Cuộc đua vào lớp 10 trường công: Phụ huynh ao ước, học sinh kiệt sức

Nhung Nhung

(Dân trí) - "Chỉ là thi vào lớp 10 mà con học suốt ngày cũng thấy tội, không cho học thì lại lo. Tôi chỉ ước con có luôn một suất học cấp 3 trường công cho con đỡ vất vả", phụ huynh tại Hà Nội nói.

Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội được ví là cuộc đua khốc liệt, căng thẳng hơn tuyển sinh đại học. Thành phố Hà Nội có khoảng 129.210 học sinh lớp 9 nhưng chỉ khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (55,7%), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), còn lại được tuyển vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Điều này khiến cho cuộc đua chuyển cấp căng thẳng hơn bao giờ hết.

"Con học nhiều thì tội, mà học ít thì lại lo"

Theo chị Phương Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội), chỉ tiêu vào lớp 10 của nhiều trường công lập hạn chế. Muốn chen chân vào những trường này đòi hỏi học sinh phải cạnh tranh gay gắt. Và đây không đơn thuần là kỳ thi chuyển cấp mà là cuộc "so găng", giành suất vào cấp 3 trường công chất lượng với học phí rẻ.

"Không chỉ con mà cả phụ huynh chúng tôi cũng như ngồi trên đống lửa. Trường công lập thì ít mà học sinh thì đông. Con không cố gắng thì phải học trường tư, nhưng gia đình không mạnh về kinh tế thì con không thể tự tin chọn trường tư được", bà mẹ hai con bày tỏ.

Cuộc đua vào lớp 10 trường công: Phụ huynh ao ước, học sinh kiệt sức - 1
Thí sinh trước giờ thi vào lớp 10 năm 2021 của Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Chia sẻ về áp lực phải có được một suất học trong trường công lập, chị Phương Anh cho biết nếu con ở độ tuổi nhỏ khi chưa có định hướng cụ thể thì học trong hệ thống giáo dục công lập vẫn là con đường an toàn nhất để trẻ có một môi trường phát triển ổn định.

Chị Phương Anh nêu suy nghĩ: "Nếu không đi học các con cũng không biết làm gì. Muốn học trường tư tốt thì cần có tiền, rất nhiều tiền. Vào trường công vẫn là mong muốn của nhiều gia đình. Mà muốn vào được thì con phải học thôi".

Áp lực thi cử của con trai khiến chị Nguyễn Ngọc Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cảm thấy như bị nghẹt thở bởi con thi chuyển cấp mà cả nhà như có "bom nổ".

Với nguyện vọng thi chuyên và một trường THPT công lập "top" đầu trên địa bàn, con trai chị Hà quyết tâm rằng, dù có vất vả cũng cố gắng ôn luyện để không bỏ lỡ cơ hội.

Em học thêm toán, văn, môn chuyên, mỗi môn ở vài ba chỗ. Ngoài thời gian tới lớp, ở nhà con trai chị Hà luôn ở bên bàn học bởi không bao giờ hết bài tập.

"Lịch học của con dày đặc con mệt mỏi tôi xót ruột lắm. Nhiều lúc 2h con tự nhiên bật đèn dậy lục lọi chỉ để làm bài tập xong lại đi ngủ.

Chỉ là thi vào lớp 10 mà con phải căng mình ra học, cho con học suốt ngày cũng thấy tội, mà không cho học thì lại thấy lo. Tôi chỉ ước con có luôn một suất học cấp 3 trường công cho con đỡ vất vả", chị Hà nói.

Lo lắng con mải mê học bài quên giờ đi ngủ nên mọi buổi tối, phụ huynh này đều ngồi cạnh bàn học của con để tiện theo dõi việc ôn luyện và nhắc nhở con đi ngủ sớm.

Sức ép dồn lên các trường công lập

Không ít phụ huynh phàn nàn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội đang gây áp lực rất lớn cho cả bố mẹ và thí sinh. Nguyên nhân là do thiếu trường THPT công lập nên học sinh phải chạy đua gay gắt để có được một suất học.

"Thực tế hiện nay, số lượng học sinh ngày một đông và tăng nhưng thành phố chưa quy hoạch tốt việc xây trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập. Chung cư Hà Nội thì cứ mọc như nấm sau mưa trong khi tốc độ xây dựng trường học không tương ứng", chị Hà chia sẻ.

Cuộc đua vào lớp 10 trường công: Phụ huynh ao ước, học sinh kiệt sức - 2

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Dẫu biết giáo dục tại trường công lập không phải lựa chọn duy nhất cho học sinh chuyển cấp, nhưng đại đa số các gia đình như chị Phương Anh, chị Hà, có con em lớp 9 vẫn đang cố gắng và mong mỏi từng ngày để giành được tấm vé vào THPT công lập.

"Áp lực ở một thành phố nhà nhà đi học, số học sinh thì tăng từng ngày, nhưng hệ thống trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu khiến cho mỗi lần con chuyển cấp là một lần phụ huynh như chúng tôi vò đầu bứt tai.

Giá như ngành giáo dục có đủ mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh thì kì thi vào 10 đâu trở thành gánh nặng và áp lực đối với phụ huynh và học sinh như thế này", chị Hà nêu quan điểm.