Cô giáo lên tiếng: Phải chăng người thầy đang “né” giáo dục học sinh?

(Dân trí) - Bài viết “Có ai dám phạt học trò nữa không?” của cô giáo Loát Trần đăng trên Dân trí một lần nữa gợi lên vấn đề nhức nhối và gây tranh cãi: Có nên nghiêm khắc giáo dục học sinh?

Vâng, nhiệt tâm và nghiêm khắc giáo dục học trò bằng một, hai roi sẽ bị quy kết thành xâm phạm thân thể, xúc phạm nhân cách người học. Nhưng nếu “mắt nhắm mắt mở” kệ trò lười học, vi phạm nề nếp thì lại day dứt, trăn trở vô cùng với lương tâm nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo.

“Chúng tôi tự hỏi nhau, rồi đây, ai dám phạt học trò nữa không?” vẫn mãi là câu hỏi ngỏ không có đáp án chính xác. Nhưng rồi, nhìn vào một vài hiện tượng giáo viên đánh học sinh bị kỷ luật, bị “ném đá”, người thầy dẫn đến “chột dạ” và tự răn mình bớt nhiệt huyết, bớt lo toan, bớt trách phạt trò. Tất cả chỉ để tìm kiếm hai chữ “bình yên”!

Ôi! Trọng trách của người làm thầy quá lớn lao, phải dạy trò học chữ, phải dạy trò biết cách làm người. Nhưng, chúng tôi phải giáo dục bằng tình yêu thương, cảm hóa bằng tấm gương mẫu mực. Còn roi vọt và la mắng đều bị quy kết vi phạm đạo đức nhà giáo mất rồi.

Quẩn quanh vẫn là mấy biện pháp giáo dục đã không còn tác dụng với những học sinh cá biệt. Nhắc nhở, phê bình ư? Có nhiều em đã “lờn thuốc” với lời nhắc nhở, phê bình, viết kiểm điểm.

Trên thì ban giám hiệu, tổng phụ trách đội nhắc nhở xuống, dưới thì bốn, năm chục học sinh nhìn vào hành xử của cô giáo trước vi phạm của bạn bè, giáo viên chúng ta muốn tìm một giải pháp vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa mang tính giáo dục thật không dễ dàng.

Thú thật bản thân tôi cũng là một giáo viên khá nóng tính, hay trách phạt học trò. Nhìn chất lượng học tập đi xuống hay các biểu hiện lệch lạc về hành vi trong học sinh, lòng dặn lòng “ngoảnh mặt làm ngơ” chẳng được, vậy là lao vào uốn nắn thôi.

Phạt các cháu làm vệ sinh lớp học, khẽ roi vào tay, phạt học sinh lao động sân trường… đều có đủ cả. Thậm chí nhiều lúc phải đùng dến chiêu bài hù dọa: Nếu còn tái phạm sẽ phạt dọn nhà vệ sinh, đánh mười roi, quỳ ở cột cờ… Tất nhiên đó chỉ là hù dọa suông. Tôi chẳng dại gì chuốc họa vào thân khi áp dụng hình phạt ấy với học trò.

Đôi lúc đứng trước áp lực lớn của dư luận về việc trách phạt học sinh, lòng tôi bỗng chùng xuống và trăn trở rất nhiều rằng nên hay không nên tiếp tục nghiêm khắc với học trò. Nhiều buổi sinh hoạt lớp cuối tuần đành làm ngơ trước những lỗi vi phạm muôn thuở như nói chuyện, không học bài, không soạn bài, thiếu đồng phục,…

Cũng “làm ngơ” được vài tuần, học sinh thấy cô giáo chủ nhiệm hơi hiền tí xíu là lại “quậy” tưng bừng. Tuổi dở dở ương ương ở cấp hai là vậy đó.. Vậy là lại nghiêm khắc nhắc nhở, trách phạt. Nhiều buổi sinh hoạt cuối tuần lớp tôi về muộn nhất, mấy giáo viên khác đi ngang qua thấy tôi cầm thước kẻ vội nhắc “Đừng chuốc họa vào thân!”, “Kệ nó, hư hay nên người mặc nó!”, “Đừng dại dột đánh đổi miếng cơm manh áo!”…

Đúng là những lời căn ngăn ấy ít nhiều đã ảnh hưởng đến nhiệt huyết giáo dục đạo đức học sinh trong tôi. Nhưng rồi nhìn vào nề nếp của các lớp cùng khối, sự nghiêm khắc cùng sự quan tâm của tôi giúp lớp tôi vào khuôn khổ hơn cả. Vi phạm thì bị trách phạt nhưng sau đó là những lời nói nhỏ nhẹ, bảo ban, ân cần. Lớp đạt vị thứ xếp loại thi đua cao thì thưởng cho các cháu một bữa liên hoan bánh kẹo. Mưa to đột xuất không thấy bố mẹ đem áo mưa đến, tôi sẵn sàng mua áo mưa cho các em còn thiếu…

Đừng nhìn vào sự nghiêm khắc của người thầy mà đánh giá thầy cô đó dữ tợn, “bà la sát”! Đừng nhìn vào một, hai roi ở tay mà quy chụp thầy cô bạo hành học sinh! Chúng tôi chỉ muốn các em ngoan hơn, vào khuôn khổ nề nếp, nội quy tốt hơn. Và sau này bước ra xã hội, các em sẽ là những công dân có kỷ luật, có lối sống văn minh.

Bao giờ người thầy sử dụng đòn roi tới tấp, dùng lời lẽ mắng nhiếc thậm tệ hoặc sử dụng những hình phạt oái ăm, phản cảm theo kiểu trừng phạt, thù hằn, ghét bỏ thì hãy lên án và “ném đá”.

Và sau nhiều “gương nhãn tiền” bị kỷ luật, cắt hợp đồng vì đánh học sinh, tôi đã tự nhủ mình phải kiềm chế nhiều hơn tính nóng nảy, hạn chế đến mức tối đa việc trách phạt học trò.

Nhưng để được “yên thân” mà lên lớp theo kiểu “mặc kệ nó” ư? Chỉ sợ rằng không ít người thầy đang sờn lòng trong giáo dục học sinh…

Nguyễn Thùy

Bài viết “Có ai dám phạt học trò nữa không?” của cô giáo Loát Trần đăng trên Dân trí một lần nữa gợi lên vấn đề nhức nhối và gây tranh cãi: Có nên nghiêm khắc giáo dục học sinh?

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục