Cô gái yêu ong nhận học bổng Tiến sĩ Mỹ gần 3 tỷ đồng

(Dân trí) - Đó là Phan Thanh Ngọc – một 9X đời đầu thực hiện thành công nhiều dự án nghiên cứu về loài ong và vừa được nhận Học bổng Tiến sĩ toàn phần của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) trị giá gần 3 tỷ đồng.

 

Thông tin cá nhân

Họ và tên: Phan Thanh Ngọc

Năm sinh: 1990

Thành tích:

- Học bổng Tiến sĩ toàn phần của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ

- Tham gia Hội nghị Khoa học & Công nghệ tuổi trẻ toàn quốc lần VI với đề tài "Ảnh hưởng của virus ấu trùng túi lên tuổi thọ và một số tập tính của ong mật"

- Trợ lý nghiên cứu cho dự án "A novel defense of honey bees against wasp attacks" của Đại học Guelph, Canada

- Được tài trợ từ Idea Wild cho đề tài "Bước đầu khảo sát sự đa dạng sinh học loài kiến (Hymenoptera: Formicidae) tại Mê Linh, Vĩnh Phúc"

- Đồng tác giả bài báo "A new record of an ant genus Emeryopone Forel, 1912 (Hymenoptera: Formicidae) from Vietnam" đăng trên tạp chí Biodiversity Data Journal.

Sở thích: du lịch

 

Cô gái yêu ong nhận học bổng Tiến sĩ Mỹ gần 3 tỷ đồng - 1

Cô gái sinh năm 1990 mê ong Phan Thanh Ngọc

Niềm đam mê với loài ong

Tốt nghiệp cấp 3 trường THPT Việt Đức, Phan Thanh Ngọc thi đỗ vào lớp đào tạo theo chương trình tiên tiến K53 Khoa Nông học - ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Là một sinh viên Nông học, Thanh Ngọc lựa chọn nghiên cứu về loài ong và các sản phẩm từ ong. Lý giải cho điều này, nữ sinh 9x tâm sự: “Mình yêu thích loài ong từ nhỏ. Ngày bé về quê ngoại chơi, mình thường trèo cây ngó nghiêng, rồi nhiều khi nghịch ngợm, lấy gậy chọc tổ ong rụng xuống.

Có những điều thú vị về loài ong mà bình thường mình chỉ được xem qua chương trình thế giới động vật vì ở thành phố thì lấy đâu ra những thứ sinh động như thế. Cho nên mỗi lần được về quê và có cơ hội tận mắt trải nghiệm thì thích lắm”.

Năm 2011, đề tài "Ảnh hưởng của virus ấu trùng túi lên tuổi thọ và một số tập tính của ong mật" của Phan Thanh Ngọc đã được chọn để báo cáo tại Hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ toàn quốc lần VI.

Năm 2013, sau khi bảo vệ thành công khoá luận tốt nghiệp, Thanh Ngọc nhận được cơ hội làm trợ lý nghiên cứu cho một dự án khoa học về sinh thái ong của Đại học Guelph, Canada.

Ngoài ra, cô còn được tham gia viết một số đề xuất về quy chuẩn trong quá trình sản xuất thức ăn thay thế cho ong và các sản phẩm từ ong, tham gia khoá tập huấn về thụ tinh nhân tạo cho ong chúa, đồng hướng dẫn thực hành cho một số người nuôi ong ở Mộc Châu và Điện Biên.

Cô gái yêu ong nhận học bổng Tiến sĩ Mỹ gần 3 tỷ đồng - 2

Cô gái 9x miệt mài với các công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

 

Và suất học bổng toàn phần danh giá

Với kinh nghiệm nghiên cứu khoa học từ những năm còn ngồi trên ghế giảng đường, Phan Thanh Ngọc từng nhiều lần xin tài trợ thành công cho các dự án nghiên cứu của mình. Đặc biệt, đề tài khóa luận về "Nghiên cứu tập tính ong chúa Apis cerana trong giai đoạn từ vũ hoá tới sinh sản" của cô gái sinh năm 1990 này đã thu hút được sự quan tâm của các giáo sư nước ngoài.

