Đại học Đông Dương: Thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam

(Dân trí) - ĐH Đông Dương là mô hình đại học đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao và là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Người Pháp thành lập ĐH Đông Dương trước hết nhằm mục đích xây dựng một cơ sở giáo dục bậc cao phục vụ nhu cầu đào tạo một đội ngũ trí thức bản địa có thể tham gia vào bộ máy cai trị của họ.


Bức tranh tường rộng gần 80m2 của họa sĩ Victor Tardieu (được phục dựng năm 2006) tại giảng đường lớn mang tên Giáo sư Ngụy Như Kon Tum ở tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây là trụ sở của Đại học Đông Dương, nay tòa nhà là biểu tượng của ĐHQGHN.

Bức tranh tường rộng gần 80m2 của họa sĩ Victor Tardieu (được phục dựng năm 2006) tại giảng đường lớn mang tên Giáo sư Ngụy Như Kon Tum ở tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây là trụ sở của Đại học Đông Dương, nay tòa nhà là biểu tượng của ĐHQGHN.

Ngày 16/5, nhân kỷ niệm 110 năm thành lập ĐH Đông Dương - tiền thân của ĐHQGHN (16/5/1906 – 16/5/2016), tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN tổ chức hội thảo với chủ đề: “Đại học Đông Dương trong nền giáo dục Pháp – Việt nửa đầu thế kỷ XX – Những vấn đề lịch sử và văn hóa”.

ĐH Đông Dương tượng trưng cho đỉnh cao trí tuệ

Ngày 16/5/1906, Toàn quyền Paul Beau đã ký ban hành Nghị định số 1514a thành lập Đại học Đông Dương.

ĐH Đông Dương là mô hình đại học đa ngành, có tính liên thông và có quyền tự chủ cao và là thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Người Pháp thành lập ĐH Đông Dương trước hết nhằm mục đích xây dựng một cơ sở giáo dục bậc cao phục vụ nhu cầu đào tạo một đội ngũ trí thức bản địa có thể tham gia vào bộ máy cai trị của họ.

Nhưng ở một nghĩa khách quan, xây dựng ĐH Đông Dương còn có ý nghĩa tích cực trong việc tạo lập một tầng lớp trí thức bản địa mới. Với tinh thần dân tộc cao, chính tầng lớp này đã có vai trò lịch sử quan trọng trong giải phóng dân tộc thế kỷ XX.


Hoạ sĩ Victor Tardieu bên tác phẩm hội họa của minh (ảnh tư liệu của gia đình họa sĩ V. Tardieu)

Hoạ sĩ Victor Tardieu bên tác phẩm hội họa của minh (ảnh tư liệu của gia đình họa sĩ V. Tardieu)

Cho đến nay, các mô hình đại học phương Tây đều được coi là niềm tự hào của nền giáo dục hiện đại tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nó tượng trưng cho đỉnh cao trí tuệ và là sự thay đổi tất yếu theo kịp xu thế thời đại.

Bắt đầu từ một thiết chế đại học của người Pháp, được lập ra nhằm phục vụ mục đích cai trị thuộc địa và truyền bá ảnh hưởng của văn minh châu Âu, ĐH Đông Dương đã có những đóng góp trực tiếp và gián tiếp đối với nền giáo dục Việt Nam.

PGS.TS Lê Kim Long, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục – ĐH QGHN cho biết, Đại học Đông Dương ban đầu gồm có 5 trường thành viên theo tiếng Việt là: Trường Luật và Pháp chính; Trường Khoa học; Trường Y khoa Đông Dương; Trường Xây dựng dân dụng và Trường Văn khoa.

Trong quá trình phát triển, nhiều ngành nghề mới được mở ra cho phù hợp với nhu cầu xã hội. Đây chính là cái nôi góp phần xây dựng nên rất nhiều lĩnh vực học thuật hiện đại cho Việt Nam như Y, Dược, Mỹ thuật, Luật…

Có thể khẳng định, ý nghĩa lịch sử của ĐH Đông Dương không chỉ là ở vị trí một thiết chế đại học đầu tiên, mà nó có đóng góp đáng kể cho việc hình thành một số lĩnh vực học thuật mới ở Việt Nam.

Có nhiều nhà Cách mạng Việt Nam tiền bối như: Đặng Xuân Khu – đã từng là sinh viên Trường Thương mại thuộc ĐH Đông Dương, sau này trở thành Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh; Võ Nguyên Giáp – sinh viên khoa Luật, ĐH Đông Dương, sau này trở thành Đại tướng Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Nhiều lớp sinh viên ĐH Đông Dương đã hăng hái tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng, nhiều người đã trở thành các nhà lãnh đạo, trí thức tiêu biểu như: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận…


Tòa nhà do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hebrard thiết kế, tiêu biểu cho kiến trúc thuần Pháp tân cổ điển, vừa bề thế, vững chãi lại vừa cầu kỳ, thanh thoát.

Tòa nhà do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Ernest Hebrard thiết kế, tiêu biểu cho kiến trúc thuần Pháp tân cổ điển, vừa bề thế, vững chãi lại vừa cầu kỳ, thanh thoát.

