Đại học là trung tâm xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập của người lớn

(Dân trí) - Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn”. GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội thảo.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo có đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Hội Nông dân Việt Nam, các sở, ban, ngành của thành phố Hồ Chí Minh và 15 đại diện của các trường đại học các tỉnh phía Nam, đại diện của nhiều Hội Khuyến học địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào. Hội thảo được tổ chức tại trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Đại học là trung tâm xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập của người lớn - 1

Các đại biểu tham dự hội thảo

Việc tổ chức Hội thảo xuất phát từ yêu cầu nhân lực chất lượng cao của nền kinh tế tri thức dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giáo dục người lớn trở thành một vấn đề mang tính chiến lược mà nền giáo dục khép kín không còn năng lực đáp ứng nhiệm vụ này. Một nền giáo dục kết nối, chia sẻ và hợp tác nhất thiết phải được tổ chức mà trong đó, vai trò trung tâm của tri thức là các trường đại học. Một quốc gia học tập, một nền kinh tế số hóa, một hệ thống giáo dục chia sẻ và một hệ thống đại học mở là trọng tâm của các báo cáo khoa học và của các tham luận được đăng trong kỷ yếu Hội thảo.

Qua các ý kiến phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã tổng kết Hội thảo với 3 nội dung chính:

Thứ nhất, việc học tập của người lớn, trong đó chủ yếu là cán bộ quản lý, công chức, viên chức, công nhân kỹ thuật và nông dân trong các liên minh sản xuất đang cần phải được nâng cao trình độ học vấn chuyên môn – nghề nghiệp để sử dụng được những công nghệ mới, cần được cập nhật những tri thức, những kỹ năng mà trước đây trường đại học chủ yếu chỉ cung cấp cho các thế hệ sinh viên trong nhà trường đại học khép kín.

Thứ hai, với hàng chục triệu người lớn có nhu cầu học tập thường xuyên, chỉ có một kho học liệu khổng lồ mới có thể làm thỏa mãn những nhu cầu đa dạng của họ. Kho học liệu đó chính là tài nguyên giáo dục mở mà các trường đại học có trách nhiệm tạo nên. Đây là một yêu cầu đặt ra mà trường đại học phải nhận thức rõ nó thuộc sứ mệnh của mình. Chỉ thực hiện chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học là chưa đủ, các trường đại học còn có chức năng hết sức quan trọng là dịch vụ xã hội.

Thứ ba, hiện nay, nhiều trường đại học đã tiến hành xây dựng tài nguyên giáo dục cho riêng trường. Vì thế, hệ tài nguyên này chưa có tính mở, tức là người ngoài nhà trường không thể truy cập vào nguồn tài nguyên đang có.

Hơn nữa, tài nguyên giáo dục mở của nhiều trường đại học không đủ lớn để phục vụ yêu cầu học tập suốt đời của người lớn, đồng thời, tính hàn lâm của hệ tài nguyên này cần phải được thay bằng tính ứng dụng trong sản xuất – kinh doanh thì người lớn mới có thể sử dụng một cách hiệu quả.

Vì vậy, xây dựng tài nguyên giáo dục mở phải đi đôi với sự gia công chỉnh sửa để đưa chúng vào các chương trình giáo dục thường xuyên dưới hình thức học không chính quy thì người lớn sử dụng mới thuận tiện.

Đại học là trung tâm xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập của người lớn - 2

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Thứ tư, mặc dù, về lý thuyết, tài nguyên giáo dục mở hết sức quan trọng, muốn đào tạo, bồi dưỡng người lớn không thể không tính đến việc này. Nhưng, trên thực tế, có rất nhiều rào cản sẽ ngăn chặn và làm trở ngại việc tiến hành công việc đầy ý nghĩa đó: rào cản về tài chính, về kỹ thuật, về pháp quy và cả về tâm lý, thói quen, trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ của người học.

 Điều kiện tiên quyết là đổi mới tư duy giáo dục, thoát ra khỏi những quan niệm cũ về ranh giới cố hữu cứng nhắc và lỗi thời giữa các bậc học, ngành học, giữa học tập chính quy với không chính quy... Đây là rào cản lớn nhất. Không có giáo dục kết nối công nghệ và thực sự mở ra xã hội thì khó có thể tiếp cận với nền giáo dục 4.0 trong xã hội thông minh hiện nay.

Tiếp đến phải là việc hoạch định các chính sách và các cơ chế thông thoáng để giáo dục mở rộng cửa, đón nhận mọi người, làm cho ai cũng được học, ai cũng được phát huy tất cả năng lực bên trong của mình, ai cũng bình đẳng trong giáo dục và tìm được cơ hội tiếp cận giáo dục.

Hội thảo đã có những kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách giáo dục về nhiều vấn đề, tập trung chủ yếu vào việc nhanh chóng xây dựng mô hình giáo dục mở theo Nghị quyết 29-NQ/TW đã định, đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2020 – 2030, cụ thể:

 Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương, tiến hành xây dựng các đề án quan trọng về xây dựng tài nguyên giáo dục mở, giấy phép truy cập tài nguyên giáo dục mở, giải quyết điều hòa giữa quyền sở hữu trí tuệ với sự ghi công cho tác giả của các loại tài nguyên giáo dục, nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập để thực hiện việc học tập từ xa, học tập điện tử, học tập trực tuyến... giúp người học truy cập được tài nguyên giáo dục mở.

Nhiều đại biểu hi vọng rằng, sẽ phải bàn sâu vào vấn đề tài nguyên giáo dục mở với sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, những trường đại học lớn, những doanh nghiệp lớn, những viện nghiên cứu giáo dục và sư phạm. Nếu có thể, sẽ có một Diễn đàn giáo dục Việt Nam: Trường Đại học và giáo dục người lớn, có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

GS.TS Phạm Tất Dong

  Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký

Hội Khuyến học Việt Nam