Cuộc thi Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019: "Tiếng Việt đã làm lại cuộc đời tôi"

(Dân trí) - Apichit Mingwongtham, thí sinh khiếm thị người Thái Lan tâm sự: “Tôi sinh ra đã không nhìn thấy. Rồi tôi nghĩ mình cũng phải cố gắng chứ chả nhẽ tự tử. Chính tiếng Việt đã làm lại cuộc đời tôi”.

Apichit Mingwongtham, thí sinh khiếm thị người Thái Lan đã tâm sự như vậy trên sân khấu lễ trao giải cuộc thi “Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019” vừa qua.

Cuộc thi do Câu lạc bộ Sứ giả văn hóa (CMC) thuộc khoa Việt Nam học & Tiếng Việt (VSL) - Trường Đại học KHXH&NV (USSH) - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) tổ chức dưới sự tài trợ của Qũy Đào Minh Quang.

Thí sinh của 7 quốc gia tham dự cuộc thi Thư Việt Nam

Năm nay, Ban giám khảo cuộc thi Thư Việt Nam đã nhận được 18 bài dự thi của 30 tác giả (4 bài là sản phẩm làm việc nhóm) đến từ 7 quốc gia khác nhau: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Ba Lan.

Trong bài viết của mình, các bạn sinh viên quốc tế đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe về cuộc sống thường nhật ở Việt Nam. Điều hết sức đáng quí là một số bài viết đã không chỉ dừng lại ở việc miêu tả đời sống thông thường, mà còn bộc lộ những nỗ lực khám phá, thông hiểu xã hội và con người Việt Nam.

Nếu nữ sinh người Đức Leonie Elisha quyết tâm học tiếng Việt và chủ động nhập thân vào đời sống nông thôn Việt Nam để có thể hòa nhập dễ dàng với gia đình bạn trai gốc Việt của mình, thì Grzegorz Szyszkowski - một chàng trai Ba Lan có bố là người Việt, sau khi nhận ra căn tính Việt Nam của mình, đã không chút do dự rời bỏ châu Âu cổ kính và hoa lệ trở về quê cha đất tổ, để trải nghiệm trọn vẹn cuộc sống của một người Việt Nam, như một người Việt Nam, bằng thể xác lẫn tâm hồn.

Cuộc thi Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019: Tiếng Việt đã làm lại cuộc đời tôi - 1

Apichit Mingwongtham, một người Thái Lan khiếm thị nhận đúp hai giải thưởng: giải bài viết được yêu thích nhất dành cho tác giả là người nước ngoài và giải nhất phần thi "Thư Việt Nam 2019" (Ảnh: Phạm Thành Long)

 Nhưng xúc động hơn cả là câu chuyện học tiếng Việt đầy phi thường của chàng trai khiếm thị Apichit Mingwongtham đến từ Thái Lan. Có lẽ vì một nhân duyên tiền định nào đó, anh đã bằng ánh sáng của niềm tin, của niềm đam mê và lòng quả cảm để chiến thắng bóng tối của đôi mắt, bóng tối của số phận, chinh phục tiếng Việt, trở thành thầy giáo dạy tiếng Việt cho người Thái.

Nói theo ngôn ngữ của nhà Phật, Apichit Mingwongtham đã tự giác ngộ, tự khai sáng cho chính mình, và đang âm thầm đóng góp cho sự thông hiểu lẫn nhau của hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan.

Bày tỏ bản thân bằng tất cả sự gai góc và sắc sảo

Với chủ đề “Bạn đang ở đâu trong thế giới này?”, năm nay, cuộc thi Cây bút VSL đã thu hút sự tham gia của 45 sinh viên đến từ 13 Khoa trong Trường: Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Khoa Văn học, Khoa Quốc tế học, Khoa Đông Phương, Khoa Lịch sử, Khoa Xã hội học, Học viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, Khoa Triết học,….

Bốn mươi lăm bài dự thi đều mang đến những thao thức chân thành về bản thân và cuộc sống. Nơi đó, tâm hồn tìm cách lên tiếng và hiện hình trong ngôn ngữ một cách tự nhiên. Nhiều câu đọc lên nhuần nhị, giản dị và đi thẳng vào lòng người như đoản thi dân gian vậy. Nhưng điều khác biệt hơn cả, so với những mùa trước, là sự khốc liệt trong những trang viết.

Ban Giám khảo cuộc thi cho biết, nhiều tác giả đã không sợ mọi lằn ranh, sự khuôn phép “thường có” của Ban giám khảo, quy tắc trừu tượng của những cuộc thi viết ở trường đại học, những chuẩn mực trong “ý tưởng học đường” để sẵn sàng bày tỏ bản thân bằng tất cả sự gai góc và sắc sảo.

Cuộc thi Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019: Tiếng Việt đã làm lại cuộc đời tôi - 2

Các tac giả xuất sắc nhận giải tại cuộc thi (Ảnh: Phạm Thành Long)

Kết quả, đối với cuộc thi Thư Việt Nam, Ban giám khảo đã trao giải Nhất cho Apichit Mingwongtham, còn Leonie Elisha đạt giải Nhì và Grzegorz Szyszkowski đạt giải Ba, Apichit Mingwongtham cũng đạt giải tác giả có bài viết được yêu thích nhất.

