Chủ tịch Hội đồng thẩm định: Nếu sửa môn Lịch sử phải rất cẩn trọng!

Mỹ Hà

(Dân trí) - "Môn Lịch sử nếu có sửa thì phải rất cẩn trọng, có lý do xác đáng, cách làm cẩn thận mới đảm bảo hiệu quả, nếu không sẽ làm tan vỡ tính chỉnh thể của chương trình và thành "đẽo cày giữa đường".

Trên đây là ý kiến của PGS Trần Kiều (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông 2018) xung quanh môn Lịch sử là môn học lựa chọn ở cấp THPT từ những năm học tới.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS Trần Kiều cho biết, cả Chương trình tổng thể và Chương trình môn học, hoạt động giáo dục đều được thẩm định theo đúng quy trình với các tiêu chí cụ thể do Bộ GD-ĐT ban hành.

Riêng với môn Lịch sử, thời điểm cách đây 4 năm, cố GS sử học Phan Huy Lê rất quan tâm tới việc dạy và học Sử trong trường phổ thông.

Vì thế những góp ý cho chương trình của ông hiện vẫn được lưu lại trong các biên bản làm việc của hội đồng thẩm định.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định: Nếu sửa môn Lịch sử phải rất cẩn trọng! - 1

Chương trình hoàn toàn có thể điều chỉnh để hoàn thiện hơn nhưng lý do phải xác đáng, cách làm rất cẩn trọng (Ảnh: T.L).

Với đề xuất Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc THPT, theo PGS Trần Kiều, những lý lẽ được tiểu ban chương trình đưa ra chặt chẽ và thuyết phục, do đó các thành viên trong Hội đồng thẩm định đều đồng ý với việc tổ chức dạy học này.

Hội đồng thẩm định cho rằng kiến thức lịch sử phổ thông đã được chuẩn bị đầy đủ ở tiểu học và THCS. Khi lên THPT, nếu học sinh yêu thích môn học này thì tiếp tục tìm hiểu.

Trước những tranh luận hiện nay về việc dạy học bắt buộc đối với môn Lịch sử ở bậc THPT cho tất cả học sinh, PGS Trần Kiều cho rằng, mặc dù ông không phải người làm chương trình nhưng theo dõi suốt quá trình 6 năm trời từ khi thai nghén đến ra mắt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông thấy rất công phu.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã đưa chương trình này lên mạng 3 lần, mỗi lần 30 ngày nhưng thời điểm đó không thấy ai có ý kiến gì. Không hiểu sao giờ lại nổ ra một loạt ý kiến phản bác.

"Chương trình của chúng ta hiện nay theo hướng phát triển chương trình chứ không phải biên soạn.

Hay nói cách khác, chương trình là một quá trình, có thể điều chỉnh để tiếp tục hoàn thiện nhưng không có nghĩa là phải sửa.

Nếu có sửa thì phải rất cẩn trọng, có lý do xác đáng, cách làm cẩn thận mới đảm bảo hiệu quả, nếu không sẽ làm tan vỡ tính chỉnh thể của chương trình và thành "đẽo cày giữa đường", PGS Trần Kiều nói.

Cũng theo PGS Trần Kiều, trước mắt hãy để qua triển khai thực tế, sau đó khảo sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mới trong đó có việc tổ chức dạy học môn lịch sử.

Từ các thực tiễn triển khai, mới có thể đưa ra giải pháp thuyết phục nhằm quyết định môn Lịch sử là tự chọn hay bắt buộc.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định: Nếu sửa môn Lịch sử phải rất cẩn trọng! - 2

Lý giải của Bộ GD-ĐT, môn Lịch sử ở Chương trình phổ thông 2018 có tổng thời lượng tăng lên tới 315 tiết (Ảnh: M.Hà).

Trước đó, dư luận có ý kiến trái chiều xoay quanh việc đưa Lịch sử là môn học lựa chọn ở bậc THPT khi vừa qua, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đưa ra đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lý giải của Bộ GD-ĐT, môn Lịch sử ở Chương trình phổ thông 2018 có tổng thời lượng tăng lên tới 315 tiết. 

Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với  Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.

Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử.

Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản, toàn diện.