Chương trình môn Ngữ văn mới: Nên tháo ra làm lại?

(Dân trí) - Đó là quan điểm của một số chuyên gia đầu ngành về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn. Theo các chuyên gia này, dù đã rất cố gắng nhưng Ban soạn thảo nên tháo ra làm lại vì dự thảo chương trình chưa đạt yêu cầu.

Chương trình nặng, thiếu giáo dục thẩm mỹ

Ngày 22/3, Hội đồng Lý luận và Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức tọa đàm đánh giá chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới.

Theo PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Trường ĐHQG Hà Nội, điểm bất ổn nhất của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới là Ban soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành những phần tách bạch, làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn.

Trong đó, phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện, đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.

Từ đầu đến cuối, chương trình quan điểm dạy kĩ năng theo 4 khâu đọc, viết, nghe, nói môn Ngữ văn giống như môn Ngoại ngữ là không logic bởi đây là môn học dạy cho người bản ngữ, học trong 10 năm có tính chất bản lề để hình thành nhân cách thì phần kĩ năng lại lấn át phần cảm thụ.

Về yêu cầu kiến thức, theo ông Long, dự thảo chương trình đặt ra yêu cầu cao. Chương trình dành cho học sinh THCS cũng có những điểm chưa phù hợp cả về nội dung và thời lượng, chẳng hạn như kiến thức về lịch sử văn học lẫn dân tộc, yêu cầu cần đạt rất cao trong khi nội dung chuyên đề khó đáp ứng được yêu cầu như vậy.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề xuất đưa tác phẩm về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK Ngữ văn mới.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề xuất đưa tác phẩm về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK Ngữ văn mới.

Về thời lượng các môn học, ông Long cho rằng cần xem xét lại. Ví dụ, ở lớp 1, môn tiếng Việt học 5 tiết/ngày, như thế là quá nặng nếu học sinh học 1 buổi/ngày.

Ở bậc THPT, thời gian học môn Văn ít hơn (1 tiết/ngày kèm theo 35 tiết cho 3 chuyên đề, nghĩa là mỗi chuyên đề khoảng 12 tiết kể cả kiểm tra, đánh giá). Sự tích hợp ở môn học này khó đạt kì vọng như dự kiến.

Đồng quan điểm trên đây, GS.TS Lã Nhâm Thìn (Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết, chương trình phổ thông môn Ngữ văn mới không quyết định được nội dung dạy học mà chỉ cần đạt các kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết là chưa hợp lý.

Đặc thù của môn Ngữ văn là giáo dục tư tưởng, do đó chương trình cần đạt được mục tiêu giáo dục thẩm mỹ và giáo dục tư tưởng, chứ không chỉ có nghe, nói, đọc, viết.

GS Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) góp ý, đây là công trình công phu nhưng cần bổ sung. Thứ nhất những gì quá khó, chưa phù hợp với học sinh thì không nên đưa vào, chẳng hạn về lý luận văn học, các bài thơ chữ Hán…

PGS.TS Nguyễn Bá Thành
PGS.TS Nguyễn Bá Thành

Nên tháo ra làm lại

PGS. TS Lê Quang Hưng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, chương trình ngữ văn mới có các ưu điểm là có tính mở và liên kết, liền mạch theo hướng nâng cao và hoàn thiện năng lực kỹ năng cho học sinh các cấp phổ thông.

Tuy nhiên, ông cho rằng kiến thức văn học mang tính cơ sở cần thiết về lý luận văn học lại rất ít, rất nhạt. Kiến thức về từng thể loại văn học chưa được thể hiện rõ.

Ông cũng đề xuất không nên đưa Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật và Phong cách Hồ Chí Minh vào lớp 6-7. Các tác phẩm Chiều tối; Chinh phụ ngâm; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Tuyên ngôn Độc lập... không nên đưa vào lớp 8-9 vì học sinh chưa đủ trình độ, vốn sống để cảm nhận.

Cũng đề xuất đưa thêm nội dung tác phẩm vào dự thảo chương trình môn Ngữ Văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Tôi được biết, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được đưa vào môn Địa lý và Lịch sử. Nhưng chương trình môn Ngữ văn lại không thấy có. Chúng ta cũng cần phải giáo dục cho học sinh về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong chương trình Ngữ văn thông qua những bài thơ, bài văn”.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Bá Thành (ĐHQG Hà Nội) nhận xét: “Ban soạn thảo đã vô cùng cố gắng nhưng tôi nghĩ cần phải làm lại vì đây chỉ là yêu cầu đạt được chứ không phải chương trình cụ thể.

Chương trình chỉ có 2,5% là phần “cứng” thì không thể gọi là chương trình. Cần phải có các tác phẩm ưu việt nhất để bổ sung vào chương trình. Nếu để học sinh và giáo viên đề xuất tác phẩm giảng dạy thì vô cùng nguy hiểm và dân chủ như thế là quá mức”.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Trần Ngọc Vương (Trường ĐHKH&XHNV - ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng cần tháo dự thảo chương trình này ra để làm lại, trong đó cần tiến hành khoa học hơn, rõ ràng hơn.

Trước những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, GS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn cho biết: Lỗi của chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ SGK nên mới sinh ra bộ SGK cơ bản và SGK nâng cao.

Việc xây dựng một chương trình có nhiều bộ SGK dựa trên các nghị quyết của Đảng. Độ mở của chương trình đáp ứng việc biên soạn nhiều bộ sách và tăng tính tự chủ trong SGK. Bộ phận soạn thảo không thể bao quát hết tất cả các tác phẩm văn học, chương trình chỉ đưa ra định hướng lớn. Còn việc lựa tác phẩm văn học tự chọn và tác giả để đưa vào giảng dạy trong nhà trường đã có những tiêu chí cụ thể.

Mỹ Hà