Công nghệ thông tin, học để trở thành công dân toàn cầu

Chúng ta đang sống trong một thời đại chỉ cần một chiếc diện thoại thông minh để có tất cả mọi thứ từ đọc sách báo, nghe nhạc, xem phim đến học hành, từ đi lại đến mua sắm, hay kết nối bạn bè với tất cả mọi người trên toàn thế giới. Để có được sự tiện lợi đó chính là nhờ vào sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin.

Ngành học giàu tiềm năng

Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để lưu trữ, xử lý, truyền tải và khai thác thông tin. Sinh viên theo học ngành này sẽ được cung cấp các kiến thức về khoa học máy tính, phần cứng, phần mềm, lập trình, mạng và truyền thông, quy trình xây dựng và phát triển các ứng dụng phần mềm… CNTT chia thành nhiều chuyên ngành nhỏ như: Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông, Hệ thống thông tin quản lý, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính.

Theo khảo sát của trang tuyển dụng VietnamWork, CNTT là top 10 ngành nghề được quan tâm nhất hiện nay và cũng theo trang báo này, năm 2018 Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 kỹ sư CNTT. Tuy nhiên, CNTT không phải là ngành chạy theo “phong trào”. Muốn thành công, người học cần hội tụ một số tố chất như sự đam mê, khả năng tư duy, khả năng tự học, tự nghiên cứu. Đồng thời, cần có kỹ năng ngoại ngữ để hội nhập trong môi trường quốc tế.

Tốt nghiệp ngành CNTT, sinh viên có thể làm việc cho các công ty chuyên sản xuất và gia công phần mềm với các vị trí như lập trình viên, phân tích viên, kiểm tra phần mềm..., hoặc làm chuyên viên CNTT trong các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, bệnh viện, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán… Thậm chí, bạn có thể trở thành một chuyên gia IT freelancer, làm việc độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Ngoài ra nếu có kỹ năng tiếng Anh tốt, bạn có thể đầu quân cho các công ty phần mềm đa quốc gia.

Trong thời đại kỷ nguyên số, nhu cầu nhân lực Công nghệ thông tin ngày một tăng cao. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành Công nghệ thông tin vào năm 2020, số nhân lực thiếu hụt lên tới trên 500.000 người. Đây thực sự là cơ hội rộng mở cho các bạn trẻ yêu thích lĩnh vực này.

Hiện thực hóa giấc mơ công nghệ thông tin tại Đại học Hoa Sen

Khác với thống kê tỷ lệ việc làm phổ biến hiện nay, trường Đại học Hoa Sen luôn công bố tỷ lệ sinh viên Hoa Sen ngành CNTT có việc làm ngay trước khi nhận bằng tốt nghiệp luôn chiếm tỉ lệ cao trong nhiều năm liền (trên 95%), trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì con số này cũng ở mức hơn 70%. Hầu hết đang làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia và các công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam. Nhiều sinh viên chưa ra trường đã được doanh nghiệp tuyển dụng và nhận được phản hồi tích cực như có kỹ năng công nghệ tốt, ngoại ngữ giỏi, có kỹ năng mềm và khả năng thích ứng nhanh.


SV ngành CNTT tham quan thực tế tại doanh nghiệp.

SV ngành CNTT tham quan thực tế tại doanh nghiệp.

Theo TS. Vũ Tường Thụy, Trưởng khoa Khoa Khoa học & Kỹ thuật trường Đại học Hoa Sen, hiện nay Khoa đào tạo 2 chuyên ngành về CNTT, bao gồm: Công nghệ thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu. Sinh viên được học tập trong một môi trường hiện đại. Các phòng máy thực hành cấu hình cao, phòng lý thuyết theo tiêu chuẩn quốc tế với đầy đủ thiết bị nghe nhìn…100% giảng viên trình độ từ thạc sỹ trở lên, từng học tập và làm việc ở nước ngoài.


SV ngành CNTT năng động, tự tin trong các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp.

SV ngành CNTT năng động, tự tin trong các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, sinh viên được đào tạo tiếng Anh ở nhiều cấp độ để phát triển khả năng ngoại ngữ một cách vững chắc song song với các kiến thức về công nghệ. Bên cạnh đó, Khoa xây dựng sự gắn kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm, nâng cao tay nghề. Ngoài đợt thực tập tốt nghiệp năm thứ 4, ngay khi kết thúc năm 2, sinh viên sẽ thực tập nhận thức 2 tháng tại doanh nghiệp, đồng thời có thể tham quan thực tế vào bất kỳ thời gian nào trong suốt quá trình học. Khoa còn thành lập các câu lạc bộ (CLB) chuyên về CNTT như “CLB Lập trình game”, “CLB Lập trình Mobile”, “CLB Web”, “CLB IoT”…, tạo điều kiện cho sinh viên trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm.

Năm 2018, nhằm khuyến khích, hỗ trợ tân sinh viên nhóm ngành Khoa học & Công nghệ, trường Đại học Hoa Sen dành nhiều suất học bổng cho các thí sinh tham gia xét tuyển khối ngành này.

Văn Sơn