Cô giáo "đa di năng" ở điểm trường Pò Điểm

(Dân trí) - Hi sinh cả hạnh phúc riêng tư để ở lại điểm Pò Điểm, trường mầm non Đức Thông, xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng gieo con chữ suốt 9 năm qua; những hi sinh thầm lặng của cô giáo Hà, đã được người dân địa phương yêu quý, đùm bọc như người nhà.

Theo chân cán bộ Sở Giáo dục – Đào tạo (Cao Bằng), đồng chí Quế Anh đã nhiệt tình giới thiệu và đưa phóng viên Dân trí, vượt hơn 40km, con đường gấp khúc lưng chừng núi, để có mặt tại điểm Pò Điểm, trường mầm non Đức Thông, xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng - một trong những huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, để chia sẻ những câu chuyện, gặp gỡ cô giáo cắm bản kiên trì cũng như chứng kiến bao đổi thay trên mảnh đất núi rừng Việt Bắc này.


Nơi vào điểm trường Pò Điểm

Nơi vào điểm trường Pò Điểm

Cô dạy trò, trò dạy cô

“Theo cô giáo miền xuôi lên cắm bản

Heo hút đường mây đá tai mèo

Bàn chân con gái mềm lội suối

Ngôi trường năm tháng đứng hiên ngang”

Những câu thơ này, đủ để diễn tả sự hi sinh của một giáo miền xuôi, mang tên Giang Ngọc Hà, lên non cắm bản trên mảnh đất biên giới Cao Bằng.

Cô giáo Giang Ngọc Hà, điểm trường Pò Điểm, trường mầm non Đức Thông, xã Đức Thông tâm sự: “Là người quê Bắc Giang, sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi xung phong lên vùng cao để dạy học, sống chung với các em học sinh và dân bản đã chín năm. Các em học sinh hoàn toàn là dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng.

Khi cô giáo muốn trò chuyện với trẻ thì trẻ không hiểu được cô nói gì, do ngôn ngữ bất đồng. Vì vậy, tôi đã quyết tâm học tiếng địa phương để hiểu các em hơn, dần dần thấy thú vị mà hay lắm. Các em dạy tôi tiếng địa phương, tôi dạy lại các cháu tiếng Kinh, cô trò cứ thế mà gắn bó”.

Giữa trập trùng núi đồi, cô giáo người Kinh phải làm quen với cuộc sống thiếu thốn, xa lạ ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân. Khi được hỏi đến hạnh phúc riêng bản thân, cô Hà lặng lẽ hồi lâu: “Dạy học xa nên nhớ chồng, nghĩ tới cảnh không được chăm sóc chồng, xa chồng ngày lễ tết, tủi thân lắm. May sao, ông xã rất tâm lý và thương vợ nên được động viên hàng ngày. Sống ở bản tuy có vắng vẻ nhưng ban ngày dạy học, nhìn thấy học sinh là quên hết cái buồn, cái nhớ nhà, nhớ chồng”.

Càng buồn bao nhiêu thì càng nén trong lòng và dồn hết sức lực cho các em nhỏ bấy nhiêu, tâm sự với phóng viên về lí do khiến cô quyết định ở lại bản dạy học: “Có những năm tháng chỉ là thời gian trôi, có những vùng đất chỉ là nơi ta đặt chân đến, có những người chỉ gặp gỡ vì phải tiếp xúc và có những nghề chỉ là kế sinh nhai… nhưng tất cả sẽ thay đổi khi con người có tình yêu và nhiệt huyết.

Tình cảm của các cháu, của dân bản dành cho tôi, tình đất và người đã cảm hóa, giữ chân tôi. Đó cũng là lí do vì sao tôi luôn kiên trì cắm bản trong suốt ngần ấy năm qua”.


