Cơ hội học tập tại Pháp dành cho các sinh viên hệ quốc tế

Nói đến nước Pháp, người ta thường nghĩ ngay đến đất nước của những điểm du lịch tuyệt vời, một nền ẩm thực phong phú không trộn lẫn, kinh đô của thời trang, xứ sở của những con người hào hoa, lãng mạn. Với những ai muốn đi du học châu Âu, Pháp là một trong những lựa chọn hấp dẫn.

Tại sao du học Pháp hấp dẫn sinh viên nước ngoài?

Ngoài những lý do về địa lý, lịch sử, văn hoá, kiến trúc,…điểm hấp dẫn nhất của nước Pháp chính là chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục đại học tại Pháp đã được minh chứng qua thứ hạng của các trường đại học do các báo nước ngoài bình chọn. Pháp còn có chính sách thu hút sinh viên nước ngoài rất tốt: sinh viên được hỗ trợ tiền thuê nhà, có chế độ bảo hiểm xã hội ưu đãi, được miễn giảm chi phí khi vui chơi, đi lại và ăn uống.

Ngoài ra sinh viên nước ngoài có thể đi làm thêm mà không cần giấy phép, với thời gian tối đa là 60% thời gian làm việc hàng năm (964 giờ). Chính phủ Pháp đài thọ phần lớn các học phí, và Pháp là một trong những quốc gia có mức học phí tại các trường công thấp nhất thế giới. Ví dụ, năm 2014-2015, học phí chương trình đào tạo kỹ sư của trường Grenoble INP là 568,57 euro/năm.

Giá một bữa ăn ở nhà ăn sinh viên Grenoble là 3,20 euro (gồm món khai vị, món chính và món tráng miệng), khá thấp so với giá thị trường (một suất ăn nhanh KFC hay McDonald ở Pháp giá khoảng 7,5 euro). Chi phí thuê nhà dao động từ 150-450 euro/ tháng, tuỳ thuộc mức độ trợ cấp.

Du học Pháp: Có cơ hội, khó thực hiện

Ở Pháp, hệ thống giáo dục đại học chia làm 2 nhóm: 1/Nhóm các trường lớn (Grandes ecoles) và 2/Nhóm các trường thường (Universites). Nhóm các trường lớn là các cơ sở giáo dục đào tạo cao cấp của Pháp, với chương trình đào tạo luôn được đảm bảo chất lượng tốt nhất. Ngân sách chính phủ Pháp dành cho các trường nhóm này chiếm khoảng 30% ngân sách giáo dục đại học, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ chiếm khoảng 4% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học.

Khi là một “thí sinh tự do”, nếu muốn “gia nhập” nhóm trường lớn này, trước tiên, bạn phải hoàn thành chương trình dự bị đại học 2 năm (Classes préparatoires aux grandes écoles) với điểm tổng kết là A, điểm tiếng Pháp là B1 trở lên và thêm điều kiện tiếng Anh; sau đó, bạn phải trải qua một kỳ thi tuyển sinh toàn quốc. Các thí sinh sẽ được xếp hạng theo thứ tự cao - thấp dựa theo kết quả thi cử để chọn trường. Ai không trúng tuyển được phép học lại năm thứ 2 dự bị đại học để chuẩn bị cho kỳ thi sau hoặc chuyển sang học tại các trường đại học thường (các trường thuộc nhóm universite không yêu cầu thi tuyển đầu vào). Với bất cứ thí sinh nào, những điều kiện nêu trên thực sự rất “khó nhằn”.

Cơ hội lớn cho các sinh viên hệ đào tạo quốc tế tại Việt Nam

Từ năm 2003, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội bắt đầu triển khai quan hệ hợp tác về giáo dục với một trong số những trường thuộc Nhóm các trường lớn của Pháp, đó là ĐH Bách Khoa Grenoble.Trường Đại học Bách Khoa Grenoble được thành lập năm 1900, là thành viên của Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật về giảng dạy và nghiên cứu của Châu Âu (CLUSTER). Grenoble INP bao gồm 6 trường đào tạo kỹ sư cho 22 chuyên ngành và 29 trung tâm nghiên cứu với hệ thống phòng thí nghiệm được trang bị hiện đại.

Trong số các trường đào tạo kỹ sư của Grenoble INP, ENSIMAG là trường đầu tiên về Toán ứng dụng và tin học của Pháp, tiên phong trong lĩnh vực Xử lý thôn tin. Trường luôn được báo giới nhắc đến trong tất cả các bảng vàng xếp hạng.

Cơ hội học tập tại Pháp dành cho các sinh viên hệ quốc tế

PGS. Christophe Bobineau, LIG/ Grenoble INP giới thiệu về chương trình hợp tác đào tạo với ĐH Bách Khoa Hà Nội và cơ hội chuyển tiếp sang Pháp dành cho sinh viên Viện Đào tạo Quốc tế

Hiện tại, chương trình hợp tác đào tạo mới nhất giữa ĐH Bách Khoa Hà Nội và Grenoble - INP là chương trình kỹ sư Thiết kế và Quản trị Hệ thống Thông tin.Với thiết kế chương trình được thực hiện bởi chính những chuyên gia Pháp trên cơ sở nghiên cứu về nhu cầu nhân lực của Việt Nam, cho nên, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc được trong tất cả các lĩnh vực: Quản trị mạng, lập trình, kiểm tra, đánh giá hệ thống,…

Chương trình hợp tác đào tạo chuyên ngành Thiết kế và Quản trị Hệ thống Thông tin gồm 2 giai đoạn: Sinh viên học giai đoạn 1 (3,5 năm – 4 năm) tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, sau đó, sinh viên có thể lựa chọn tiếp tục học giai đoạn 2 tại ĐH Bách Khoa, hoặc lựa chọn chuyển tiếp sang Nhóm các trường lớn của Pháp để hoàn thành chương trình học. Bằng tốt nghiệp Kỹ sư các trường đào tạo trực thuộc Grenoble INP được công nhận tương đương với bằng Thạc sĩ khoa học và kỹ thuật theo chuẩn châu Âu.

Cơ hội học tập tại Pháp dành cho các sinh viên hệ quốc tế

Hoàng Minh Phái - Cựu sinh viên chương trình hợp tác giữa ĐH Bách Khoa Hà Nội và Grenoble - INP trong lễ tốt nghiệp Thạc sỹ tại nước ngoài

“Quy trình gia nhập” Nhóm các trường lớn của Pháp đối với sinh viên thuộc chương trình hợp tác giữa ĐH Bách Khoa Hà Nội với Grenoble - INP đơn giản hơn rất nhiều so với một “thí sinh tự do” như trên. Đó là: Sinh viên chỉ cần xét hồ sơ với điểm tổng kết từ B trở lên, điểm tiếng Pháp đạt B1 và “thuyết phục” được đại diện của GrenobleINP trong kỳ phỏng vấn trực tiếp nữa là hoàn thành “quy trìnhgia nhập” này.

Với những điểm thuận lợi nói trên, chương trình hợp tác giữa ĐH Bách Khoa Hà Nội và G-INP đã, đang và sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu cho các bậc phụ huynh và sinh viên khi muốn học tập tại một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của Pháp và Châu Âu.

 Viện Đào tạo Quốc tế:

Qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Viện Viện Đào tạo Quốc tế với chức năng là đơn vị tổ chức và quản lý các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đã trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và sau đại học và trở thành đối tác tin cậy của nhiều trường đại học uy tín trên thế giới.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đào tạo Quốc tế (năm 2013).

Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đào tạo Quốc tế (năm 2013).

Viện ĐTQT đã và đang triển khai hàng chục chương trình liên kết đào tạo bậc đại học và sau đại học với các trường đại học có uy tín của CHLB Đức, Hoa Kỳ, LB Nga, Nhật Bản, New Zealand, CH Pháp, Úc, Séc… đào tạo các chuyên ngành Cơ khí, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật cơ điện tử, Quản trị kinh doanh, Tài chính-Ngân hàng,… Các chương trình và khóa học do Viện tổ chức đáp ứng yêu cầu của nhiều tổ chức kiểm định quốc tế về chất lượng đào tạo.

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tại Viện ĐTQT là các giảng viên của trường đại học đối tác nước ngoài, trường đại học Bách Khoa Hà Nội và giảng viên thỉnh giảng trong nước và quốc tế. Các giảng viên đều có trình độ chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ và đáp ứng các yêu cầu của trường đối tác nước ngoài và của trường đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong thời gian qua, đã có gần 4.000 sinh viên và học viên theo học tại Viện ĐTQT, trong đó đã có gần 300 sinh viên chuyển tiếp sang trường đối tác và hơn 2.000 cử nhân, 300 thạc sỹ đã tốt nghiệp. Các cử nhân, thạc sỹ đã tốt nghiệp tại Viện ĐTQT đang công tác tại nhiều lĩnh vực như các trường đại học, các bộ, ban, ngành của Chính phủ, các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước, một số tiếp tục theo học bậc Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ tại các trường đối tác.