Cô giáo rối bời khi trẻ mầm non đi ngủ phải có người nghịch “quả ớt”

(Dân trí) - Lúc ở nhà, ông bà, bố mẹ thường cưng nựng, nghịch "cục vàng" nên đến khi đi học mầm non, bé trai trằn trọc không thể ngủ trưa khi thiếu "chất xúc tác".

Câu chuyện dưới đây được một giáo viên mầm non kể trong chuyên đề giáo dục giới tính tại TPHCM.

Cô kể, bé trai hơn 3 tuổi mới được bố mẹ cho đi học  nhưng cả tuần đầu, bé không tài nào ngủ trưa. Các cô thay nhau vỗ về, cho bé nằm ở góc riêng cho yên tĩnh, thậm chí bế đi dạo ru bé ngủ nhưng đều không có kết quả. Bé nằm trằn trọc, khóc và đòi "sờ chim". 

Cô giáo rối bời khi trẻ mầm non đi ngủ phải có người nghịch “quả ớt” - 1

Nhiều phụ huynh chưa dạy con biết giữ gin sự kín đáo và bảo vệ "vùng riêng tư" (Ảnh minh họa) 

Sang tuần thứ hai, tình trạng không cải thiện, giáo viên phải gọi mẹ lên để trao đổi. Người mẹ ngại ngùng kể, từ khi bé sinh ra đến giờ bà ngoại chăm bé, hay cưng nựng là "cục vàng của bà", bà hay nghịch "quả ớt" cho bé ngủ. Khi bà về quê, bố mẹ cũng... ru con bằng cách đó bé mới chịu ngủ. Sau đó, mẹ đã cho bé nghỉ học để về... rèn lại. 

Trường hợp tưởng như là đặc biệt nhưng bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Cố vấn chuyên môn Hội quán Các Bà Mẹ) cho biết, trong quá trình tư vấn về giáo dục giới tính ở các trường mầm thì đây không phải là... ca hiếm.

Nhiều bé mầm non đến trường không chịu ngủ khi chưa có ai nghịch "quả ớt" do ở nhà bố mẹ, ông bà thường làm như vậy với con, cháu. Và còn rất nhiều tình huống cười ra nước mắt khi "vùng riêng tư" của con nhỏ... thành "vùng chung" như anh chị em tắm chung, bố mẹ tắm chung với con...

Trong cuộc sống, nhiều người Việt có thói quen tệ hại là cưng nựng vùng kín của con, cháu. Nhiều gia đình sinh được con, cháu trai xem như là thành tích và thường thể hiện bằng cách nói, sờ, vuốt ve, thơm... "vật di truyền" của gia đình. 

Không chỉ người thân trong gia đình, mà kể cả hàng xóm, người ngoài khi gặp một đứa trẻ cũng hồn nhiên bàn tán, đưa tay xem... thằng cu, cái ti đã "mọc" chưa nào. 

Sơ hở "vùng riêng tư" 

Theo các chuyên gia tâm lý, bài học giáo dục giới tính đầu tiên với trẻ nhỏ là giúp trẻ nhận diện và biết bảo vệ "vùng đồ lót", các bộ phận riêng tư trên cơ thể. Và điều này phải được thực hiện đầu tiên ngay trong gia đình, với bố mẹ, người thân.

Trong lần nói chuyện về chuyên đề xâm hại tình dục trẻ nhỏ, chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến (Bệnh viện Thủ Đức) cảnh báo nhiều trẻ bị dâm ô từ bé bằng những hành động cưng nựng, vuốt ve, hôn hít của người lớn bắt đầu từ văn hóa cho cô/chú xem cái "quả ớt, con ti" rồi bình phẩm về chúng. 

Cô giáo rối bời khi trẻ mầm non đi ngủ phải có người nghịch “quả ớt” - 2
Học sinh tiểu học tại TPHCM tham gia chuyên đề về giáo dục giới tính

Thói quen cưng nựng trẻ nhỏ bằng những động tác thái quá của bố mẹ, ông bà, người xung quanh nên nhiều trẻ nhỏ bị xâm hại, dâm ô... nhưng không nhận diện được vì hiểu nhầm đó là yêu thương.

Khi mọi người đụng chạm thường xuyên, dễ dàng thì đây đã không còn là vùng kín, vùng riêng tư, vùng "cấm địa" trong nhận thức của con trẻ.

