ĐBSCL:

Chung tay giải quyết vấn nạn học sinh bỏ học

(Dân trí)-Hiện nay tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn cao, nhưng nhìn chung con số này đang giảm dần. Để giải quyết triệt để vấn nạn này thì mối gắn kết giữa gia đình, nhà trường và công tác khuyến học cần “sâu đậm” hơn nữa.

Để tìm hiểu về nguyên nhân học sinh bỏ học nhiều cũng như tìm hiểu những cách làm hay góp phần vào công tác chống học sinh lưu ban bỏ học, PV Dân trí tìm về tỉnh An Giang và Kiên Giang… tìm hiểu chung quanh vấn đề học sinh bỏ học và những cách làm hiểu quả trong việc vận động các em học sinh bám chữ, trở lại trường.

An Giang: Sợ thất nghiệp, bỏ học đi học nghề

PV tìm đến nhà chị Trần Thị Đảo (34 tuổi, ngụ tổ 8, Khóm Xuân Hiệp) thì được biết, chị có con gái là Lương Thị Kim Mạnh (học lớp 9 Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Tịnh Biên) vừa nghỉ học được một tuần. chị Đảo cho biết, nguyên nhân chính em Mạnh bỏ học không phải gì gia đình không có điều kiện mà do em đã thấy hai người anh em họ học xong đại học mà xin việc làm khó khăn, đến khi xin vào làm được thì nợ ngân hàng chồng chất đến giờ vẫn chưa trả xong.

Thêm vào đó, chị Đảo đọc báo, nghe đài thì thấy tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm nên em Mạnh đã xin gia đình nghỉ học để theo học nghề của mẹ mình là làm móng tay, cắt tóc và trang điểm. “Em thấy mấy anh chị học nghề của mẹ em đều có trình độ lớp 11 và 12 nhưng cũng đi học nghề, em sợ học tiếp sẽ lãng phí và cũng bị thất nghiệp như mấy anh chị nên em chọn học nghề sớm để sau này có nghề nghiệp ổn định” - em Mạnh vui vẻ nói.

Chung tay giải quyết vấn nạn học sinh bỏ học

Vì sợ con gái học xong, không tìm được việc làm như hai chị họ nên chị Đảo đồng ý cho em Kim Mạnh nghỉ học dù suốt 8 năm qua em luôn là học sinh giỏi.

Theo gia đình cho biết, em Lương Thị Kim Mạnh là học sinh giỏi từ nhỏ đến lớn, em rất say mê học tập. Vì vậy, trong 8 năm học qua em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi nhất, nhì của lớp. Nhưng vì tâm lý sợ con gái đi học cao rồi cuối cùng thất nghiệp như các anh chị họ và mấy em học viên của chị Đảo nên chị đồng ý cho em Mạnh nghỉ học nửa chừng.

Còn trường hợp của em Phạm Mỹ Liên, lớp 6A4 Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Tịnh Biên nghỉ học vì lí do gia đình quá khó khăn, chung quanh không có ai “tiếp sức” để em được trở lại trường dù sách vở em đã đóng lại cho vào tủ 1 tháng qua.

Anh Phạm Văn Quang (ba em Liên) cho biết, gia đình sống bằng nghề làm thuê mướn rất khó khăn nhưng phải nuôi 2 con ăn học (một đứa đang học lớp 9 và đứa học lớp 6) và một em đang bị bệnh tâm thần. Vì vậy, để có tiền lo đủ cho cuộc sống hàng ngày đã khó rồi, cho hai đứa đi học nữa thì khó khăn trăm bề mà gia đình anh thì vẫn chưa được địa phương xác nhận hộ nghèo nên khó khăn chồng chất, buộc tui phải đồng ý cháu Liên nghỉ học một tháng nay.

Chung tay giải quyết vấn nạn học sinh bỏ học

Em Liên cho biết em rất ham học nhưng vì gia đình khó khăn, chung quanh không ai tiếp sức nên em đành bỏ học.

Anh Quang nói tiếp: “Tôi rất muốn cho con mình ăn học đến nơi, đến chốn lắm nhưng hoàn cảnh khó khăn vậy, bản thân nó (em Liên - PV) thì cũng bệnh tật thường xuyên. Khi nó nghỉ học thì giáo viên gửi giấy kêu ký tên mà tôi không có ở nhà nên khi về thì biết đó là giấy xác nhận lý do cho em nó nghỉ học”.

Em Liên tuy học không giỏi nhưng rất ham học. Theo lời em kể thì từ khi nghỉ học được vài ngày thì giáo viên và địa phương không có vào động viên em học trở lại trường mà chỉ gửi giấy xác nhận nghỉ học cho chị em là Phạm Thị Mỹ Linh (lớp 9 cùng trường với em) rồi ký tên mà thôi.

Trao đổi với PV, ông Võ Ngọc Xuân - phó Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tịnh Biên cho biết, năm học 2011 - 2012, với 33 điểm trường Tiểu học của huyện có 287 em nghỉ học, chiếm tỷ lệ 2,47% thì năm học 2012 - 2013 chỉ còn 210 em, chiếm tỷ lệ 1,80% (tỉnh là 2%). Tình đến thời điểm này, cấp THCS có học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ 4,45% so với tổng số học sinh toàn huyện mà hạn mức cho phép của tỉnh là 6%.

Nói về nguyên nhân làm các em học sinh nghỉ học, ông Xuân cho biết: “Có thể nói hiện nay có 5 nguyên nhân chính dẫn đến học sinh bỏ học đó là: gia đình không cho đi học; nhà nghèo; nhà xa đi lại khó khăn; học kém chán học và gia đình bỏ địa phương đi làm ăn xa từ 6 tháng trở lên. Để ngăn chặn vấn nạn này “tái phát” trở lại thì cần phải có chiến lược và kế sách lâu dài và sự gắn kế giữa nhà trường, gia đình và công tác khuyến học ở mỗi địa phương càng gắn chặt hơn nữa thì mới có thể giải quyết được vấn đề”.

Kiên Giang: Cần xem lại mục tiêu phổ cập bậc THCS

Trong các tỉnh ở khu vực ĐBSCL, tỉnh Kiên Giang được xem là “vùng đất mới” nên điểm xuất phát trong mọi lĩnh vực hầu như xếp sau các tỉnh trong vùng. Vì thế, sự nghiệp “trồng người” của Kiên Giang cũng nằm trong quỹ đạo đó, bởi thế thời gian qua công tác dạy và học còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là sự nhiệt tâm của người đầu tàu trong ngành giáo dục… đã giúp sự nghiệp “trồng người” đạt những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học, giảm dần theo từng năm học.

Dẫn chứng vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Với cái khó thực tế của địa phương, nhưng trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 chúng tôi xác định tỷ lệ học sinh bỏ học trong toàn tỉnh từ 5% trở xuống. Và thực tế trong 3 năm học qua, chúng tôi đã làm được việc này, con số học sinh giảm dần, cụ thể như tính đến tháng 11 năm học 2013 - 2014 tỷ lệ học sinh bỏ học cấp tiểu học là 0,77% (năm học 2012 là 0,99%); ở cấp THCS là 3,16% (năm học 2012 là 3,71%); cấp THPT  là 4,16% (năm học 2012 là 4,97%).”

Dù gia đình khó khăn nhưng vợ chồng anh

Dù gia đình khó khăn nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Cảnh (xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) quyết tâm cho các con ăn học đến cùng.

Để giảm dần được tỷ lệ học sinh bỏ học, bà Giang cho biết chính bản thân bà đã phải xuống tận những địa phương có tỷ lệ học sinh bỏ học cao như huyện Hòn Đất, An Minh và những vùng có kinh tế biển, trồng lúa… để xác định nguyên nhân học sinh bỏ học, từ đó phối hợp với các ban ngành đoàn thể liên quan lên “kế sách” chi tiết, thiết thực cho từng địa phương, đối tượng để phân công các giáo viên thường xuyên đến gia đình các em thăm hỏi và vận động các em bám trường, trở lại lớp học.

Cụ thể vấn đề này, thầy Trần Khắc Hà - Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Đất (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Với trường THPT Hòn Đất, tỷ lệ học sinh bỏ học đang giảm dần theo từng năm học. Như năm học 2011 - 2012 toàn trường có đến 29 em bỏ học và trong năm học 2012 - 2013 giảm còn 20 em nhưng chúng tôi thấy lạ là số học học sinh bỏ học chỉ tập trung vào khối lớp 10. Và chúng tôi đi tìm hiểu mới biết nguyên nhân chính các em bỏ học là do học lực yếu kém rồi các em tự ti bỏ học và đây cũng là kết quả của việc phổ cập “ào ạt” ở bậc THCS trong thời gian qua. Khi xác định được nguyên nhân, chúng tôi phân nhóm học lực thành 3 nhóm: giỏi, khá và trung bình để có phương pháp dạy cho phù hợp. Với các em nằm trong nhóm học lực trung bình thì chúng tôi bố trí giờ học phụ đạo và có cách giảng dạy riêng để giúp các em “vá” những kiến thức đã hỏng mà theo kịp bạn bè.”

Dù gia đình khó khăn nhưng vợ chồng anh

Em Nguyễn Bình Vĩ vừa nghỉ học 2 tháng để cùng mẹ ra bến tàu biển Kiên Giang mưu sinh bằng nghề chạy tàu.

Nhìn chung về nguyên nhân bỏ học, theo bà Giang mỗi địa phương sẽ có những nguyên nhân khác nhau, nhưng chung quy lại ý thức cho con học hành đến nơi đến chốn của một số phụ huynh vẫn còn kém; cái nghèo, học yếu và học sinh bỏ học đi học nghề “gia truyền” cũng là những nguyên nhân phổ biến mà nhiều địa phương đang mắc phải.

Tại Kiên Giang, một số địa phương có ngành kinh tế biển, số em học lớp 6, lớp 7 gia đình bắt các em bỏ học, cho xuống tàu huấn luyện nghề ngư phủ mỗi ngày một gia tăng. Khi các giáo viên đến vận động, đa số các phụ huynh cho rằng, ở lứa tuổi này các em rất dễ thích nghi với sóng biển (về cơ địa, ý thức, dể dạy…), hơn nữa nếu để các em đến tuổi 15 - 16, các em không nghe lời gia đình, gặp một hai trở ngại là bỏ cuộc, đâm ra lêu lổng…gia đình còn khổ hơn.

Từ thực tế này, bà Giang kiến nghị nhà nước cần xem lại mục tiêu giáo dục phổ cập THCS để làm gì? Và cần bổ sung thêm vào đề án dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay (Theo QĐ 1956/QĐ - TTg, ngày 27/11/2009) vì thực tế người học và người dạy theo đề án này thì được nhà nước hỗ trợ, nhưng người học sau khi có chứng chỉ nghề, không tìm được việc làm là rất lớn. Trong khi đó có một số đông con em nông dân bỏ học đi học nghề (THCS và THPT) và chính những phụ huynh hay người thân của các em này trực tiếp dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho các em sau khi các em thành thợ, thạo nghề thì người dạy và người học chưa được nhà nước quan tâm, hỗ trợ gì.  

Nguyễn Hành - Minh Khang