Trung Quốc:

Cô sinh viên sư phạm cao 1,4 m không được tốt nghiệp vì quá thấp

(Dân trí) - Năm 2018, một sinh viên trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây (Trung Quốc) bị từ chối cấp bằng tốt nghiệp với lý do chiều cao không đạt chuẩn. Điều này đã làm dấy lên một làn sóng dư luận gay gắt khắp các trang mạng xã hội trước điều khoản quy định ngược đời một cách kì lạ này.

 

Cô sinh viên sư phạm cao 1,4 m không được tốt nghiệp vì quá thấp - 1
Cô sinh viên tên Li không đủ điều kiện tốt nghiệp ngành sư phạm ngôn ngữ Anh, Đại học Sư phạm Thiểm Tây (thành phố Thiên An, Trung Quốc) với lý do vì cô chỉ cao 140cm, cô quá thấp để trở thành giáo viên.

Bởi vì, theo tiêu chí về chiều cao đối với sinh viên theo học ngành Sư phạm phải cao trên 150cm vẫn đang được áp dụng tại nhiều tỉnh của Trung Quốc. Riêng theo quy định của Sở Giáo dục tỉnh Thiểm Tây, nam sinh viên phải cao trên 1,55m và nữ cao trên 1,5m mới được nhận bằng tốt nghiệp sư phạm. Với những người thấp hơn quy định 5cm, nếu muốn dạy cấp mầm non thì có thể nộp đơn xin giấy xác nhận đặc biệt.

Mặc dù quy định này gặp phải sự phản đối gay gắt trên tất cả các trang mạng, trang tin tức xã hội cho rằng quy định như vậy là vi phạm phân biệt đối xử con người nhưng nó vẫn tồn tại nhiều năm qua.

Nhiều người nói rằng vụ việc nêu bật những vấn đề về chiều cao, ngoại hình được chú trọng ngày càng nhiều hơn trí tuệ và trình độ nghề nghiệp của giáo viên trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc.

Quay laị câu chuyện của cô Li, một sinh viên chuyên ngành tiếng Anh đang học năm cuối tại Đại học Sư phạm Thiểm Tây, dù nhập học vào năm 2014 nhưng đến năm cuối đại học, cô mới nhận được thông báo từ nhà trường về việc không đủ điều kiện để nhận bằng tốt nghiệp. Dù có muốn dạy cấp mầm non thì cô Li cũng không nằm trong diện xin giấy xác nhận.

"Trong bốn năm, không ai thông báo đến quy định trong chứng chỉ trình độ giáo viên có giới hạn chiều cao. Nó khiến ước mơ trở thành giáo viên của tôi đã tan vỡ”, cô Li tâm sự.

Mặc dù vậy, trường đại học Thiểm Tây vẫn không có động thái hồi đáp hay giải quyết đối với trường hợp của cô Li, với lí do đưa ra đã có quy định rõ ràng giáo viên cần đủ chiều cao mới có thể viết bảng khi dạy học.

Được biết, không riêng gì tỉnh Thiểm Tây, nhiều địa phương ở Trung Quốc khác cũng đang áp dụng quy định ngược đời này trong việc công nhận tốt nghiệp sư phạm. Chính vì vậy, câu chuyện của cô sinh viên Li đã nhận được sự cảm thông của hàng ngàn người dùng trang mạng xã hội Trung Quốc và lên án quy định này.

Phần đông phía dư luận cho rằng “đạo đức và năng lực” mới là điều kiện cần đối với một giáo viên. Một số người dân cũng kịch liệt phản đối bình luận rằng “Đây không phải là một cuộc thi sắc đẹp”; “Không ai sinh ra muốn trở thành người lùn cả. Vì thế, mà họ không có quyền con người sao?”…

Đại đa số người dân đều nói giáo viên nên được lựa chọn dựa trên khả năng và chất lượng của họ; đừng đưa những quy định về chiều cao ra để lựa chọn, nó chẳng khác nào là "phân biệt đối xử" đối với những người thấp và những người mắc bệnh người lùn…

Trước những chỉ trích mạnh mẽ của xã hội, một số tỉnh như Tứ Xuyên, Giang Tây, Quảng Tây đã gỡ bỏ quy định và đề nghị “Bộ Giáo dục nên xem xét lại quy định này”.

Vụ việc cũng đã tái hiện mối quan ngại về cách thức mà Trung Quốc chọn giáo viên, đặt câu hỏi tại sao chiều cao lại quan trọng như vậy khi đối mặt với quá trình sàng lọc thiếu rõ ràng đối với những người làm việc với học sinh.

Sau đó, vấn đề quy định chiều cao giáo viên đã làm dấy lên những tranh luận sôi nổi ở Trung Quốc bắt đầu từ cuối năm 2017 cho đến nay.

Hà Cường (theo CN West và BBC)