Cô giáo trăn trở: Phạt tiền học sinh, nên hay không?

(Dân trí) - Là một nhà giáo đang trực tiếp đứng lớp, tôi biết có khá nhiều đồng nghiệp của tôi ở trường phổ thông vẫn áp dụng hình thức phạt tiền với học sinh vi phạm. Trong bối cảnh phạt roi, phạt quỳ cùng nhiều hình thức xử phạt khác bị dư luận lên án kịch liệt thì dường như phạt tiền được xem là một “phao cứu sinh” cho các thầy cô.

Phạt tiền học sinh thì không xâm phạm thân thể người học, lại càng không xúc phạm nhân phẩm người học. Nó nhẹ nhàng cởi bỏ áp lực cho người thầy trước vi phạm của học sinh. Nếu đã có thỏa thuận rõ ràng giữa giáo viên và phụ huynh, người thầy cứ mặc nhiên quy lỗi thành mức giá tương ứng và học sinh cứ thế mà đóng phạt.

Tiền quỹ lớp cũng theo đó mà nhân lên, quỹ lớp “dư dả” sẽ thuận lợi hơn trong mọi hoạt động trường lớp mà không cần huy động sự đóng góp của phụ huynh. Bên cạnh đó, tôi thấy nhiều giáo viên cũng nhận định rằng học sinh tiến bộ lên trông thấy sau nhiều lần đóng phạt. Phạt tiền buộc các em phải lựa chọn nộp phạt hoặc thay đổi để tiến bộ.

Mặt tích cực của hình thức phạt tiền học sinh vi phạm theo nhìn nhận của nhiều bạn đồng nghiệp tôi là thế. Nhưng mặt tiêu cực của nó cũng không phải là ít ỏi gì.

Đầu năm học này tôi nhận được một cuộc điện thoại khá gay gắt của phụ huynh lớp 7 phản ánh việc phạt tiền con em họ. Đây là học sinh lớp tôi chủ nhiệm năm ngoái, năm nay lớp các em được bố trí một giáo viên khác phụ trách. Do nhầm lẫn trong số điện thoại đã lưu từ năm trước, nên phụ huynh gọi điện cho tôi, nhờ đó tôi biết được phụ huynh khá bức xúc vì em học sinh đó bị phạt mười nghìn đồng cho lỗi đi học muộn.

Vốn ngoan ngoãn và không hề xin tiền bố mẹ ăn quà vặt, em học sinh đó đã phải nhịn ăn sáng lấy tiền đóng phạt. Khi phụ huynh biết chuyện đã lên tiếng phản ứng kịch liệt với giáo viên. Tôi có thể thông cảm được phần nào tâm trạng phụ huynh khi giáo viên chủ nhiệm áp dụng cách phạt tiền học sinh.

Bất kỳ chuyện gì liên quan đến tiền bạc cũng cực kỳ nhạy cảm. Trong môi trường học đường, mối quan hệ thầy trò và phương pháp giáo dục học sinh có dính dáng đến tiền lại càng dễ nảy sinh phản ứng trái chiều.

Phạt tiền học sinh chưa bao giờ được khẳng định, công nhận là một phương pháp giáo dục tích cực. Sau một vài lần nộp phạt, may mắn chút xíu khi học sinh sợ “tốn tiền” mà bớt vi phạm. Nhưng đòi hỏi các em nhận ra lỗi lầm của mình và có ý thức sửa sai là điều không tưởng.

Học sinh sống phụ thuộc vào bố mẹ. Phạt học sinh bằng tiền chính là phạt tiền bố mẹ các em. Con trẻ không chỉ đối diện với áp lực từ giáo viên và còn phải ứng phó với áp lực từ gia đình.

Biết đâu từ chính những món tiền phạt này, các em sẽ rơi vào trạng thái bi quan, lo lắng mỗi ngày đến lớp. Và biết đâu các em sẽ bắt đầu biết nói dối bố mẹ để lừa tiền đóng phạt ở lớp, nói dối thầy cô để biện minh cho lỗi lầm của mình nhằm tránh rơi vào đối tượng bị phạt tiền.

Nhận thức rõ mặt trái tiêu cực của hình thức xử này, trong suốt mười mấy năm đứng lớp và làm công tác giáo dục học sinh, tôi chưa bao giờ quy đổi bất kỳ vi phạm nào của học sinh thành tiền. Còn bạn thì sao?

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!