Chuyện bù lỗ giáo dục ở Đức

(Dân trí) - Kiến thức phổ thông tới trung học ở Đức không sinh lời ra tiền bạc như việc học sau phổ thông là Hệ công nhân kĩ thuật hay đại học, sau đại học, nhưng nó lại sinh lợi vô cùng lớn lao cho toàn xã hội.

 
 
 
 
Kỳ V: Năm mươi năm, trăm năm trồng người 
 
Năm đó, tại thành phố Potsdam, con gái tôi dự tuyển vào Trường thí nghiệm hệ 12 năm, hệ Gymnasium, bỏ qua lớp sáu và lớp bẩy và, cháu trượt. Đây là hệ trường chuyên mà nước Đức từ hệ 13 năm bấy nay, muốn quay lại hệ 12 năm như thập kỉ 50. Theo giáo viên hướng dẫn của dự án này, trước thực tế hệ 13 năm tiêu tốn quỹ một năm của đời người, nên nước Đức muốn thí nghiệm... Vậy là, có thể hiểu rằng, nền giáo dục của Đức không phải là không khiếm khuyết, mâu thuẫn so với thực tế đời sống, khi nạn thất nghiệp quá nhiều mà tuổi lao động tới 35 đã là già, khó xin được việc làm! Cũng như vậy, giáo viên nhà trường con tôi nói, chương trình giáo khoa nhiều khi có điểm bất cập và Hội đồng nhà trường có quyền sửa chữa, thay đổi, khi có những luận cứ chính xác. Nhưng một điều đáng quan tâm là, nhà nước Đức chủ trương từ năm mươi năm qua, hoàn toàn chưa có thay đổi là: Việc đào tạo phổ thông hoàn toàn miễn phí và nhiều việc bao cấp, bù lỗ. (2)
 
Tôi hỏi lại, ngay từ khi thành phố Berlin còn là đống gạch vụn, thì việc giáo dục đào tạo phổ cập cho trẻ em, những tháng năm sau đó, của cả hai nhà nước Đông và Tây Đức vẫn hoàn toàn miễn phí. Thực chất, kiến thức phổ thông tới trung học ở Đức không sinh lời ra tiền bạc như việc học sau phổ thông là Hệ công nhân kĩ thuật hay đại học, sau đại học, nhưng nó lại sinh lợi vô cùng lớn lao cho toàn xã hội. Một đứa trẻ không có kiến thức phổ thông ví như hòn đá trơ lì, mông muội và truội khi “nước” đổ vào. Còn một đứa trẻ được khai hóa, học hết phổ cập, nó như miếng xốp. Miếng xốp thẩm thấm được mọi quy phạm của xã hội, luật pháp và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội; nó làm trình độ dân trí toàn nước ở một mức mà xã hội ở nước phát triển đòi hỏi. Chính sự giáo dục miễn phí xác lập một cách không nói suông rằng, khi đã sinh ra, nghèo cũng như giàu, người ta có Quyền được học hành. Quyền lợi hay bắt buộc phải đi học, khi còn ở độ tuổi đi học. Luật pháp Đức như vậy.
 
Con gái tôi từ mẫu giáo tới khi hết phổ thông và tới tận đại học sẽ không phải đóng học phí. Những chi phí phát sinh như đi thăm quan, cắm trại v.v... cha mẹ đều có công ăn việc làm thì đóng tiền. Những gia đình chỉ có thu nhập thấp, bằng mức tối thiểu mà Đức quy định ở từng miền, thì được miễn phí, những cú đi thăm quan hay cắm trại dù tận nước ngoài. Ví như vé tàu xe, tiền ngủ ở Hotel đều được Sở Lao động thanh toán lại.
 
