giờ đấu thầu, một năm 12 triệu đồng khoán cho một hộ gia đình. Nguồn kinh phí do dân đóng góp. Đồng thời bố trí cho hai người đi học chứng chỉ. Chúng tôi cũng yêu cầu khi nước lên quá to không được đi. Từ trước đến nay chưa có vấn đề gì xảy ra”.

Duy Tuyên - Thái Bá