Chuyện “bánh mì xịt” của Đinh Văn Tre

(Dân trí) - Tre kể: “Em ăn bánh mì xịt hoài thôi”. Hỏi: “Là bánh mì của… Trung Quốc à?”. Tre cười hồn nhiên: “Không phải của Tàu đâu, bánh mì “Made in Vietnam” nhưng không có thịt mà chỉ có “xịt” - xịt nước xì dầu ấy mà”.

Đinh Văn Tre, sinh năm 1982, người thôn Xà Ruông, xã Sơn Tinh, huyện vùng cao Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi. Tre là người Ca Dong đầu tiên thành kỹ sư nông nghiệp kể từ sau ngày tách huyện Sơn Tây (1994). 
 
Kỹ sư nông nghiệp bây giờ đông như lá rừng nhưng với người Ca Dong thì lại rất hiếm. Nếu Tre là con một vị chức sắc nào đó trong huyện thì việc trở thành kỹ sư của anh ta cũng là chuyện bình thường, nhưng đây là con của một nông dân Ca Dong chính hiệu mới là điều đáng nói. 
 
Chuyện “bánh mì xịt” của Đinh Văn Tre - 1

Kỹ sư trẻ Đinh Văn Tre

 

Tre kể: “Em ăn bánh mì xịt hoài thôi”. Hỏi: “Là bánh mì của… Trung Quốc à?”. Tre cười hồn nhiên: “Không phải của Tàu đâu, bánh mì “Made in Vietnam” nhưng không có thịt mà chỉ có “xịt” - xịt nước xì dầu ấy mà. Một nghìn một ổ”. Ra thế! Tức là “bánh mì chay” - loại bánh mì rẻ nhất trong các loại bánh mì hiện nay.  

 

Tre kể thêm: “Học ở Huế 5 năm mà em không biết Đại Nội nó như thế nào cả. Em cũng muốn vô chỗ đó cho biết nhưng nghe nói phải mua cái vé hết 30 ngàn, bằng 30 ổ bánh mì xịt rồi. Chả lẽ phải nhịn ăn sáng 30 bữa để xem chỗ vua ở thì thương cái bụng đói của mình quá”.

 

Nghe Tre tâm sự mà thương. Ba chục ngàn hiện nay chỉ đủ hai ly cà phê hạng trung, vậy mà đối với Tre là cả một bài toán khó. Bố mẹ làm nông, lại đèo bòng cô vợ và một đứa con nên 30 ngàn với Tre là một khoản tiền không hề nhỏ. 

 

Nhiều người trố mắt khi nghe Tre khai là đã có con ngay từ  thời đi học. Kể về đứa trẻ ở  nhà Tre bùi ngùi cho biết: “Mỗi lần về hè hay về Tết, thằng cu con em nó lục khắp túi xách để tìm kẹo. Lục mãi chẳng thấy, nó bảo: “Ba gì mà không mua kẹo cho con!”. Em chỉ biết cười trừ thôi”.  

 

Nhà Tre ở tận xã Sơn Tinh, chưa có đường ô tô đến được nên mỗi lần ra Huế, hoặc từ  Huế về, Tre phải cuốc bộ khoảng 25km mới tiếp cận được với tuyến đường có ô tô khách. Khó khăn trong việc đi lại không chỉ với riêng Tre mà còn với cả người cha của anh nữa. Tre kể: “Ba em mỗi lần bán được củ mì hay con heo con gà ông lại đi bộ 40-50 cây số xuống thị trấn Di Lăng thuộc huyện Sơn Hà để gửi tiền cho em, sau đó lại phải đi bộ về”.  
 
Chuyện “bánh mì xịt” của Đinh Văn Tre - 2

Tre bây giờ đã là cán bộ của Phòng Nông nghiệp, người "phiên dịch" chính trong các cuộc trò chuyện với người dân Ca Dong

 

Kể về những khó khăn khi tiếp cận với cuộc sống và học tập, Tre hồn nhiên cho biết: “Hồi mới ra Huế, em nghe không được giọng Huế nên rất khó khăn trong sinh hoạt. Có cô giáo người Huế hỏi: “Quê em ở mô?”. Em trả lời: “Dạ thưa cô, em chưa mua ạ”. Cô giáo chẳng hiểu là em nói gì. Sau này khi đã nghe quen giọng Huế, em mới khai thiệt với cô giáo là hồi đó em cứ tưởng cô hỏi em mua xà phòng Ô mô chưa nên em mới trả lời như vậy”. Nghe giọng Huế đã khó, nói gì nghe tiếng Anh. Thế mà Tre đã vượt qua tất cả để lấy được tấm bằng kỹ sư mà không phải nợ một môn nào.  

 

Hay tin dân Ca Dong có một kỹ sư đang xin việc ở  huyện, ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây “lùng” cho được và đề nghị Phòng Nông nghiệp huyện nhận về. Tre bây giờ đã là cán bộ của Phòng Nông nghiệp, người “phiên dịch” chính trong các cuộc trò chuyện với dân Ca Dong chung quanh chuyện đền bù giải tỏa đường Đông Trường Sơn đang xuyên ngang qua huyện hiện nay.  

 

Đinh Văn Tre bây giờ cũng không còn phải ăn “bánh mì xịt” nữa nhưng mỗi khi nhớ về quãng đời sinh viên thì hình ảnh chiếc bánh mì rưới nước xì dầu ấy lại hiện lên, nhắc anh chàng kỹ sư người Ca Dong này về một thời gian khổ để vững lòng bước tiếp đến tương lai. 

 

Trà Ban