Một việc không phân chia giàu nghèo là bố trí tuyến Bus đưa đón học sinh trong thành phố. Tất cả  các trường, giờ đến học và tan học, đều có chuyến xe Bus, để học sinh có thể tới trường, hay về nhà, bằng xe công cộng. Dù ngôi trường heo hút trong rừng, thì điểm đỗ này vẫn được bố trí. Như vậy về kinh tế, tất nhiên điểm đỗ này phi lợi nhuận và phải được bù lỗ cho Công ty Bus. Tôi ở Đức hai mươi năm. Trường con gái tôi hai lần sửa chữa. Lần gần đây nhất, họ làm ngôi trường trở nên mới tinh, thay da đổi thịt, bọc ngoài thêm lớp xốp cách nhiệt và nhiều hệ thống điện tự động tiên tiến. Lễ khánh thành, trường mời ông thị trưởng và tất cả phụ huynh học sinh tới. Hỏi ra mới biết, chi phí này rót từ chính phủ bang xuống một nửa, còn một nửa là xin ở ngân quỹ địa phương. Nửa số tiền hơn chục triệu Euro này cắt từ quỹ địa phương, một thành phố chỉ có hai vạn dân?
 
Nhìn lại nuớc Đức với nhiều chính sách của họ như: giáo dục miễn phí, sử dụng quay vòng sách giáo khoa cũ cả chục năm, bù lỗ cho các ngày học ngoại khóa, phương tiện công cộng cho học sinh cũng được giảm giá.v.v..., tôi nghĩ rằng, chính sách phi thị trường giáo dục, nó là thiên đường của trẻ em. Thiên đường từ khi nước Đức vừa thoát ra khỏi đống gạch hoang tàng của thế chiến, chứ không phải là giàu như hôm nay mới làm. Vì sao họ lại làm như vậy, dù là càng phát triển cơ chế Thị trường cao độ, khi mọi động thái xã hội thị trường của họ đều được tính lời tới từng cent?
 
Tôi viết bài viết này, không mong tất cả vụt thay đổi ở ngành giáo dục. Vì có lẽ việc nhận thức, đổi thay, nắn sửa Nền giáo dục phổ cập trở thành Công nghệ giáo dục như nước Đức cần có thời gian. Nhưng theo tôi, có hai việc phải làm ngay là về cơ bản Không Thị trường nền giáo dục trong hệ thống giáo dục công, bằng biện pháp mở rộng hệ thống giáo dục tư thục, cuốn hút tiền của nhà giầu trong thành thị, để bớt tải cho Nhà nước. Phát triển hệ giáo dục công ở nông thôn và hoàn toàn miễn phí học tập cho con em nông dân, công nhân nghèo. Nhất là con em nông dân, đối tượng thuộc nhóm nghèo nhất xã hội bây giờ, nhưng lại là động lực quan trọng ở một đất nước 80% là nông dân.
 
⃰(2)- Việc đào tạo đại học tại Đức trước đây hoàn toàn miễn phí. Gần đây tại từng tiểu bang có thực hiện luật mới, như tại Berlin sinh viên phải đóng một khoản phí cũng không cao lắm. Nhưng nước Đức vẫn duy trì khuyến học trong: bao cấp ăn ở căng tin và ở tại kí túc xá hoàn toàn bù lỗ. Chế độ tàu xe giảm giá, du lịch giảm giá, và đặc biệt miễn thuế hoàn toàn với sinh viên khi đi làm hè, thực tập. Nước Đức cho phép người ta vay tiền ngân hàng không tính lãi cho việc học đại học và, đặc biệt được nhận 178 Euro một đứa trẻ từ khi sinh ra tới năm 27 tuổi, gọi là Tiền trợ cấp trẻ em, nếu nó còn đi học, bất luận giàu nghèo.
 
Ở CHLB Đức hơn 100 năm nay tồn tại một hệ thống nhà trường phổ thông phân hóa thành 3 nhánh cơ bản ở cấp trung học cơ sở: trường Hauptschule, trường Realschule và trường Gymnasium, như vậy sẽ cho học sinh ra đời với ba loại bằng tốt nghiệp khác nhau, chúng cho trẻ em tới những hướng khác nhau, cung cấp đúng nhu cầu của xã hội với tương đối đúng khả năng của người ta sau khi ra trường.
 
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