Một quyết định nhân văn

Theo PGS.TS Lê Kim Long, năm 1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và dự lễ khai giảng ĐH Đông Dương, lúc này đã đổi tên thành ĐH Quốc gia Việt Nam. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với ĐH Quốc gia mà còn đối với sự nghiệp cách mạng và dân tộc.

Tại buổi lễ khai giảng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao bằng tốt nghiệp của chế độ mới cho những sinh viên cũ của ĐH Đông Dương vừa hoàn thành chương trình đào tạo trước đó bị tạm thời gián đoạn bởi cuộc đảo chính Nhật – Pháp (9/3/1945).

Đây là một bằng chứng hiển nhiên nữa cho thấy ngay từ ngày đầu tiên, trường ĐH Quốc gia Việt Nam đã được nhìn nhận, xây dựng trên cơ sở kế thừa, tiếp nối liên tục của ĐH Đông Dương. Đồng thời, đây cũng là một quyết định có giá trị nhân văn của chính quyền cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu.


Quang cảnh tại giảng đường mang tên GS. Ngụy Như Kon Tum trong buổi lễ lỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương, 16/5/2006.

Quang cảnh tại giảng đường mang tên GS. Ngụy Như Kon Tum trong buổi lễ lỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương, 16/5/2006.

Sau này, khi Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thành lập năm 1956, Trường đã tiếp thu toàn bộ di sản của ĐH Đông Dương, đã trở thành con chim đầu đàn trong giáo dục đại học Việt Nam. Trường ĐH Tổng hợp giảng dạy, nghiên cứu các môn khoa học cơ bản, cung cấp nhân lực cho nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học giáo dục khác trong cả nước.

Năm 1993, ĐHQGHN ra đời theo Nghị định của Chính phủ, là sự tiếp nối của mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực nhưng được nâng lên ở một tầm cao mới, với những kỳ vọng mới.


Tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây là trụ sở của Đại học Đông Dương nay tòa nhà là biểu tượng của ĐHQGHN.

Tòa nhà 19 Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước đây là trụ sở của Đại học Đông Dương nay tòa nhà là biểu tượng của ĐHQGHN.


Tòa nhà mang phong cách “Kiến trúc Đông Dương” kết hợp giữa kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa được xây dựng ở Hà Nội do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế năm 1924. Công trình hiện nay vẫn là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội.

Tòa nhà mang phong cách “Kiến trúc Đông Dương” kết hợp giữa kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa được xây dựng ở Hà Nội do kiến trúc sư E.Hébrard thiết kế năm 1924. Công trình hiện nay vẫn là một điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc tại Hà Nội.

Kế thừa danh tiếng

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết, sự kế thừa của ĐHQGHN từ ĐH Đông Dương trước hết là danh tiếng của một trường ĐH ở tầm quốc tế. Tiếp đó là sự kế thừa về mặt mô hình. Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, ĐHQGHN đã không ngừng đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, nghiên cứu nhưng vẫn trên nền tảng thế mạnh là các ngành khoa học cơ bản, khoa học liên ngành theo xu hướng thế giới và đặt mục tiêu là những nghiên cứu khoa học đỉnh cao.

Sự tương đồng giữa ĐH Đông Dương và ĐHQGHN không chỉ thể hiện ở mô hình đa ngành, đa lĩnh vực mà còn ở nhiều tiêu chí và giá trị quốc tế khác. Đó là tiêu chí về chất lượng cao, trình độ cao, xu hướng nghiên cứu gắn chặt chẽ với đào tạo và tính quốc tế hóa. Nếu ĐH Đông Dương trước đây đào tạo ra nhiều người giữ các vị trí chủ chốt trong các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý của xứ Đông Dương thì ngày nay, ĐHQGHN cũng nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.


Các tân tiến sĩ ĐHQGHN trong lễ trao bằng tại sảnh chính của tòa nhà

Các tân tiến sĩ ĐHQGHN trong lễ trao bằng tại sảnh chính của tòa nhà

Theo Phó Giám đốc thường trực ĐH QGHN Nguyễn Kim Sơn, đến nay, ĐHQGHN là một trung tâm giáo dục đại học với 31 đơn vị thành viên, trực thuộc, trong đó bao gồm 7 trường ĐH thành viên, 5 khoa trực thuộc, 5 viện nghiên cứu, 2 trung tâm nghiên cứu và nhiều đơn vị dịch vụ, phục vụ, trải đều các nhóm lĩnh vực: khoa học tự nhiên – y dược; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học kỹ thuật – công nghệ; và, khoa học liên ngành.

Sự kế thừa của ĐHQGHN từ Đại học Đông Dương còn là định hướng của một trường đại học tầm quốc tế, hội nhập thế giới. Trước đây, Đại học Đông Dương là mốc khởi đầu cho giáo dục nước ta theo mô hình hiện đại của thế giới. Tiếp nối truyền thống này, ĐHQGHN ra đời đáp ứng yêu cầu cần có một đại học hàng đầu, dẫn dắt sự phát triển giáo dục đại học trình độ cao, thực hiện những nghiên cứu khoa học cơ bản định hướng ứng dụng có tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng lớn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Bài Hồng Hạnh (Ảnh: Bùi Tuấn)