Điều đó đã thôi thúc Thanh Ngọc quyết định nộp hồ sơ xin học bổng VEF của Quỹ Giáo dục Việt Nam và xuất sắc được tổ chức này chấp nhận. Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) là cơ quan chính phủ độc lập được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 12/2000 với sứ mệnh tăng cường mối quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục.

Với học bổng Nghiên cứu sinh toàn phần VEF, Thanh Ngọc được Quỹ hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí trị giá 27.000USD/năm cùng với khoản trợ cấp Phát triển chuyên môn 1.000USD/năm. Bên cạnh đó, trường Pennsylvania State University- nơi Ngọc sang theo học cũng đồng ý miễn hoàn toàn học phí cho cô (khoảng 26.000USD/năm).

Cô gái yêu ong nhận học bổng Tiến sĩ Mỹ gần 3 tỷ đồng - 3

Phan Thanh Ngọc (phải) trong ngày tốt nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Khi được hỏi về những bí quyết trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn xin học bổng, Thanh Ngọc chia sẻ: “Theo mình, việc tìm một mentor (người hướng dẫn) rất quan trọng vì mentor sẽ giúp các bạn có định hướng tốt và lập kế hoạch hợp lý trong quá trình xin học bổng.

Điển hình như trường hợp của mình, nhờ mentors làm nguồn cảm hứng và động lực mà mình xác định được mục tiêu và lập được kế hoạch từ khá sớm, vì thế quá trình xin học bổng của mình (có vẻ) "dễ thở" hơn một số bạn đồng trang lứa”.

Ngọc cũng lưu ý thêm là cần phải viết và chỉnh sửa bài luận học thuật và bài luận bản thân một cách trau chuốt: “Mình tự hoàn thiện cả 2 bài, sau đó bắt đầu gửi đến mentors để nhờ chỉnh sửa, thứ tự là: mentors người Việt (sửa cấu trúc bài viết và đánh giá cách trình bày ý tưởng); bạn nước ngoài (sửa cách hành văn sao cho tự nhiên); thầy cô nước ngoài (đánh giá nội dung bài viết và kiểm tra lại một số thuật ngữ chuyên ngành)”.

Cô gái yêu ong nhận học bổng Tiến sĩ Mỹ gần 3 tỷ đồng - 4

Thanh Ngọc (giữa) trong Chương trình Định hướng trước khi lên đường do Quỹ VEF tổ chức.

 

Ở giai đoạn trước khi phỏng vấn, Thanh Ngọc bật mí một số kinh nghiệm học ôn đã góp phần đem lại thành công cho cô như: lập nhóm để luyện tập theo list câu hỏi do các anh chị đi trước tổng hợp lại, góp ý cho nhau để rút kinh nghiệm; nhờ thầy giáo tiếng Anh luyện cách trình bày sao cho tự nhiên, trôi chảy, dễ hiểu, tạo được bầu không khí sôi nổi, hào hứng cho người nghe và gây ấn tượng tốt với ban giám khảo.

Vào ngày phỏng vấn, Thanh Ngọc đưa ra lời khuyên: “Các bạn cứ tự nhiên, thể hiện tư tưởng cởi mở và bày tỏ thiện chí luôn sẵn sàng học hỏi là được”.

Với học bổng Nghiên cứu sinh toàn phần từ VEF, Thanh Ngọc sẽ theo học tại Pennsylvania State University, chuyên ngành côn trùng học và cô vẫn tiếp tục tập trung nghiên cứu về ong mật.

Chia sẻ về những dự định sau khi hoàn thành khóa học Nghiên cứu sinh tại Mỹ, Thanh Ngọc cho biết cô sẽ về lại trường Nông nghiệp để tham gia công tác giảng dạy và truyền lại kiến thức cũng như những kinh nghiệm mà mình có được cho các bạn sinh viên có tiềm năng và niềm đam mê.

Bên cạnh đó, cô gái 9x này cũng bày tỏ mong muốn được tham gia công tác xóa đói giảm nghèo, lập các dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu để giúp đỡ người dân miền núi nuôi ong và làm giàu bằng các sản phẩm từ ong.

Thanh Ngọc cũng hi vọng có thể thành lập một công ty của riêng mình để đầu tư nghiên cứu và kinh doanh những sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng.

 

Bích Phương

(Ảnh: NVCC)