DMagazine

Cô hiệu trưởng làm mọi cách "ép" học trò đọc sách

(Dân trí) - Tìm mọi "kênh" để xin sách, khuyến khích thi đua trong giáo viên bằng hình thức đọc sách, đưa đọc sách vào hoạt động chính thức bắt buộc của trường... là hành trình "ép" học trò đọc sách của cô Phạm Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B, TX Dĩ An, Bình Dương.

Tìm mọi "kênh" để xin sách, khuyến khích thi đua trong giáo viên bằng hình thức đọc sách, đưa đọc sách vào hoạt động chính thức bắt buộc của trường... là hành trình "ép" học trò đọc sách của cô Phạm Thị Chinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đông Hòa B (thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Trước mỗi buổi học hàng ngày, từ 7 - 7h30 sáng, học sinh (HS) và giáo viên (GV) Trường tiểu học Đông Hòa B đều dành 30 phút để đọc sách. Đây là hoạt động bắt buộc ở trường chính thức thực hiện từ đầu năm học này. 

Cô Phạm Thị Chinh đề xuất Bộ GD-ĐT nên đưa đọc sách vào chương trình chính thức ở trường phổ thông

Học sinh toàn xem ti vi, đọc truyện tranh 

Trường thành lập vào cuối năm 2016, điều cô hiệu trưởng Phạm Thị Chinh nhớ mãi là thư viện... chỉ có phòng, tủ, các dụng cụ nhưng không có lấy một đầu sách nào. 

Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 1

Cô Phạm Thị Chinh cùng học trò trong Ngày hội Sách 2019 của trường

Cô tiến hành khảo sát thói quan đọc sách với 1.200 HS của trường và giật mình với kết quả,   phần lớn các em giải trí bằng tivi, điện thoại hoặc đọc truyện tranh. Và chính GV cũng chưa quan tâm rèn luyện thói quen đọc sách cho bản thân và HS. 

Cô Chinh thừa nhận, bản thân mình cũng không có thói quen đọc sách từ nhỏ. Nhưng quá trình nghiên cứu tài liệu, được tiếp cận với sách, lâu dần cô nhận ra giá trị vô bờ của sách trong việc cung cấp tri thức cũng như nuôi dưỡng tâm hồn con người. Cô luôn tự hỏi, tại sao các nước phát triển họ quan tâm đến việc hình thành thói quen đọc sách cho con trẻ như vậy mà chúng ta lại không? 

Cô hiệu trưởng đi tìm sách 

Ngay khi trường vừa đi vào hoạt động, cô Chinh đã bắt ngay vào việc đi tìm nguồn sách cho nhà trường. Đầu tiên, cô lập tờ trình xin thư viện thị xã Dĩ An tặng sách cũng như cung cấp nguồn sách cho thư viện của trường. 

Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 2
Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 3

Cùng với nhân viên thư viện, họ liên hệ trực tiếp các nhà sách để tìm mua sách với giá tốt...  Cô Chinh trực tiếp liên hệ với người sáng lập chương trình Tủ sách Nhân Ái tại TPHCM bày tỏ niềm tha thiết phát triển văn hóa đọc và xây dựng thói quen đọc sách cho HS của trường. Mong muốn của cô hiệu trưởng làm người sáng lập xúc động và ngay lập tức họ đồng ý  tài trợ 17 tủ sách tương đương gần 1.360 quyển sách.

Đi xin khắp nơi, cô Chinh không quên nguồn lực lớn nhất chính ngay trong nhà trường. Cô đã tổ chức hợp vận động phụ huynh toàn trường, nói về việc cần thiết xây dựng thói quen đọc sách tốt như thế nào và qua đó kêu gọi đóng góp từ phụ huynh. "Mũi tên" này bắn trúng hai đích, không chỉ xin sách mà quan trọng hơn là kêu gọi phụ huynh cùng vào cuộc, thói quen đọc sách cho trẻ phải được duy trì trong gia đình. 

Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 4

Không gian đọc được xây dựng mọi không gian, hoạt động của trường học 

"Hầu hết phụ huynh nồng nhiệt ủng hộ nên từ lần đầu phát động trường đã nhận được tiền đóng góp từ phụ huynh để trang bị gần 60 tủ sách với hàng ngàn đầu sách. Đến nay, chúng tôi có hơn 5.000 quyển sách dành cho cả học sinh và giáo viên với nhiều thể loại", cô Chinh phấn chấn kể. 

Muốn học sinh chịu đọc, phải "trao sách" cho giáo viên 

Đi xin sách cho học trò nhưng cô hiểu rằng, không thể tập cho HS thói quen đọc sách khi mà chính giáo viên chưa có văn hóa đọc. Trong trường học, muốn sách đến với HS thì phải "qua tay" người thầy trước, người thầy phải hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc này thì mới có thể cùng nhau thực hiện. 

Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 5

Cô Chinh mở câu lạc bộ đọc sách, nhấn mạnh với đội ngũ về vai trò và tầm quan trọng của việc hình thành thói quen đọc sách cho mình và cho học sinh.

Thời gian đầu, cô còn khuyến khích thi đua trong , nhân viên nhà trường với hình thức mỗi tháng giới thiệu một quyển sách, kỳ họp hội đồng sẽ cùng chia sẻ về quyển sách của thầy cô đã đọc; tổ chức tập huấn cho GV về kỹ năng tổ chức tiết đọc sách. 

Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 6

Quan điểm của cô Chinh, muốn tạo thói quen đọc sách cho học trò thì trước hết chính giáo viên phải đọc sách 

Ban đầu đúng là khó tránh khỏi sự gượng ép, GV ái ngại vì thêm công thêm việc nhưng dần dần, họ cảm thấy sự thú vị và thấy được giá trị vô bờ bến của việc đọc sách và tạo cho học trò sách. 

Đưa đọc sách vào hoạt động bắt buộc 

Năm học 2016-2017, ban đầu trường chỉ khuyến khích các em tự nguyện tham gia đọc tại thư viện. Ngoài ra, sách không chỉ để ở thư viện mà còn được đưa tận tới lớp học, ra ngoài sân trường hành lang, để các em có thể đọc đọc bất cứ lúc nào, vào giờ nghỉ trưa, giờ giải lao... 

Cô Chinh vẫn buồn lòng khi thống kê cuối năm chỉ ra tỷ lệ HS đọc sách chưa cao, ý thức đọc sách của học sinh trên diện rộng trong trường chưa có, chỉ vài chục HS thường xuyên đến thư viện. 

Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 7

Trường chuyển sang kế hoạch B - bắt buộc chứ không thể chờ tự nguyện nữa. Với kế hoạch này, mỗi lớp sẽ có 1 tiết đọc sách khoảng 35 phút/tuần vào chiều thứ 6, cô còn mời cả chuyên gia về tập huấn, hướng dẫn tiết đọc sách. 

Thấy rõ 35 phút/tuần là quá ít, chưa kể nhiều GV còn dùng tiết đọc sách cho việc học văn hóa với lý giải học môn học chưa xong cần phải thêm thời gian để dạy thêm. Số lượng sách đọc của các em chưa đạt bình quân 1 quyển/tháng hoặc như một năm được vài quyển... Cô Chinh lại không an lòng. 

Thêm một lần nữa cô "không chịu ngồi yên", từ năm học 2018 - 2019, trường xác định tăng số lượng thời gian đọc sách bắt buộc nhưng bố trí làm sao để khung giờ đọc không ảnh hưởng đến quá trình học. 

"Điều tôi mong muốn nhất là chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị thực hiện vào năm 2020 sẽ đưa văn hóa đọc vào chương trình bắt buộc trong trường phổ thông", Cô Phạm Thị Chinh.

Nhận thấy 30 phút đầu tiên trong ngày là thời gian lý tưởng nhất, khi các em chưa bị phân tâm bởi áp lực học tập, tâm trí yên tĩnh nên trường đã dành thời gian từ 7h - 7h30 hàng ngày cho các em đọc sách. Còn hoạt động tập thể dục đầu giờ trước đây dời sau thời gian ra chơi vào buổi sáng giúp các vận động, lấy lại tinh thần giữa buổi học. 

Tiết đọc sách 30 phút trên lớp được chia ra 2 phần. Ban đầu, các em tự đọc sách, đọc theo đầu sách của các em yêu thích. Sau đó, các em chia sẻ nội dung quyển sách với các bạn, cùng các bạn trình bày và đặt câu hỏi liên quan đến sách dưới sự hướng dẫn của GV. 

Cô Phạm Thị Chinh cho biết, sau khi đọc xong mỗi quyển sách, HS đều phải ghi vào phiếu nhật ký đọc sách. Mỗi phiếu được nhà trường phát về cho HS  cập nhật ghi cảm nghĩ của em về quyển sách em đã đọc.

Ngoài ra, trường thiết kế nhiều chương trình cho HS đọc sách như tủ quà thưởng, tích điểm đọc sách nhận quà, khuyến khích HS chia sẻ về việc đọc sách, thứ hai hàng tuần trường đều dành hoạt động 10 phút đầu tuần để chia sẻ sách..., xây dựng "Cây sách xanh" để học sinh chia sẻ cảm nhận, tổ chức cho HS đọc sách ở mọi nơi trong trường... 

Cô hiệu trưởng làm mọi cách ép học trò đọc sách - 8

Nữ hiệu trưởng mê mong muốn đọc sách sẽ được đưa vào chương trình chính thức của trường phổ thông

Chưa nói đến những điều cao xa sách đưa lại, trước mắt, cô hiệu trưởng cảm nhận được từ việc tích cực đọc sách, HS hòa nhã hơn, thân thiện hơn, các em biết yêu thương, bớt được tính hiếu thắng, giảm bạo hành với bạn bè... 

Tinh thần đọc sách được đẩy mạnh trong nhà trường, cô Chinh tin lứa HS của mình sau một niên khóa ít nhất hình thành thói quen đọc sách cho khoảng 70 - 80% học sinh toàn trường. Và cô hy vọng thói quen này cần được rèn luyện trong trong những hành trình sau này. 

Mới đây, tại tọa đàm về tạo dựng văn hóa đọc cho học sinh trong nhà trường, cô Phạm Thị Chinh đề nghị Bộ GD-ĐT cần đưa đọc sách vào khung giờ chính khóa bắt buộc như các môn học khác, cần thực hiện hàng ngày, hàng tuần từ lớp 1 đến lớp 12.

Hoài Nam