Chọn “ngọc” giữa biển sách: Dễ hay khó?

(Dân trí) - Đó là tên gọi buổi tọa đàm thuộc chương trình “Quyển sách thay đổi cuộc đời” được tổ chức sáng 1/3 tại Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, thành phố Huế.

Khách mời là bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nhà văn Phan Hồn Nhiên, ca sĩ Hồ Trung Dũng và gần 500 học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Huế. Các vị khách mời đã đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau về “văn hóa đọc” của giới trẻ hiện nay.

 
Các văn nghệ sĩ có tiếng giao lưu tại chương trình

Các văn nghệ sĩ có tiếng giao lưu tại chương trình.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng hiện nay giới trẻ vẫn đọc, tuy nhiên lại quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ như điện thoại, ipad… quá trình này mới chỉ dừng lại ở cấp độ tìm kiếm thông tin. “Tìm trên mạng nhanh nhưng con đường tri thức, hiểu biết thì cần đọc sách. Và sách cũng nhiều loại, đọc để học ở trường, ở đời. Sách chính là giấy thông hành vào đời ý nghĩa hơn mọi thứ với mỗi cá nhân. Hiểu cuộc sống là gấp vội, nhưng chúng ta nên làm chủ thời gian và sống theo nhiều cấp độ tư duy”.

Cũng theo bà Ninh thì có nhiều con đường để đến với tình yêu, ham mê sách. Nếu ở THPT mà có một giáo viên văn hay thì rất khuyến khích các em tìm đọc sách. Thầy cô chính là người rước các em tới thế giới chiều sâu và góc cạnh thông qua các trang sách.

Bà Ninh đưa ra nhiều kinh nghiệm sâu sắc về lựa chọn sách

Bà Ninh đưa ra nhiều kinh nghiệm sâu sắc về lựa chọn sách.

Với nhà văn Phan Hồn Nhiên, sách chính là con thuyền đưa chúng ta ra biển cuộc đời. Tuy nhiên, với sự tác động của yếu tố văn hóa mạng như hiện nay để đọc như thế nào là đúng và hiệu quả thì mỗi người phải tự mình trải nghiệm và có bộ lọc riêng. Coi đọc sách không phải là nghĩa vụ mà nó là một món quà để nhà văn duy trì niềm ham mê sách của mình, và những người bình thường tìm ra được niềm vui cho bản thân vào mỗi cuối ngày.

“Mình nhận thấy quyển sách hay nhất là nằm ở phần cuối nên chúng ta cần rèn luyện sự kiên nhẫn để có thể theo đến cùng một quyển sách. Có như vậy mới hiểu được những giá trị mà sách mang lại cũng như mới thực sự hứng thú tiếp tục khám phá những quyển sách khác” - nhà văn chia sẻ

Để mỗi bạn trẻ có thể yêu thích, đọc một cuốn sách từ đầu đến cuối, theo kinh nghiệm của ca sĩ Hồ Trung Dung, nên đọc sách theo các cấp độ từ thấp đến cao và trước hết cuốn sách ấy phải phù hợp với tâm lý, sở thích người đọc. "Trung Dũng bắt đầu đọc sách từ khi đi học ở Đức. Vì để có thể theo kịp chương trình thì Dũng phải đọc rất nhiều. Mỗi lần đi tàu điện đều phải cầm theo quyển sách để đọc. Lúc đầu thấy đầu rất mệt và nhưng dần thành một thói quen. Và khi thành thói quen rồi thì Dũng thấy việc đọc sách rất thú vị và dần yêu thích hơn. Có đọc thì mới thấy được cái hay mà sách mang lại cho cuộc sống của mình. Cũng từ sách mà Dũng có thể tìm được những lý giải cho cuộc sống xung quanh".

Ca sĩ Hồ Trung Dũng chia sẻ rất nhiều về việc đọc sách
Ca sĩ Hồ Trung Dũng chia sẻ nhiều về việc đọc sách.

"Để xây dựng cho mình một thói quen đọc sách, cần xác định được đọc sách để làm gì? Khi đã có mục tiêu thì việc đọc sách sẽ dễ dàng hơn. Dũng đọc sách là để được đi du lịch. Dũng tập cho mình thói quen đi đến nước nào thì cũng sẽ vào nhà sách để mua sách về đọc. Và nếu muốn được đi du lịch tiếp tục thì Dũng phải đọc hết số sách đã mua thì mới được đi tiếp. Chính vì vậy mà điều này trở thành động lực để Dũng đọc nhiều hơn, khám phá nhiều hơn" - Hồ Trung Dũng kể lại.

