Cô giáo khuyết tật viết chữ "đẹp như in" bằng tay trái

Quang Trường

(Dân trí) - Kể từ ngày bị tai nạn lao động vĩnh viễn cướp đi bàn tay phải, cô giáo Lê Thị Sen bắt đầu phải sống chung với những bất hạnh, cả những định kiến xã hội về người khuyết tật.

Lê Thị Sen là giáo viên mầm non người dân tộc Thái. Cô sinh ra và lớn lên tại một xã miền núi của huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Gần đây, cô giáo sinh năm 1994 nổi bật trên mạng xã hội với những video hàng nghìn lượt xem. Trong video, cô Sen khoe tài viết chữ "đẹp như in" với bàn tay trái, bàn tay phải xuất hiện chỉ với một ngón tay còn lành lặn.

Cô Sen khoe tài viết chữ đẹp (Video: kênh Tiktok của nhân vật)

Bàn tay mất đi và ước mơ làm cô giáo

"Càng lớn tôi càng hiểu rõ những khó khăn của gia đình, đặc biệt là sự vất vả của mẹ", Sen nghĩ vậy khi vừa kết thúc năm học lớp 9, hồi cô còn là một thiếu nữ. Bố ốm đau, một mình mẹ của Sen gồng gánh nuôi 4 chị em ăn học. Nghỉ hè năm đó, Sen hí hửng xin mẹ đi làm thêm.

Sen theo bạn ra Hà Nội, làm việc cho một công ty tư nhân chuyên sản xuất đồ nhựa tái chế. Sen mong muốn kiếm tiền giúp mẹ nuôi em ăn học. Thoắt cái đã hết hai tháng hè. Cô bé Sen chuẩn bị về quê với niềm vui được khoe thành quả với mẹ. Sen nghĩ đến năm học tới, mẹ sẽ không phải lo tiền mua sách cho cô. Sen sẽ tự sắm cho mình xe đạp mới - chiếc xe màu bạc mà cô hằng mơ ước, để chở em đến trường.

Cô giáo khuyết tật viết chữ đẹp như in bằng tay trái - 1
Cô giáo Lê Thị Sen.

Nhưng tai nạn đã ập đến với Sen vào ngày cuối cùng đi làm. Trong lúc làm việc, không may, bàn tay phải của cô bị máy nghiền nát 4 ngón. Sen được đưa đến bệnh viện để điều trị trong 1 tháng, trải qua 3 lần phẫu thuật cấy ghép xương, ghép da nhưng đều thất bại.

"Nhìn từng ngón tay hoại tử bị cắt bỏ, lòng tôi đau như cắt. Tôi sợ mình sẽ không thể đến trường, cầm bút như các bạn. Đêm xuống, nhắm mắt nhưng chẳng thể nào ngủ được. Tôi nghĩ đến bố mẹ, tôi không thể gục ngã. Tôi ngồi dậy và bắt đầu luyện viết bằng tay trái ngay trong những ngày nằm viện", Sen kể.

Ra viện, Sen may mắn được đi học trở lại. Nhưng đi đâu cũng nghe người ta xì xào về bàn tay bị khuyết tật. Sen trở nên tự ti, cô đeo găng tay suốt 4 năm liền để che đi khuyết điểm, mùa hè cũng như mùa đông. Sen cũng không thể học kịp các bạn, kết quả học tập dần sa sút. Mỗi ngày đạp xe đi học hơn 10km khiến Sen mệt mỏi, cô lại mong sớm kết thúc những ngày ngồi trên ghế nhà trường.

Cô giáo khuyết tật viết chữ đẹp như in bằng tay trái - 2
Cô Sen trong một tiết học.

Sen tốt nghiệp cấp 3 mà không biết mình sẽ theo ngành gì. Mẹ ngày càng già đi, bố vẫn phải điều trị bệnh hàng ngày. Ước mơ học đại học của Sen trở nên xa xỉ. Sen quyết định đi làm. Cô tự mình bắt xe ra Bắc kiếm việc làm, từ bán hàng, trông em bé đến bưng bê quán ăn.

Một lần bán hàng ở chùa Hương Tích, năm đó, có người đã nói sau lưng Sen rằng "Một tay thì làm được gì cho đời". Sen còn nhớ như in câu nói ám ảnh cô đến tận bây giờ. Nhưng cũng chính ở đây, Sen biết mình thích làm nghề gì.

Ở chùa Hương Tích, hình ảnh những em bé theo mẹ bán hàng rong, hay phải đi xin từng bữa cơm qua ngày lặp đi lặp lại trong tâm trí Sen. Cô tự nhủ "mình còn may mắn hơn nhiều người". Sen đã động lòng thương những đứa trẻ mà đáng ra chúng phải được ngồi trên ghế nhà trường. Khi ấy, Sen biết mình muốn làm một giáo viên mầm non để được yêu thương, chăm sóc các bạn nhỏ. Sen không bán hàng nữa, cô về quê chuẩn bị thi vào ngành Sư phạm.

Cô giáo khuyết tật viết chữ đẹp như in bằng tay trái - 3
Cô Sen bén duyên với các em nhỏ.

