Chơi golf nở rộ, nhưng ngành golf "đóng mã" vì... kén người học
(Dân trí) - Môn Golf thu hút nhiều người chơi nên đã được một số trường đại học đưa vào đào tạo đón đầu từ vài năm gần đây, nhưng đến nay vẫn "khan hiếm" đầu vào, hiện đã có trường phải đóng mã ngành.
Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng chính thức đưa bộ môn golf vào giảng dạy như một trong những bộ môn giáo dục thể chất để sinh viên lựa chọn. Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học công lập đầu tiên của Việt Nam đưa golf vào giảng dạy trong chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên.
Đón đầu nhu cầu về nhân sự, golf sớm được đưa vào đào tạo chính thức tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và ĐH Tôn Đức Thắng cách đây nhiều năm trước.
Nhưng đến nay, tại chỉ còn ĐH Tôn Đức Thắng vẫn còn duy trì ngành học này với mức học phí công bố năm 2021 là trên 215 triệu đồng cho 4 năm học.
Trường trang bị đầy đủ các dụng cụ học golf cho sinh viên, có sân tập golf tại trường, học ở phòng mô phỏng và có những buổi ra sân golf học. Tuy nhiên, số lượng tuyển mỗi khóa tại trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Được biết, ngoài là một ngành độc lập, tại trường Tôn Đức Thắng, golf còn được đưa vào môn giảng dạy như là môn thể thao tự chọn áp dụng cho ngành về Kinh doanh, đặc biệt là Kinh doanh quốc tế.
Năm 2017, kết hợp với một Trường ĐH ở Hàn Quốc, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đưa môn golf vào đào tạo cũng kéo theo nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy nhiên, suốt 3 năm mở ngành nhưng không tuyển được sinh viên, trường đã quyết định đưa golf vào danh sách các môn học thể thao tự chọn cho sinh viên, tập để làm quen, rèn luyện trong trường học.
Bà Trần Thúy Trâm Quyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho hay golf là môn thể thao ngày càng phát triển nhưng không phải ai cũng có thể chơi, người chơi golf có thể nói là "đếm trên đầu ngón tay".
Ngành golf càng kén người học. Sinh viên con những gia đình có điều kiện kinh tế có thể thích chơi gofl, có điều kiện theo học nhưng lại không thích học để làm công việc này.
Trường chỉ có sân golf mô phỏng và dụng cụ về golf quá đắt, sinh viên theo học cũng rất khó để mua được sau khi học xong... Vì nhiều lý do nên nhiều năm qua ngành này không tuyển được sinh viên.
Trong những năm gần đây, số lượng sân golf tại Việt Nam đang ngày càng tăng nhanh và là một ngành có xu hướng phát triển mạnh. Theo Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 80 sân golf đi vào hoạt động, chưa kể các sân đang hoàn thiện với hàng chục ngàn người trong và ngoài nước thường xuyên tham gia chơi.
Thách thức lớn chính là nguồn nhân lực phục vụ cho ngành golf hiện tại và trong tương lai của Việt Nam. Hầu hết, các sân golf phải tự xoay xở nhân lực, trong đó phải "nhập khẩu" nhân sự từ nước ngoài.