Ở phần giao lưu, các bạn trẻ đã đưa ra nhiều quan điểm cuốn sách thay đổi cuộc đời mình cũng như đưa ra nhiều câu hỏi cho các vị khách mời về phương pháp lựa chọn và đọc sách hiệu quả. Hương Giang, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương chia sẻ “Mùa hè thiên đường” chính là cuốn sách như vậy. Thông qua đọc, cảm nhận cuốn sách đã giúp cho bạn nhiều trong quá trình từ một học sinh yếu văn tới yêu và giỏi văn.

Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng và thị trường hóa sách cũng được các bạn trẻ quan tâm. Bạn Phan Thế Duy Tôn, THPT chuyên Quốc Học Huế đặt vấn đề: "Có hay không sự buông lỏng quản lý khi trên thị trường nhiều cuốn sách thị trường, chưa phù hợp văn hóa chung vẫn xuất bản". Các tác giả cần thiết phải xem xét lại cách viết để giải quyết mâu thuẫn: thu hút độc giả hay lượng kiến thức độc giả cần?

Hương Giang học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương chia sẻ góc nhìn bạn trẻ về đọc sách

Hương Giang - học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương chia sẻ góc nhìn bạn trẻ về đọc sách.

Em Hồ Thị Nhiên An - học sinh lớp 9 THCS Nguyễn Tri Phương đặt câu hỏi: “Làm sao để có thể nhớ được những gì mà mình đã đọc. Em thấy để nhớ được thì phải đọc nhiều lần nên rất dễ gây chán nản”. Ca sỹ Hồ Trung Dũng chia sẻ: “Anh thường ghi chú lại những gì mà mình đã đọc, tóm tắt nội dung. Mà để tóm tắt được nội dung thì cần phải hiểu được vấn đề. Sau đó, anh tiếp tục đọc hết cuốn sách. Đọc đến đâu ghi chú lại đến đó. Sau khi đã đọc hết, anh sẽ quay lại đọc những ghi chú của mình để hiểu sâu sắc hơn vấn đề và dần sẽ ghi nhớ nội dung tốt hơn”.

Tìm được sách hay rồi nhưng làm thế nào để hiểu được thông điệp của nó khi có quá nhiều sách khác cần đọc là câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, “giữa sách và con người là một câu chuyện khám phá và kết duyên”. Dù là nghề nào cũng cần có một mục đích đọc khác nhau, và phải tự xây hành trình đọc. Có những cuốn phải đọc nhiều lần. Với bà, công thức mỳ ăn liền là không có mà phải bằng sự tìm tòi, tự xây dựng vỡ lẽ từ thấp đến cao.

Ở Việt Nam thì các bạn sinh viên thường quan tâm đến việc đọc giáo trình. Chính vì thế sự tìm tòi và sáng tạo còn khiêm tốn so với các nước hiện đại khác. Tôi nhận thấy việc đọc sách mỗi ngày giống như là những hạt mưa nho nhỏ thấm dần vào người. Tôi rất thích đọc quyển “Cuốn theo chiều gió”. Trong đó có một câu nói rất hay “Tomorrow is another day” (Ngày mai lại là một ngày khác). Tôi nhận thấy được giá trị rất đẹp trong quyển sách ấy, nó như thể hiện sự kiên cường, mạnh mẽ đấu tranh của con người. Tôi còn thích nhiều quyển sách khác nữa, tôi đọc để có thể hiểu về văn hóa và nền văn minh của các nước.

Rất nhiều HS thích thú trước kiến thức rộng và sâu sắc về đọc sách ở những vị khách mời đặc biệt

Nhiều học sinh thích thú trước kiến thức rộng và sâu sắc về đọc sách ở những vị khách mời đặc biệt.
 
Các vị khách mời đều thống nhất nhà xuất bản có trách nhiệm, nhưng bộ lọc cuối cùng cấp "giấy thông hành" cho các cuốn sách ấy chính là độc giả. Độc giả, nhất là các bạn trẻ đôi khi phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc để có được cuốn sách hay, phù họp với nhu cầu. Bản lĩnh, hiểu biết, hành vi và lối sống chính là công cụ để mỗi bạn trẻ "sàng" được “ngọc” giữa biển sách.
 
Hoàng Diệu - Đại Dương