"Không bao giờ được sờ và bàn tán, bình phẩm về bộ phận sinh dục của đứa trẻ. Đó là điều cấm kỵ", bác sĩ Yến nhấn mạnh và cho hay, ngay từ bé, đứa trẻ phải biết đó là vùng không ai được phép sờ đến và hơn ai hết, cha mẹ cũng phải hiểu điều này để giáo dục và bảo vệ con. 

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải cũng lưu ý, người lớn không bình phẩm, chế giễu, đùa giỡn, chê bai “vùng đồ lót” cũng như những bộ phận khác trên cơ thể con, khiến bé khó chịu, ấm ức, bất lực và có thể dẫn đến những ám ảnh, mặc cảm, tự ti, lệch lạc về tình dục sau này.

Mặt khác, cũng không nên khen ngợi, đánh giá “vùng đồ lót” của trẻ theo kiểu của người lớn khiến bé có ý vênh váo, khoe khoang, bộc lộ cơ thể mình.

Nhiều bố mẹ tắm chung với con, hay cho hai con cùng tắm chung để con biết về "vùng cấm" trên cơ thể, tranh thủ "dạy" con sự khác biệt nam nữ, bác sĩ Hải nhấn mạnh phải bỏ ngay việc này. 

Hãy cùng con khám phá điều ấy qua nhiều loại tranh ảnh, mô hình, clip, cẩm nang, sách vở tài liệu đảm bảo tính sư phạm và khoa học, phù hợp với từng giai đoạn phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Nguyên tắc “đồ lót” dành cho trẻ nhỏ:

- Phần thân thể được đồ lót che phủ là bộ phận sinh dục của mỗi người. Đồ lót bao gồm “quần lót” của cả con gái lẫn con trai và thêm “áo lót” khi em gái lớn lên.

- Bộ phận sinh dục là “tài sản riêng” của con, không ai được phép xâm phạm, sờ mó, đụng chạm vào trừ cha mẹ - ông bà - cô bảo mẫu khi tắm rửa làm vệ sinh và thầy thuốc khi thăm khám. Nếu ai làm con khó chịu, sợ hãi, phải biết nói “không”, biết phản kháng để chấm dứt hành động ấy.


- Không đụng chạm vào “vùng đồ lót” của người khác dù bên ngoài hay bên trong. Nếu bất cứ ai chạm vào con dù bên ngoài hay bên trong “vùng đồ lót” thì con có quyền nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì con hét lên và bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.


Nâng cấp bài học khi trẻ lớn thêm:

- Không “đụng chạm” vào “vùng đồ lót” của người khác dù bằng cái nhìn hay lời nói: nhìn chằm chằm vào “vùng đồ lót” của người khác hoặc bình phẩm về nó là suồng sã, thô thiển. Đùa giỡn vào phần thân thể gần “vùng đồ lót” của bạn bè, ngay cả bạn cùng phái như cù, thọc lét vào cổ, nách, mạng sườn, bụng là thiếu lịch sự. Vỗ vào mông người khác hoặc nhét tiền vào áo lót là hành vi khiếm nhã.

- Những động tác liên quan đến “vùng đồ lót” của mình, dù rất chính đáng (gãi khi ngứa ngáy, chỉnh sửa quần áo cho ngay ngắn, xoa nắn khi nhức mỏi) vẫn nên làm nơi kín đáo như phòng vệ sinh, phòng riêng, góc khuất.

- Không lộ “vùng đồ lót” ở nơi công cộng: ngồi xổm, mở rộng hai chân ra cho mát, phanh ngực áo, cúi xuống quá sâu, mặc váy ngắn lên cầu thang thiếu ý tứ. Không vạch áo lót cho con bú chỗ đông người nên kín đáo che lại bằng khăn, áo, nón. Không tiêu, tiểu bậy ở gốc cây, cột điện, bức tường, lề đường. Nếu thấy người khác vô tình bị “lộ hàng” do bung nút áo ngực, tuột dây kéo khóa quần thì nên nhìn đi chỗ khác hoặc khéo léo nhắc họ.

- Không âu yếm, nựng, vuốt ve “vùng đồ lót” của con cái, người yêu, vợ, chồng trước mặt người khác (người thân, bạn bè, người quen, người lạ).
 

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải 

Hoài Nam