Chông chênh chặng đường phía trước của Ngọc Anh

(Dân trí) - Sau hai tháng “nhập trường trong nước mắt rưng rưng”, Ngọc Anh đã có nhiều trải nghiệm thú vị khi bắt nhịp vào cuộc sống sinh viên. Nhưng vẫn còn đó bao nỗi lo toan đè nặng tâm tư cô gái nhỏ nhắn và đôi vai gầy của người mẹ ở quê nhà Bình Phước.

Mới chỉ hai tháng mà cô tân sinh viên khoa Xã hội học trường ĐH KHXH&NV TP.HCM đã có một “chùm” câu chuyện để làm quà. Lớp có hơn 100 sinh viên, em chưa kịp làm quen hết các bạn nhưng đã kịp tham gia một vài hoạt động đội nhóm. Ngọc Anh cùng các bạn nhặt ve chai để gây quỹ công tác xã hội. Em kể: “Ban đầu còn “dở” lắm, trời nắng chang chang mà đi nhặt rác từ sân đến cổng, rồi tới vệ đường. Sau đó, tụi em nghĩ ra cách đến phòng ở của các anh chị lớp trên, hỏi xin giấy vụn. Thật vui là họ sẵn lòng giúp. Nhóm tụi em kiếm được gần 400 ngàn tiền bán ve chai”.
 
Chông chênh chặng đường phía trước của Ngọc Anh - 1

Ngọc Anh nhận Quà nhân ái tại văn phòng đại diện Báo Điện tử Dân trí  ở TPHCM

Chương trình học của sinh viên năm nhất còn khá nhẹ nhàng, Ngọc Anh thử tìm việc làm thêm mà chưa được. Công việc phù hợp nhất là phụ giúp ở căng-tin cũng đã đủ người rồi. Vì vậy, em cố gắng dè sẻn. Bữa sáng “giao phó” cho các hãng mì tôm. Theo quy định của ký túc xá Đại học quốc gia (Thủ Đức), sinh viên không được nấu ăn, mà ăn cơm tiệm thì không phù hợp túi tiền. Thế nên, Ngọc Anh và mấy bạn cùng phòng đặt ra “phương án 2”: thức ăn mặn làm sẵn ở nhà người quen rồi đem đi, rau “dã chiến”, đến bữa chỉ cần mua cơm không về là đủ. Thức ăn mặn gồm những món để lâu được như chà bông, ruốc, cá khô… Còn rau “dã chiến” là rau sống, dưa chua hay rau trụng nước nóng (mỗi phòng có một ấm đun nước). Vậy mà ngon, không bữa cơm nào thiếu vắng nụ cười bè bạn.

Thế nhưng, vẫn còn đó nỗi lo về khoản học phí của học kỳ 2 và những chi phí không nhỏ khác cho sinh hoạt, học hành. Nhớ ngày nhận giấy báo trúng tuyển, hai mẹ con Ngọc Anh ôm chầm lấy nhau mà khóc rồi cùng trằn trọc cả đêm. Cuộc sống của 5 mẹ - con, bà - cháu đặt cả vào chiếc xe đẩy bán đậu hủ với 40-50 ngàn đồng lời mỗi ngày. Đưa con đi tựu trường, người mẹ xót lòng nghĩ đến cảnh con gái rồi đây sẽ thiếu thốn trăm bề. Số tiền vay mượn được vỏn vẹn 4 triệu đồng, thấm tháp vào đâu nơi đô thành đắt đỏ?

Sau bài báo của Dân trí về Ngọc Anh hồi tháng 9, một số nơi đã ngỏ lời giúp đỡ em nhưng tất cả vẫn trong sự chờ đợi thủ tục giấy tờ. Ngày 16/11/09, Quỹ Nhân ái của báo điện tử Dân trí đã trích số tiền 2 triệu đồng hỗ trợ Ngọc Anh.

“Em cảm ơn báo Dân trí. Vậy là em và mẹ không còn lo lắng về học phí kỳ sau nữa. Em sẽ cố gắng học thật tốt và tìm việc làm thêm để bớt gánh nặng cho mẹ”, Ngọc Anh chia sẻ với nụ cười tự tin.

Cẩm Tú