Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:

Chương trình tích hợp là thử nghiệm cần thiết

Có thể nói, chưa bao giờ yêu cầu đổi mới, cải cách nền giáo dục lại trở nên cấp bách như trong thời điểm hiện tại. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục như một mệnh lệnh bắt buộc từ cuộc sống.

ảnh
Mệnh lệnh ấy, đã được thể hiện với quyết tâm chính trị cao nhất thông qua việc Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) ban hành Nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến (ảnh) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Đổi mới giáo dục dường như đang là mệnh lệnh bắt buộc của toàn xã hội. Không khí có vẻ khẩn trương, dồn dập nhưng thực tế triển khai dường như chưa như mong đợi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành trung ương khóa 11 đã có Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Thực tiễn đặt ra và nhiều năm hoạt động giáo dục cho thấy rằng chúng ta không thể không đổi mới, đó là nhu cầu bắt buộc, nhu cầu tự thân của đất nước nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa xây dựng đất nước.

Có quá nhiều yêu cầu đặt ra cho cuộc “chấn hưng” giáo dục lần này. Theo ông, đâu là những vấn đề cần tập trung đột phá?

Chấn hưng giáo dục thì có rất nhiều nội dung, yêu cầu nhưng tôi thấy cần đột phá nhất ở 3 điểm. Thứ nhất, đó là đổi mới chương trình. Sau nhiều năm tổng kết lại thì thấy rằng chương trình GD - ĐT đã quá lạc hậu so với yêu cầu đổi mới đất nước, yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa. Thứ hai là chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa nói chung chưa đáp ứng được. Ngay cả chương trình đại học cũng lạc hậu. Vì thế, chương trình đạo tạo của chúng ta và bằng của chúng ta cấp không tương thích với bằng nước ngoài nên không được các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới công nhận. Vì chương trình và SGK còn lạc hậu như vậy nên chúng ta không có được những trường đứng ở những top đầu của thế giới. Một vấn đề nữa là, bên cạnh đổi mới chương trình, SGK, phương pháp giảng dạy thì phải cần đổi mới Hệ thống đánh giá khảo thí kiểm định chất lượng và cấp văn bằng chứng chỉ.

Có một thực tế đáng quan ngại là dường như, những đổi mới và chỉnh sửa không mấy thành công trong quá khứ khiến dư luận đang rất dè dặt và đặt ra nhiều nghi ngại cho các quan điểm và đề xuất liên quan đến cải cách, đổi mới giáo dục thời gian vừa qua. Thực trạng này liệu có “kéo lùi” cũng như làm “mất lửa” của những tinh thần và tâm huyết muốn đóng góp tâm sức góp phần thay đổi hiện trạng nền giáo dục nước nhà?

Tôi cho rằng chúng ta cũng không nên cực đoan. Nền giáo dục của chúng ta trong thời gian vừa qua có ý kiến đánh giá là chững lại, có ý kiến đánh giá là thụt lùi. Bản thân tôi cho rằng đánh giá như thế là hơi cực đoan. Phải thấy rằng nền giáo dục của chúng ta có những bước phát triển, tuy nhiên so với yêu cầu thì còn cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Nếu nền gíáo dục của chúng ta không phát triển thì tại sao lại đạt được những kết quả rực rỡ tại các kỳ thi quốc tế ở nhiều môn học, rất nhiều giáo sư của chúng ta đi giảng dạy ở nước ngoài, sinh viên của chúng ta đi thi quốc tế đạt giải cao…? Chính vì vậy, nếu nói chững lại hay thụt lùi trong thời gian vừa qua tôi không đồng ý vì nhận định như thế là cực đoan. Tuy nhiên nếu như chúng ta không đổi mới giáo dục một cách căn bản toàn diện thì nền gíáo dục sẽ chững lại không theo kịp với nền giáo dục khoa học công nghệ trên thế giới, họ sẽ phát triển như vũ bão còn chúng ta sẽ phát triển chậm hơn, và chúng ta sẽ không đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nay đến năm 2020. Vì thế Đảng ta mới ban hành Nghị quyết đổi mới giáo dục căn bản toàn diện.

Được biết, TPHCM đã chấp thuận chủ trương đưa vào triển khai chương trình tích hợp giữa Chương trình Quốc gia Anh và Chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam ở cả ba cấp học cho các môn Toán, Tiếng Anh, Khoa học. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đây là chủ trương rất đúng đắn, chúng ta tận dụng tri thức của nhân loại được các nước đúc kết rất lâu nay là điều rất tốt. Tại sao chúng ta không tiếp thu, học tập và phát huy những tinh hoa tốt đẹp của thế giới, nhất là các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, khoa học… Tuy nhiên chúng ta không bê nguyên xi mà phải tiếp thu có chọn lọc sao cho phù hợp với với điều kiện kinh tế, văn hóa, con người Việt Nam. Tôi ủng hộ chủ trương của TPHCM và mong rằng sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều địa phương khác trong cả nước.

Chúng ta vẫn thường có quan điểm rằng đừng đem học sinh ra làm thí nghiệm. Thế nhưng trong chừng mực nào đó, có thể xem những chương trình thí điểm như chương trình tích hợp này là phép thử cần thiết và phù hợp với thực tiễn giáo dục nước ta hiện tại. Ông có đồng tình với quan điểm này?

Tôi cho rằng cái gì ban đầu mới thì cũng cần có thử nghiệm bước đầu. Tuy nhiên chúng ta không nên nói là đem học sinh ra làm thí nghiệm mà ở đây là thử nghiệm hoặc thí điểm, nghĩa là chúng ta đã có lý thuyết rồi và chúng ta đưa vào thực tiễn, qua thực hành ở thực tiễn chúng ta đúc rút ra đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu để từ đó biết được cần phải rút kinh nghiệm cái gì rồi chúng ta bổ sung… Nếu như không có bước mạnh dạn đưa vào thử nghiệm hoặc thí điểm ở một số trường thì chúng ta không thể có bài học thực tiễn. Vì thế tôi cho rằng nên làm và thử nghiệm là bước cần thiết, tất nhiên nên thận trọng. Khi có kết quả tốt rồi thì chúng ta sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Thu Hà