Rồi có người lại dè bỉu "Tay chân như vậy mà cũng đòi làm cô giáo". Nhưng lần này Sen bỏ ngoài tai để làm hồ sơ thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An.

"Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, tôi vui đến òa khóc. Tôi mừng thầm vì mình có thể theo đuổi ước mơ để không thua kém bất kỳ ai. Những năm tháng học cao đẳng đã rèn cho tôi tính tự lập, tuy vất vả. Tôi làm thêm để tự trang trải cuộc sống", Sen nói.

Luyện viết chữ đẹp với bàn tay trái

Năm cuối trên ghế giảng đường, Sen bắt đầu luyện viết chữ đẹp. Cô mê mẩn những nét chữ đều răm rắp của bạn cùng phòng được đi luyện chữ ở trung tâm. Không có tiền đi học, Sen đành mượn vở của bạn để nhìn từng nét chữ và viết theo.

Sen làm quen với bút mực, nhưng viết bằng tay trái không dễ dàng như khi dùng bút bi. Bút đi không đều, đôi khi mực xuống làm rách hết vở. Sen tập trung vào các nét chữ đến cay cả hai mắt, hai vai mỏi nhừ.

"Lúc đó nghe nản lắm rồi nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi hỏi đứa em cách cầm bút máy sao cho đúng nhưng khổ nỗi nó viết tay phải, tôi thì tay trái nên rất khó chỉ", Sen kể.

Cô giáo khuyết tật viết chữ đẹp như in bằng tay trái - 4
Cô Sen dạy học tại một trường mầm non song ngữ.

Tốt nghiệp Sư phạm, Sen vừa mừng vừa lo vì phân vân không biết xin việc ở đâu, trường nào sẽ nhận mình. Sen nộp hồ sơ tới nhiều trường, cơ sở mầm non ở Hà Nội. Một thời gian sau, cô nhận thông báo trúng tuyển khi đang đi bán quần áo thuê tại Bắc Ninh. Hôm đó trời mưa rất to, từ Bắc Ninh, Sen chạy xe xuống Hà Nội để phỏng vấn. Vừa nhìn thấy Sen, họ đã từ chối. Trong cơn mưa nặng hạt, Sen lại hoài nghi về lựa chọn của mình.

Không dừng lại ở đó, ngày hôm sau, Sen lại nộp hồ sơ vào một trường khác. Cô mạnh dạn chia sẻ về điểm mạnh của bản thân, nói về khuyết điểm của mình. Lần này, Sen đã được chấp nhận, cô lại bật khóc nức nở vì vui mừng.

Gắn bó với Hà Nội được một thời gian, cô Sen đã chuyển về công tác ở quê nhà để tiện chăm sóc bố và gia đình. Sen được dạy học tại một trường quốc tế có tiếng trong thành phố, nơi cô nhận được sự quan tâm xứng đáng.

Cô giáo Sen được phân công dạy các bé 5 tuổi luyện viết và làm quen với chữ cái. Nhìn các con chập chững cầm bút, một lần nữa, cô được thôi thúc luyện chữ đẹp trở lại để dạy các con những nét chữ đầu đời. Cô Sen tìm tới trung tâm luyện chữ học thêm để trau dồi kiến thức tiểu học. Ban ngày đi dạy trên lớp, chiều về lại tranh thủ đi học cách trường 15km.

Cô giáo khuyết tật viết chữ đẹp như in bằng tay trái - 5
Giờ đây, chữ của cô Sen được ví là "đẹp như in". Cô còn có thể viết bằng một ngón. Tay thoăn thoắt cầm dụng cụ làm đồ dùng, đồ chơi cho các bé mầm non.

Thời điểm dịch Covid-19 tại quê nhà được kiểm soát, cô Sen về quê mở lớp, vận động các bé chuẩn bị vào lớp một đến học miễn phí.

Đó là vùng quê miền núi khó khăn, đa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Các bé chỉ hào hứng học thêm lúc đầu. Giai đoạn cầm bút luyện chữ cần sự tập trung và khéo léo nên các bé dần nản chí, đi học "buổi đực buổi cái".

Cô Sen tìm đến thầy giáo cũ của mình để xin lời khuyên và kinh nghiệm. Cô về vận động học sinh đi học trở lại, cho các con vừa học vừa chơi để tạo hứng thú học tập.

"Vì các con đang chập chững bước vào lớp 1 nên thời gian rèn luyện cho các con chỉ vỏn vẹn 2 giờ mỗi buổi để các con vừa học vừa giải lao. Nếu mình tập trung dạy liên tục thì sẽ gây áp lực cũng như sự nhàm chán cho các con", cô Sen nói.

Từ đó, học sinh đi học đều hơn, nhiều phụ huynh đã tin tưởng gửi gắm con cho cô giáo Sen. Họ mong muốn con mình viết chữ phải đẹp như chữ cô Sen.

"Nét chữ nết người. Việc chau chuốt từng nét chữ giúp các em rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ, là nền tảng cho những đức tính tốt đẹp", cô Sen tâm niệm.

(Ảnh: NVCC)