Nhà Vật lý đoạt giải Nobel:

“Cơ hội chỉ mỉm cười khi trí tuệ đã được chuẩn bị sẵn sàng”

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của GS Sheldon Lee Glashow - nhà Vật lý đoạt giải Nobel năm 1979, trong buổi giao lưu với sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội chiều ngày 23/8.

GS Sheldon Lee Glashow nói chuyện với giảng viên, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội về “Tầm quan trọng của khoa học cơ bản trong phát triển công nghệ”.
 
GS Sheldon Lee Glashow nói chuyện với giảng viên, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội chiều ngày 23/8.
GS Sheldon Lee Glashow nói chuyện với giảng viên, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội chiều ngày 23/8.
 

Quên đầu tư cho khoa học cơ bản là sai!

 

Tại buổi nói chuyện, GS Sheldon Lee Glashow đã giải thích về lợi ích của nghiên cứu khoa học cơ bản.

 

GS Sheldon cho rằng, các nhà vật lý lý thuyết ngày nay quan tâm đến những hiện tượng kỳ lạ tuy không mang lại lợi ích sát thực cho họ nhưng công trình nghiên cứu của họ đã và đang tác động rất lớn đến cuộc sống. 

GS dẫn dụ: Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), nơi đây được trang bị những phương tiện tối tân nhất để nghiên cứu vật lý năng lượng cao với khoảng 2.500 nhà khoa học, kỹ sư làm việc.

Mục tiêu trước tiên của Trung tâm CERN là khám phá những bí ẩn của tự nhiên và đào tạo thế hệ những nhà sáng chế, phát minh kế cận. CERN là lò sáng chế các công nghệ mũi nhọn như máy gia tốc, kỹ thuật nhiệt độ thấp, detector (thiết bị dò), điện tử học, công nghệ thông tin, nam châm, siêu dẫn...đã thúc đẩy rất lớn sự phát triển của thế giới.  

“Nếu các nhà lãnh đạo tập trung nghiên cứu ứng dụng mà quên dần đầu tư cho khoa học cơ bản là sai” - GS Glashow nói.

 

GS Glashow cho biết, thời đại ngày nay, phát minh và ứng dụng trong khoa học ngày càng rút ngắn thời gian. Những phát minh mới, những kỹ thuật mới đều đến từ khoa học cơ bản. Bởi, khi nghiên cứu có những phát minh rất tình cờ, điều bất ngờ là phát minh tình cờ đó lại mang đến những điều tuyệt vời. Ví dụ: Năm 1856, Henri Perkin đang cố gắng tổng hợp thuốc sốt rét quinine thì lại khám phá ra cách nhuộm aniline. Năm 1896, Henri Becquerel đang cố chứng minh mặt trời phát ra tia X thì bỗng nhiên khám phá ra hiện tượng bức xạ. Năm 1996, nhà hóa học Pfizer đang tìm ra thứ thuốc trị bệnh đau thắt ngực và cao huyết áp thì bỗng tìm được Viagra, thuốc cường dương cho nam giới.

 

Không nên ép buộc nghiên cứu!

 

Trong phần giao lưu với sinh viên ĐH Bách khoa, GS Glashow đã rất vui vẻ và bất ngờ về nhiều câu hỏi của sinh viên. Nhiều câu hỏi đặt ra như: Có mối quan hệ nào giữa Tâm linh, tôn giáo và nghiên cứu khoa học? Làm thế nào để đạt được thành tựu trong nghiên cứu khoa học? Nhiều người làm nghiên cứu khoa học cơ bản rất nản trí vì kết quả không nhanh như nghiên cứu khoa học ứng dụng?...

 

Giải đáp những câu hỏi của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, GS Glashow khẳng định: “Cơ hội chỉ mỉm cười khi trí tuệ đã được chuẩn bị sẵn sàng”.
 
GS Glashow: “Cơ hội chỉ mỉm cười khi trí tuệ đã được chuẩn bị sẵn sàng”.
GS Glashow: “Cơ hội chỉ mỉm cười khi trí tuệ đã được chuẩn bị sẵn sàng”.

 

GS khẳng định: “Nghiên cứu khoa học cơ bản không khác gì nghiên cứu khoa học ứng dụng. Hai nghiên cứu trên giống như con hổ và con sư tử. Nghiên cứu cơ bản là một mô hình kiến tạo tình hữu nghị và nền hòa bình giữa các dân tộc. Thành tựu khoa học cơ bản là thành tựu chung của loài người không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, màu da, giới tính”.

 

“Nếu bạn buộc phải nghiên cứu điều đó không tốt. Để đạt kết quả trong nghiên cứu khoa học cơ bản, điều đầu tiên bạn phải thích. Sự yêu thích đó cùng với khả năng của mình, chứ không nên ép buộc nghiên cứu. Để thành công trong nghiên cứu về lý thuyết phải có sách giáo khoa, thư viện hoặc tìm trên các trang web về các công trình nghiên cứu” - GS chia sẻ.

 

GS Glashow  cho biết, tại Việt Nam, đã có Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đây sẽ là nơi gặp gỡ, hội tụ các nhà khoa học quốc tế. Những khám phá khoa học mới nhất sẽ được thông báo thường xuyên tại đây nhằm truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á. Hy vọng, nhờ trung tâm này trong tương lai khoa học Việt Nam phát triển hơn nhiều. Tôi cũng rất mừng là Việt Nam sắp có nhà máy điện nguyên tử. Các sinh viên ở đây sẽ là nguồn nhân lực tương lai của nhà máy.

 

GS Sheldon Lee Glashow sinh năm 1932, là nhà vật lý lý thuyết người Mỹ. Ông tốt nghiệp Bronx High School of Science năm 1950, nhận bằng cử nhân của Đại học Cornell năm 1954 và nhận bằng Tiến sĩ Vật lý tại Đại học Harvard năm 1959. Giai đoạn 1962 - 1966, Ông là PGS tại trường Đại học California, Berkeley. Ông tham gia giảng dạy bộ môn Vật lý tại Đại học Harvard và trở thành Giáo sư năm 1966.

 

Năm 1979, GS Sheldon Lee Glashow đoạt giải Nobel Vật lý bởi những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu.

GS Sheldon Lee Glashow hiện là giảng viên thỉnh giảng tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), Đại học Marseilles (Pháp), Học viện MIT, Phòng nghiên cứu Brookhaven, Texas A&M, Đại học Houston và Đại học Boston.

 

Hồng Hạnh