Bên phía cuộc thi Cây bút VSL, các giải Nhất, Nhì, Ba lần lượt thuộc về Đoàn Thị Hiền (Khoa Quốc tế học), Thạch Thanh Hà (Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt), Nguyễn Hữu Trung (Khoa Đông phương học). Vũ Thị Thúy (Khoa Việt Nam học & Tiếng Việt) là tác giả có bài viết được yêu thích nhất.

Cuộc thi đã trở thành nơi tôn vinh những giá trị sáng ngời và vĩnh cửu của tiếng Việt. Tiếng Việt đang kết nối mọi thế hệ, kết nối các nền văn hóa, đánh thức con người vượt lên số phận - đúng như lời tâm sự của Apichit Mingwongtham khi anh lên sân khấu nhận giải: “Tôi sinh ra đã không nhìn thấy. Rồi tôi nghĩ mình cũng phải cố gắng chứ chả nhẽ tự tử. Chính tiếng Việt đã làm lại cuộc đời tôi”.

Khi được biết Apichit Mingwongtham, thí sinh khiếm thị người Thái Lan đã bay từ Tp HCM ra Hà Nội để dự lễ trao giải, TS. Đào Minh Quang đã lấy tiền riêng của mình để tài trợ cho thí sinh tiền vé máy bay và khách sạn ngay tại Lễ trao giải.

Cuối năm 2011, trước khi sang Việt Nam học tiếng Việt, tôi có quen vài người qua Internet. Họ dạy tôi tiếng Việt.

Tiếng Việt như có sức hút với  tôi đến nỗi, khi đã học rồi, tôi không thể cưỡng lại được nữa. Tôi không muốn khả năng tiếng Việt của mình chỉ dừng lại ở mức độ “học bồi”.

Với suy nghĩ ấy, năm 2013 tôi lấy hết can đảm, xin nghỉ việc, gom hết tiền bạc, khăn gói đồ đạc “mò đường” sang Việt Nam một mình với mục đích duy nhất là học tiếng Việt. Vây là tôi và tiếng Việt thực sự gắn bó xuyên suốt trong một thời gian dài.

Hành trình học tiếng Việt một cách nghiêm túc của tôi được đánh dấu bằng việc tôi đã sang Việt Nam và bắt đầu đăng kí khóa học Tiếng Việt. Trong suy nghĩ của tôi, người Việt vừa hiếu khách, vừa tình cảm và dễ gần.

Thầy cô và bạn bè người Việt đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình học Tiếng Việt. Ban đầu có nhiều khó khăn vì tôi phải đi mua sách tiếng Việt. Do không nhìn thấy nên cả cuốn sách đối với tôi chẳng khác nào tập giấy trắng.

Lúc đó tôi cần có bản mềm để mang đi in thành sách chữ nổi. Tôi mang sách đi phô tô ra nhiều phần khác nhau để nhờ bạn bè người Việt gõ thành bản mềm giùm. Dù họ bận rộn đến đâu nhưng vẫn luôn sẵn lòng giúp đỡ, thậm chí một số bạn còn thức đêm thức hôm gõ bài cho tôi, mỗi người giúp một chút để kịp có sách trước khi khóa học bắt đầu.

Cũng may tiếng Việt dùng hệ chữ la-tinh như tiếng Anh nên tôi có thể đọc được tiếng Việt sau một thời gian ngắn. Vì không thể nhìn thấy nên khi đi học tôi luôn mang theo máy ghi âm để thu lại những gì thầy cô giảng trong lớp  rồi mang về nhà ôn tập.  

Ngoài ra, thầy cô và các bạn cũng bồi đắp thêm tình yêu nước Việt cũng như văn hóa Việt Nam từng ngày qua những câu chuyện thú vị về văn hóa và con người nơi đây để tôi còn biết “nhập gia tùy tục” khi sống ở một nước khác.

Sau khi về nước được 3 năm, năm 2017, tôi quyết định qua Việt Nam để tham dự kì thi Năng lực tiếng Việt. Hai tuần trước khi thi, tôi mò mẫm sang Việt Nam một lần nữa để chuẩn bị cho kì thi quan trọng này. Chính vì sự giúp đỡ của người Việt mà tôi đã đạt trình độ 6/6 (trình độ C2)  trong kì thi năng lực tiếng Việt.

Có thể nói rằng, Việt Nam như là ngôi nhà thứ 2 và người Việt cũng như là anh chị em trong nhà của tôi vậy. Công ơn của người Việt đối với tôi mà nói như là một món nợ mà tôi phải khắc ghi trong lòng vì cả đời này tôi khó mà trả hết.

Dù không nhìn thấy, tôi tôi luôn cảm nhận được tấm lòng ấm áp, thương người của người Việt. Tôi cũng luôn thầm cảm ơn vì sự hiếu khách và đặc biệt là người Việt không hề kì thị hay phân biệt đối xử với một người khuyết tật như tôi.

(Trích bài viết của Apichit Mingwongtham đã đoạt giải trong Cuộc thi Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2019)

Đặng Hoàng Giang