Đại học bàn giải pháp phát triển "Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ"

Nhật Hồng

(Dân trí) - Ngày 24/12, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc gia về chủ đề: "Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ".

Đại học bàn giải pháp phát triển Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ - 1

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: "Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng".

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hội thảo được tổ chức theo 2 hình thức online và offline, tuy nhiên, với chủ đề rất cấp thiết, hội thảo nên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia quản lý văn hóa, các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học quốc tế, nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN khẳng định việc tổ chức hội thảo khoa học "Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ: Tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu vùng, liên vùng" là rất cần thiết.

 "Trong thời gian qua, nhiều hội thảo khoa học trong nước, quốc tế được tổ chức để nghiên cứu, tiếp tục làm sáng tỏ vai trò, tiềm năng, động lực và xu thế phát triển của hệ thống thương cảng, hoạt động kinh tế, bang giao của Việt Nam trong lịch sử và hiện tại. Song để hướng đến những nhận thức mới, sâu sắc và toàn diện hơn về các thương cảng vùng Bắc Trung Bộ, khảo cứu chuyên sâu tiềm năng, thế mạnh của từng thương cảng nhằm hướng đến một cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về hoạt động, vai trò, vị thế của hệ thống thương cảng miền Trung trong mối liên hệ vùng, liên vùng," - PGS.TS Đào Thanh Trường cho hay.

Trong 2 phiên thảo luận, hội thảo đã đón nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp trao đổi từ các đại biểu tham gia. Những tham luận của buổi hội thảo được các tác giả trình bày đã đưa ra được một "bức tranh" tổng thể về Hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ với tiềm năng, vị thế và các mối giao lưu văn hóa, chủ yếu giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng như: Nghiên cứu một cách hệ thống quá trình hình thành, phát triển của hệ thống thương cảng Bắc Trung Bộ qua các thời kỳ lịch sử.

Làm rõ các khái niệm, lý thuyết về kinh tế biển; hoạt động và các tuyến giao lưu kinh tế, thương mại khu vực, quốc tế; vị trí của biển - đại dương và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ với sự phát triển của các quốc gia Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam; vai trò đầu mối, chuyển giao của các thương cảng Bắc Trung Bộ; tri thức biển, truyền thống văn hóa biển; cách thức tiếp cận từ biển đảo trong nhìn nhận, phân tích, đánh giá về đặc tính lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Phân tích tiềm năng tự nhiên, các nguồn tài nguyên thiên nhiên; trung tâm nguyên liệu, sản xuất thủ công, các nguồn hàng sản xuất, khai thác, trao đổi; vai trò, hoạt động, quan hệ của các thương cảng vùng Bắc Trung Bộ với các vùng, không gian kinh tế của Việt Nam, làm rõ những đóng góp của các cộng đồng cư dân, các nền văn hóa biển, cộng đồng thương nhân trong và ngoài nước với miền Trung và các thương cảng của Việt Nam.

Tiếp tục nghiên cứu về đặc trưng văn hóa, xã hội của vùng duyên hải Bắc Trung Bộ và làm rõ tiềm năng, thế mạnh của không gian văn hóa biển Bắc Trung Bộ; chiều sâu, tính đa dạng, xu thế phát triển không gian văn hóa biển này hiện nay cũng nhưng trong tương lai.

Đồng thời, hội thảo cũng có một số đề xuất, kiến nghị về vai trò của nghiên cứu biển và hải đảo trong việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam, đề xuất một số giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa biển.