Cô giáo Hà cùng với học trò của mình

Cô giáo Hà cùng với học trò của mình

Không chỉ làm cô giáo, mà cô Hà kiêm luôn cả làm cha, làm mẹ, làm bác sĩ, thợ điện, việc gì cô cùng làm. Cô hào hứng chia sẻ: “Tôi luôn chuẩn bị sẵn vài loại thuốc để kiêm nhiệm vai trò bác sĩ chăm sóc học trò. Việc gì cũng đến tay, tôi đều tự học rồi mày mò làm, giáo viên bản đa di năng lắm”.

Điều kiện công tác giờ đã không còn nhiều khó khăn, các cô giáo đã nỗ lực hết mình, không chỉ truyền đạt kiến thức cho các em mà còn chăm lo cho các em học sinh từ bữa ăn trưa mang ở nhà tới, đến giấc ngủ trưa. Bằng tấm lòng, sự tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì học sinh thân yêu, các cô giáo mầm non điểm Pò Điểm đã được cha mẹ học sinh, chính quyền, nhân dân địa phương tin yêu và gọi là “giáo viên cắm bản”.

Pò Điểm đã thay đổi

Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, ít quan tâm tới việc học hành của con nhỏ. Giáo viên đã phối hợp với cán bộ thôn, xã đến từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh cho trẻ đến trường đúng độ tuổi đầy đủ. Các chính sách ưu đãi dành cho học sinh mầm non được triển khai, phát huy tác dụng tích cực đến sĩ số học sinh tới trường, chung tay cải thiện sinh hoạt cho trẻ.


Điểm trường Pò Điểm nay được khang trang sạch đẹp nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ

Điểm trường Pò Điểm nay được khang trang sạch đẹp nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ

Cô Hà chia sẻ: “Trước đây, điểm trường lụp xụp, tranh tre, vách nứa, khó trăm bề. Lúc mới lên, nhìn thấy trường mà rơi nước mắt, quá hoang vu, chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra cảnh khó khăn tới vậy”.

Thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015 - 2021, tỉnh Cao Bằng đã triển khai chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ với mức phí từ 70.000 tới 100.000/ cháu/1 tháng.

“Biện pháp này đã thực sự tác động mạnh mẽ tới tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và tỷ lệ chuyên cần, giảm thiểu thiệt thòi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vùng núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Trẻ em 5 tuổi dân tộc thiểu số thực hiện phổ cập được hỗ trợ ăn trưa và chuẩn bị Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 tăng cao. Nhờ có nguồn trợ cấp này, giáo viên và học sinh chúng tôi nhiều năm gần đây đã không còn vất vả, thiếu thốn như trước” - Cô Hà cảm nhận.


Chứng kiến những đổi thay của trường lớp cô Hà xúc động: “các cháu có trường mới, cô giáo thấy an tâm hơn nhiều, không còn lo cảnh, mùa đông ngồi run cầm cập học bài, mùa hè nóng đổ mồ hôi hơn tắm”.

Chứng kiến những đổi thay của trường lớp cô Hà xúc động: “các cháu có trường mới, cô giáo thấy an tâm hơn nhiều, không còn lo cảnh, mùa đông ngồi run cầm cập học bài, mùa hè nóng đổ mồ hôi hơn tắm”.

Cùng với đó, cơ sở vật chất điểm trường Pò Điểm sau khi được tổ chức phi chính phủ Samaritan của Mỹ, tài trợ xây dựng trường lớp đạt chuẩn, lớp học kiên cố hóa, sân chơi đạt chuẩn, nhà vệ sinh sạch sẽ, đã giúp các cô giáo, học sinh yên tâm dạy và học mỗi ngày.

Là người chứng kiến những đổi thay của trường lớp cô Hà xúc động: “các cháu có trường mới, cô giáo thấy an tâm hơn nhiều, không còn lo cảnh, mùa đông ngồi run cầm cập học bài, mùa hè nóng đổ mồ hôi hơn tắm”.

Giờ đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ, trường bản đã đầy đủ và thay mới diện mạo hoàn toàn, vừa giúp các cháu vui vẻ tới lớp, lại giúp các cô giáo miền xuôi lên non cắm bản, chuyên tâm công tác với sự nghiệp trồng người giữa núi rừng Việt Bắc.

Hà Cường

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục