Chủ tịch Quốc hội: Cần phát triển, nâng cao vị thế 2 Đại học Quốc gia

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu yêu cầu đó tại phiên thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 12/9. Đến thời điểm nay, mô hình hệ thống trường đại học đã được chốt với 2 cấp độ tổ chức: trường đại học và đại học.

“Đại học” to hơn “trường đại học”?

Trình bày báo cáo mới nhất về một số vấn đề trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (vừa hoàn thành ngày hôm qua, 11/9), Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, về mô hình cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), ban soạn thảo đã làm rõ khái niệm, tên gọi các trường, bổ sung việc giải thích một số thuật ngữ; phân biệt rõ loại hình cơ sở GDĐH theo sở hữu và theo chức năng, trên cơ sở đó quy định chính sách phù hợp với từng loại hình trường.

Phương án quy định về mô hình cơ sở giáo dục đại học do UB Văn hóa, Giáo dục đưa ra đã thắng thế so với phương án chỉ quy định chung một cấp độ đại học mà Chính phủ xây dựng
Phương án quy định về mô hình cơ sở giáo dục đại học do UB Văn hóa, Giáo dục đưa ra đã "thắng thế" so với phương án chỉ quy định chung một cấp độ "đại học" mà Chính phủ xây dựng

Liên quan đến khái niệm học viện, thường trực cơ quan thẩm tra nhận định, đây chỉ là tên gọi của một số cơ sở GDĐH đã được hình thành và tồn tại trong thực tiễn. Về bản chất, không có sự khác biệt giữa học viện và trường đại học từ mô hình, cơ cấu tổ chức cho tới chức năng, sứ mệnh và do vậy, các cơ sở này vẫn áp dụng chung một định chế, khuôn khổ pháp lý giống như trường đại học.

Việc đổi tên để thống nhất tên gọi là trường đại học đối với các cơ sở GDĐH này thực sự không cần thiết vì có thể gây xáo trộn về tâm lý, phát sinh những chi phí xã hội không đáng có mà không làm thay đổi bản chất. Ở các quốc gia trên thế giới, tên gọi của cơ sở GDĐH cũng rất phong phú, không có sự thống nhất hay đồng nhất.

Vì vậy, dự thảo luật quy định học viện chỉ là tên gọi và được chế định chung với trường đại học.

Ông Phan Thanh Bình cũng nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở thực tiễn của hệ thống cơ sở GDĐH Việt Nam hiện nay, để bảo đảm tính ổn định, kế thừa các quy định của Luật hiện hành cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển của các nhà trường tiệm cận với xu hướng chung của thế giới, tạo điều kiện quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục và ban soạn thảo thống nhất phương án quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học và đại học.

Đây là phương án do cơ quan thẩm tra đưa ra, khác với phương án ban đầu Chính phủ đề xuất (hệ thống cơ sở GDĐH có đại học, trường đại học, học viện… gọi chung là đại học).

Ông Bình phân tích, như vậy, hạt nhân cơ bản của hệ thống GDĐH là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.

Các trường đại học có thể tự lớn mạnh và thành lập các trường trực thuộc bên trong (với điều kiện, tiêu chuẩn do Chính phủ quy định) hoặc trên cơ sở tự nguyện hay được nhà nước quy định, kết hợp, sáp nhập với nhau trên cơ sở có cùng chức năng, sứ mệnh để trở thành một đại học.

Theo đó, nguyên tắc, cơ chế và hoạt động của "trường đại học" và "đại học" là khác nhau, được quy định cụ thể.

Không để xáo trộn lớn hệ thống giáo dục đại học

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cần có những quy định đảm bảo tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế của hai trường Đại học quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Cần có những quy định đảm bảo tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế của hai trường Đại học quốc gia".

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải và Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, nhìn chung dự thảo luật trình ra lần này đã đảm bảo được yêu cầu kế thừa và đổi mới để phát triển hệ thống giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung và kỹ thuật văn bản, bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các nội dung thể hiện trong báo cáo của UB Văn hóa, Giáo dục đồng thời nhấn mạnh, dự thảo luật cần có những quy định đảm bảo tiếp tục phát triển, nâng cao vị thế của hai trường Đại học quốc gia, nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo không để tạo ra sự xáo trộn lớn trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu, để dự án luật được hoàn chỉnh hơn nữa, ban soạn thảo cần tiếp tục phối hợp để rà soát, chuẩn hóa hơn nữa các thuật ngữ sử dụng trong dự thảo luật, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt. Các nội dung cần được hoàn thiện để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật này trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10 tới.

P.Thảo