Bạn đọc viết:

“Con không đạt học sinh xuất sắc, mẹ có tặng quà con không?”

(Dân trí) - Hết năm học lớp 2, con gái tôi đạt danh hiệu Học sinh vượt trội, không đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc. Mặt con ỉu xìu buồn bã: “Con không đạt xuất sắc, mẹ có tặng quà con không?”. Tôi động viên con và hứa hẹn sẽ tặng con một món quà bất ngờ mà con yêu thích.

Năm học của con tôi đã kết thúc. Điểm thi và nhận xét cụ thể từng môn tôi biết từ trước qua sổ liên lạc điện tử. Con học lớp 2, nhiều môn đạt hoàn thành tốt, chỉ 2 môn Thể dục và Âm nhạc con đạt mức hoàn thành. Tôi rất vui vì con đã thực sự cố gắng suốt học kỳ 2. Vậy mà con vẫn hỏi đi hỏi lại và tôi giải thích rõ với con là con đạt danh hiệu Học sinh vượt trội, không đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc. Mặt con ỉu xìu buồn bã: “Con không đạt xuất sắc, mẹ có tặng quà con không?”. Tôi động viên con và hứa hẹn sẽ tặng con một món quà bất ngờ mà con yêu thích.

Tâm trạng của bố mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến con. Cuối năm học, khi có tổng kết điểm chính là dịp phụ huynh mong đợi và sôi sục nhất. Con học tiểu học, mới lớp 1, lớp 2 nhưng bố mẹ ganh đua thành tích từng chút một và thường có tâm trạng hậm hực thay con vì con rớt danh hiệu xuất sắc một cách phí phạm.

Tôi có nghe một chị đồng nghiệp kể chuyện, con chị học lớp 1 thi Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh toàn điểm 10 nhưng môn thủ công chỉ đạt mức hoàn thành. Cô chủ nhiệm gợi ý cho con chị vẽ lại một số bài nộp cô giáo thủ công để cô nâng điểm. Vậy là hai mẹ con hì hục cả tối vẽ vời, tô màu thật đẹp. Con nộp bài cho cô giáo dạy thủ công, cô hỏi : “Con vẽ hay bố mẹ vẽ giúp mà đẹp thế này?”. Con chị thật thà nói: “Mẹ con vẽ giúp”. Vậy là cô nhất định không cho điểm cao, giữ nguyên nhận xét ban đầu: Hoàn thành. Chị tiếc rẻ, sao mà cô khắt khe thế, thêm một chữ tốt phía sau là con được giấy khen Học sinh xuất sắc, động viên tí chút cho trẻ con nó mừng?

Có thể nhiều bố mẹ nghĩ đơn giản, con học lớp 1, 2 có giấy khen “Hoàn thành xuất sắc” thì con sung sướng, bố mẹ hãnh diện. Trẻ con đi học phải có giấy khen mới vui, phụ huynh đôn đáo xin điểm vì mong con đạt giấy khen cao nhất, học sinh xuất sắc của lớp. Tôi chứng kiến nhiều cháu học sinh, từ lớp 1 đến lớp 3 đạt giấy khen xuất sắc nhưng khi lên lớp 4, lớp 5 các môn học khó hơn hẳn thì đạt được danh hiệu xuất sắc phải bằng chính năng lực của con. Khi con lí nhí thông báo chỉ đạt điểm 7, điểm 8 môn này, môn kia thì lập tức bố mẹ nổi giận mắng chửi con ngu dốt, cấm con ra ngoài chơi, con chẳng thể mơ đến quà bố mẹ tặng. Lúc ấy, đứa trẻ chỉ biết lặng lẽ cam chịu, khóc lóc xin lỗi bố mẹ.

Tôi từng cư xử như rất nhiều phụ huynh khác: Treo phần thưởng nếu con đạt danh hiệu xuất sắc và mắng mỏ, đánh đập con khi con bị điểm kém. Sự đe nẹt, dọa dẫm, hằn học từ bố mẹ không làm con khá lên mà càng khiến trẻ sợ hãi, học vẹt, học đối phó. Tôi rút kinh nghiệm liên tục từ con trai lớn nên đến con gái út, tôi không đặt nặng áp lực điểm số với con. Tôi học cùng con mỗi ngày, nhắc nhở con soạn sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ.

Ngay trước khi thi học kỳ một tuần, con tôi bị ốm. Tôi không ép con cật lực luyện bài mà chỉ ôn với con những kiến thức cơ bản nhất: Xem giờ đồng hồ, cách quy đổi đơn vị, phân tích đề toán vì con hay nhầm lẫn phép nhân chia. Con thi xong về kể với mẹ là đề dễ, con làm được hết, tôi cảm thấy nhẹ cả người.

Kết quả học tập của con học kỳ 2 tốt hơn hẳn kỳ 1. Mặc dù con chỉ đạt danh hiệu Học sinh vượt trội nhưng tôi rất vui. Môn Mỹ thuật trước đây con luôn nhăn nhó, quên làm bài tập thì chỉ sau một lần cô giáo khen trước lớp và chấm con điểm A, con hào hứng và chăm chỉ vẽ, tô màu sạch đẹp. Con nói, sắp xa cô chủ nhiệm thấy nhớ cô…

Tôi hứa ngày cuối tuần sẽ dẫn con đi nhà sách và mua tặng con cuốn sách “Mười vạn câu hỏi vì sao” mà con thích. Con sẽ được mẹ dẫn ra cánh đồng chơi, đi ngắm đầm sen, cùng làm bánh rán. Những món quà đơn giản ấy, tôi nghĩ bố mẹ nào cũng có thể tặng con, động viên con đã hoàn thành năm học. Điểm số và giấy khen học sinh xuất sắc không nên là gánh nặng với mỗi đứa trẻ, chỉ cần con học chăm chỉ có tiến bộ là xứng đáng được bố mẹ động viên, khen ngợi.

Thanh Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!