Cơ hội nào đang mở ra cho sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Pháp?

Quang Trường

(Dân trí) - Tổ chức Đại học Pháp ngữ vừa phát động các chương trình hỗ trợ sinh viên Việt Nam nói tiếng Pháp trong các hoạt động khởi nghiệp và chuyển đổi số.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của GS Slim Khalbous - Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), các dự án hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các chương trình hành động dành cho sinh viên nói tiếng Pháp tại Việt Nam đã được đồng loạt phát động.

Gần đây nhất, ngày 13/3, Đại học Bách khoa Hà Nội và AUF đã phối hợp mở Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp ngữ (CNF) đầu tiên ở Hà Nội.

CNF cho phép các sinh viên, giảng viên và nghiên cứu sinh tiếp cận kiến thức, làm quen với các công nghệ kỹ thuật số mới.

Cơ hội nào đang mở ra cho sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Pháp? - 1

Một góc CNF được trang bị máy tính, kính thực tế ảo (Ảnh: Quang Trường).

Không gian này mang đến các hoạt động và dịch vụ không chỉ dành riêng cho sinh viên nói tiếng Pháp mà còn mở cửa cho toàn cộng đồng đại học tại Việt Nam, với mong muốn đóng góp cho chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam gắn liền đổi mới sáng tạo.

Điển hình, có thể kể đến các khóa học miễn phí về công nghệ mới, các cuộc thi lập trình, không gian co-working (làm việc chung). Đây cũng là nơi diễn ra hoạt động của các câu lạc bộ Pháp ngữ.

Cơ hội nào đang mở ra cho sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Pháp? - 2

Tại CNF, sinh viên có thể xem phim, chơi trò chơi, tham gia cuộc họp hoặc học lập trình thông qua kính thực tế ảo (Ảnh: Trung Hưng).

Trước đó, AUF cũng đã phối hợp với Đại học Đà Nẵng mở Trung tâm Hướng nghiệp Pháp ngữ (CEF) Đà Nẵng. Đây là CEF thứ ba tại Việt Nam, sau sự có mặt của hai trung tâm tại Hà Nội và TPHCM vào năm 2021.

Các CEF được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ sinh viên trong các lĩnh vực: Tư vấn, cung cấp thông tin và hướng dẫn tìm việc làm; Đào tạo kỹ năng mềm;  Cung cấp chứng chỉ; Vườn ươm khởi nghiệp.

CNF Hà Nội và CEF Đà Nẵng mở cửa cho toàn cộng đồng đại học tại Việt Nam, với mong muốn đóng góp cho chiến lược phát triển giáo dục đại học Việt Nam gắn liền với đổi mới sáng tạo.

Cơ hội nào đang mở ra cho sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Pháp? - 3

Phòng studio trong CNF (Ảnh: Quang Trường).

Phát biểu trong chuyến làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội, GS Slim Khalbous - Tổng Giám đốc AUF cho rằng, hiện nay, trong bối cảnh thế giới đang đề cập nhiều về khái niệm toàn cầu hóa, đa ngôn ngữ dường như ít được nhắc đến, sự phát triển của tiếng Pháp có phần bị giảm sút so với các ngôn ngữ khác, tuy nhiên, tiếng Pháp vẫn có cơ hội để phát triển.

Cơ hội nào đang mở ra cho sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Pháp? - 4

GS Slim Khalbous - Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ phát biểu trong chuyến làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: Trung Hưng).

"Tôi đã có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với các lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Ngoại giao và hiệu trưởng các trường đại học ở Việt Nam. Dù họ không biết tiếng Pháp nhưng họ rất mong muốn đồng hành cùng chúng tôi để mở rộng khoa học Pháp ngữ tại Việt Nam.

Ngoài những ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh thì việc các bạn trẻ biết thêm tiếng Pháp sẽ mở rộng cánh cửa sự nghiệp của mình trong tương lai", GS Slim Khalbous nói.

Cơ hội nào đang mở ra cho sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Pháp? - 5

Lãnh đạo AUF và Đại học Bách khoa Hà Nội mở cửa CNF (Ảnh: Trung Hưng).

Theo GS Slim Khalbous, CNF được mở ra để tạo điều kiện cho các giảng viên, sinh viên gặp gỡ, trao đổi và giao lưu. Trong không gian này, các bạn có đủ điều kiện để làm việc nhóm, nảy ra những ý tưởng sáng tạo. Tại đây, sinh viên cũng có thể tiếp cận với các khóa đào tạo ứng dụng công nghệ trong học tập.

PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, lịch sử phát triển các chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp của nhà trường có từ những năm 1997, khi Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức tại Việt Nam.

Cơ hội nào đang mở ra cho sinh viên Việt Nam sử dụng tiếng Pháp? - 6

PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng trả lời phỏng vấn trong cuộc gặp gỡ với AUF (Ảnh: Trung Hưng).

Từ đó đến nay, nhà trường phát triển nhiều chương trình, chuyên ngành khác nhau, điển hình như Điện - Điện tử, Công nghệ thông tin sử dụng tiếng Pháp như một ngôn ngữ bổ sung. Đã có nhiều sinh viên thành công, nhận học bổng của các nước nói tiếng Pháp tại châu Âu và Canada.

"Chúng tôi đánh giá cao nội dung mà GS Slim Khalbous đã chia sẻ về 5 quan điểm phát triển của AUF trong thời gian tới. Điển hình như việc hợp tác chặt chẽ với các nhà trường và doanh nghiệp để phục vụ cho chiến lược phát triển của các chính phủ, sử dụng các công nghệ mới nhất.

Như vậy, cơ hội để các trường đại học ở Việt Nam nói chung, Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng hợp tác với các trường trong khối Pháp ngữ, có thể sử dụng tiếng Pháp và các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Đức để cùng phát triển là cơ hội mở mà chúng ta phải bắt kịp", PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 13/3, phái đoàn AUF đã có cuộc gặp mặt với các câu lạc bộ Pháp ngữ tại Hà Nội.

Ba trong số đó đã được AUF lựa chọn để gia nhập mạng lưới toàn cầu gồm 161 câu lạc bộ lãnh đạo sinh viên Pháp ngữ: CLB Du lịch của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, CLB HANU Francophile của Trường Đại học Hà Nội và CLB Pháp ngữ thuộc Trường Đại học Luật TPHCM.

AUF tin rằng, sinh viên có thể gia nhập thị trường lao động dễ dàng hơn thông qua các hoạt động ngoại khóa cho phép các em rèn luyện khả năng làm việc chủ động, độc lập, sáng tạo, trang bị những kỹ năng mềm có ích cho công việc tương lai.

Việc lãnh đạo các dự án sinh viên ở tầm khu vực và quốc tế cũng sẽ giúp các em phát triển tư duy khởi nghiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia chiến lược của AUF với 44 cơ sở thành viên, chiếm gần một nửa số thành viên của mạng lưới AUF tại châu Á - Thái Bình Dương.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, hơn 40 dự án với số vốn 2,5 triệu euro đã được AUF triển khai nhằm hỗ trợ các trường đại học tại Việt Nam, xoay quanh các lĩnh vực chuyển đổi số và quản trị đại học, đào tạo giảng viên và đổi mới giáo dục, việc làm và khởi nghiệp, hợp tác quốc tế, nghiên cứu và đổi mới.