Chi 5 tỷ đồng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý

Trần Lê

(Dân trí) - Tỉnh Thanh Hóa vừa có kế hoạch bồi dưỡng năng lực theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Ngày 1/1/2021, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa phê duyệt kế hoạch bổ sung và dự toán kinh phí tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020.

Mục đích, bồi dưỡng năng lực theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Chi 5 tỷ đồng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý - 1
Tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch bồi dưỡng năng lực theo chuẩn nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, yêu cầu tất cả GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX) của Thanh Hóa, hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian bắt đầu triển khai, áp dụng Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 đối với từng cấp học.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng được bồi dưỡng trên quan điểm thường xuyên, liên tục, tại chỗ; tránh chồng chéo, trùng lặp; đảm bảo kết quả bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả cao.

Đối tượng bồi dưỡng là GV phổ thông, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông; cán bộ phụ trách thư viện, giáo vụ, cán bộ phụ trách thiết bị và phòng thí nghiệm ở trường phổ thông; CBQL các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT; GV dạy chương trình giáo dục thường xuyên của các TTGDNN-GDTX và các trường Trung cấp nghề có thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT; giám đốc, phó giám đốc TTGDNN-GDTX.

Nội dung kế hoạch là bồi dưỡng CBQL, GV thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ở Trung ương (mô đun 3). Trong đó, bồi dưỡng CBQL (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán mô đun 3 tại Đà Nẵng; bồi dưỡng tổ trưởng chuyên môn cốt cán cơ sở giáo dục phổ thông; bồi dưỡng GV cốt cán cơ sở giáo dục phổ thông.

Bồi dưỡng mô đun 2 cho CBQL, GV thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương. Trong đó, bồi dưỡng GV đại trà mô đun 2 năm 2020; bồi dưỡng CBQL (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) cơ sở giáo dục phổ thông đại trà.

Dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch nêu trên là gần 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đã giao cho Sở GD&ĐT thực hiện các nhiệm vụ năm 2020.

Tỉnh Thanh Hóa giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan triển khai tập huấn trực tuyến trên hệ LMS, đáp ứng yêu cầu để tổ chức, bồi dưỡng GV, CBQL thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; phối hợp với các trường đại học tham gia ETEP cử giảng viên tham gia hướng dẫn, hỗ trợ GV và CBQL đại trà các khóa bồi dưỡng tại địa phương.

Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện công tác chuẩn bị, bố trí cho tất cả CBQL, GV được tham gia bồi dưỡng đại trà tại các địa phương trong tỉnh theo kế hoạch.

Hướng dẫn việc chi trả chế độ cho GV cốt cán, CBQL cốt cán, hỗ trợ đồng nghiệp trong các khóa bồi dưỡng theo quy định hiện hành; chi trả chế độ (quy đổi thời gian tham gia tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển chuyên môn ra số tiết dạy để tính số giờ giảng dạy) và trả lương dạy thêm giờ cho tổ trưởng chuyên môn cốt cán của tỉnh; CBQL cốt cán cấp tiểu học, THCS, THPT và GV cán các trường THPT theo quy định hiện hành.

Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả bồi dưỡng của GV đại trà, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông đại trà; báo cáo Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh kết quả triển khai bồi dưỡng GV, CBQL theo quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan chủ động lựa chọn GV cốt cán, tổ trưởng chuyên môn cốt cán, CBQL cốt cán cấp tiểu học và THCS tham gia các lớp bồi dưỡng tại trung ương đảm bảo các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định; tổ chức cho toàn bộ CBQL, GV tham gia các lớp bồi dưỡng đại trà tại địa phương, đơn vị; chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp đội ngũ GV dạy các lớp, môn học, cấp học để thực việc bồi dưỡng đạt hiệu quá.

Tổ chức kiểm tra, giám sát và phối hợp với Sở GD&ĐT đánh giá kết quả bồi dưỡng của GV đại trà và CBQL đại trà cấp tiểu học và THCS, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả triển khai bồi dưỡng GV.