Chuyên gia GD: Học sinh Việt Nam giỏi nhưng yếu kỹ năng tư duy

(Dân trí) - Vui mừng sau khi học sinh Việt Nam được xếp thứ hạng cao trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2012 nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Thành tích PISA không đánh giá toàn diện học sinh và đừng hân hoan chiến thắng mà quên khắc phục yếu kém.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước: Thành tích PISA không đánh giá toàn diện học sinh!

GS.TSKH Trần Văn Nhung.
GS.TSKH Trần Văn Nhung.

Bất cứ người Việt Nam làm trong ngành giáo dục hay ngoài ngành giáo dục trước kết quả học sinh Việt Nam đạt được như vậy đều rất vui mừng vì đây là kỳ thi tổ chức nghiêm túc, tiêu chí nghiêm túc, đánh giá khách quan. Học sinh Việt Nam được ngồi thi với 65 nước của OECD mà thu nhập bình quân đầu người của mình thấp nhất so với các nước này, đó cũng là niềm tự hào của người Việt Nam.

Nói như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là đúng vì PISA này không phải đánh giá toàn diện nhiều môn mà chỉ đánh giá 3 môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu. Đánh giá 3 môn như thế này không thể toàn diện được vì thế không phải có nghĩa là giáo dục chúng ta đã hơn cả Anh và Mỹ, không nên nói như vậy cần khiêm tốn vì còn nhiều kỹ năng khác học sinh phải học. Chúng ta phải xây dựng nhiều mới theo kịp các nước. Điều đáng mừng là kiểm tra PISA, trong 3 môn thi này, chứng tỏ tư duy học sinh Việt Nam tốt, dạy dỗ tốt nhưng cần cố gắng để cho các môn khác theo kịp học sinh các nước và làm toàn diện hóa học sinh của mình như vấn đề kỹ năng sống, đạo đức, sức khỏe, văn hóa, cảm thụ cái đẹp... và biết hướng thiện.

Kết quả PISA đạt được là ở bậc THCS (15 tuổi) và bậc học này học sinh Việt Nam đã được đánh giá tốt nhưng nhiều ý kiến cho rằng, học sinh Việt Nam học càng lên cao càng kém, ý kiến GS về vấn đề này như thế nào?

Không nên suy diễn như vậy. Bậc THCS (15 tuổi) ta đứng thứ 20 thế giới, lên phổ thông, 17 - 18 tuổi, đại học là kém đi. Theo tôi, không nên đánh giá quá nặng nề như vậy. Chẳng nhẽ chỉ có 1 - 2 năm mà kiến thức bị  tụt hẫng, yếu kém đi là không đúng, là oan. Đánh giá của mình làm sao phải có tình, có lý, có cơ sở khoa học. Mọi đánh giá phải gắn với điều kiện kinh tế xã hội. 65 nước tham gia OECD, mình là nước nghèo nhưng cố gắng đạt thành tích cao phải đáng trân trọng. Chúng ta nên kỳ vọng đầu tư vào kỹ năng khác cho học sinh sau 15 tuổi và những năm sau tốt hơn, sau này ra làm công dân tốt hơn. Bây giờ chúng ta chưa làm ngay được hết nhưng không nên phủ nhận học sinh học càng lên cao càng kém đi.

Thành tích học sinh Việt Nam được xếp thứ hạng cao như vậy, có thể nói chương trình và sách giáo khoa của Việt Nam cũng không thua kém nước bạn nhiều?

Đây cũng là dịp tốt để nhìn nhận lại chương trình và sách giáo khoa hiện nay. Sách giáo khoa của các nước tham gia OECD và của Việt Nam khác nhau nhưng đến bộ đề thi và tiêu chí giống nhau ở cuộc thi. Cân đong đo đếm thấy thứ hạng của mình cũng là thứ hạng cao, điều đó có nghĩa là so với mặt bằng chung thế giới, ít nhất trong 3 môn này, chương trình, sách giáo khoa của mình không phải đáng buồn lắm vì nếu buồn đi thi sẽ hụt hẫng ngay. Tuy nhiên, sách giáo khoa vẫn còn nhiều hạt sạn, cần đầu tư nhiều cho biên soạn SGK, có thể nhiều bộ sách giáo khoa và lồng ghép nhiều môn học để kiến thức khỏi nặng.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Đừng hân hoan chiến thắng mà quên khắc phục yếu kém!

Xét về khía cạnh, học sinh Việt Nam vốn có khả năng lôgic về toán nhưng lại yếu về mặt khác nhất là tư duy tổng hợp. Do đó, chúng ta vui về thành tích đạt được nhưng không vì đó mà yên tâm được với nền giáo dục Việt Nam. Chuyện học sinh Việt Nam giỏi toán không còn lạ.

Chúng ta có nhiều học sinh cấp III giỏi Toán nhưng phần lớn khi lớn lên các em lại không làm toán nữa vì trên thực tế các lĩnh vực đó có phần nào đó thiệt thòi nghèo hơn các ngành khác. Do đó, nhiều “mầm mống” giỏi toán, giỏi lĩnh vực khoa học tự nhiên không theo ngành mình thích mà đi theo ngành kinh tế và ngành khác. Thực sự lãng phí tiềm năng này. Đó là do xã hội.

Học sinh Việt Nam khi bước vào xã hội thường thiếu kỹ năng mềm. Do đó, các nhà quản lý phải khắc phục những yếu kém đó, phát huy ưu điểm mà học sinh Việt Nam đã có. Bên cạnh đó, học sinh Việt Nam được xếp thứ hạng cao ở PISA cũng là khẳng định mặt mạnh đó nhưng cũng đừng vì thế mà hân hoan chiến thắng không khắc phục yếu kém.

Cũng với câu hỏi học sinh học càng lên cao càng yếu kém đi, GS Quân cho rằng: “Học càng lên cao càng đòi hỏi tư duy tổng hợp mà tư duy này ở Việt Nam không được rèn luyện nhiều lắm. Đây là cái khó khăn của ta hiện nay, thiếu cái này thì khó đi xa được. Lâu nay, chúng ta rất coi trọng kiến thức nhưng ít quan tâm tới vấn đề về kỹ năng. Trong chương trình nặng về kiến thức, kiểm tra thi cử cũng nặng về kiến thức. Kiến thức cần áp dụng nhiều vào thực tế mà trong khi đó kiến thức cần nhiều kỹ năng. Do đó, cần xác định lại mục tiêu nội dung chương trình hiện nay, cần thay đổi để xây dựng con người là con người Việt Nam như thế nào?”.

Hồng Hạnh (ghi)