Nghệ An:

“Chạy nước rút” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia

(Dân trí) - Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, tại Nghệ An có 2 cụm thi với gần 45.000 thí sinh đăng ký tham gia. Hiện, các trường đang trong giai đoạn ôn tập nước rút cho học sinh để đạt kết quả cao nhất cho kỳ thi diễn ra vào đầu tháng 7 tới.

Các trường tổ chức thi thử để đánh giá năng lực của học sinh.
Các trường tổ chức thi thử để đánh giá năng lực của học sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015, tại cụm thi Vinh sẽ có gần 45.000 thí sinh dự thi, trong đó số thí sinh của Nghệ An là 23.500 em, Hà Tĩnh là 4.951 em (thuộc huyện Nghi Xuân) và có khoảng 12.000 thí sinh tự do. Riêng Nghệ An có 12.475 em đăng ký thi THPT quốc gia chỉ lấy điểm xét tuyển tốt nghiệp. Số thí sinh này được bố trí thành 2 cụm thi, cụm thi số 25 do Trường ĐH Vinh chủ trì và cụm thi số 26 (dành cho các thí sinh lấy điểm xét tốt nghiệp THPT) do Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì. Những ngày này, thầy và trò các trường trên địa bàn tỉnh đang chạy nước rút ôn luyện cho kỳ thi này.

Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông, Nghệ An) có 111 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, trong đó có 20 em đăng ký xét tuyển đại học, số còn lại chỉ lấy kết quả tốt nghiệp. Để tạo điều kiện cho các em học sinh ở xa, gia đình khó khăn, Ban giám hiệu nhà trường sử dụng nhà công vụ, nhà tập thể giáo viên để các em ở, yên tâm ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

“20 học sinh xuống TP Vinh để thi xét tuyển vào đại học sẽ được hỗ trợ một phần tiền đi lại, ăn ở từ nguồn “Quỹ hỗ trợ học sinh nghèo” do giáo viên trong trường đóng góp. Những em thi ở thị trấn, nếu không có người nhà, thầy cô giáo trong trường sẽ giúp các em tìm nhà trọ miễn phí hoặc cho các em về ở trong gia đình mình”, thầy Lê Thanh An - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ cho biết.

Không chỉ Trường THPT Mường Quạ mà hầu hết trường THPT các huyện miền núi đều chủ trương không nghỉ hè mà tổ chức ôn tập tập trung cho học sinh lớp 12 ngay khi năm học kết thúc. Để tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh miền núi cao, hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh tự nguyện dạy thêm không thu tiền, các giáo viên trong nhà trường còn ủng hộ tiền, sách vở… để các em yên tâm ôn luyện.

Từ đầu năm học đến nay, có 18 học sinh lớp 12 của Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bỏ học. Nguyên nhân chủ yếu là do gia đình hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu, cá biệt cũng có em không muốn đến trường. Ngay từ khi năm học chưa kết thúc, Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, vận động các gia đình tạo điều kiện để các em tiếp tục ở lại trường ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Thầy Lê Đức Cát - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Kỳ Sơn cho biết, có đến hơn 80% học sinh khối 12 của trường đang ở ngoại trú, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn. Điều nhà trường lo ngại nhất hiện nay là các em bỏ thi. Bởi vậy, bên cạnh vận động phụ huynh tạo điều kiện và quan tâm đến các em, nhà trường đã chủ động phân loại đối tượng, tăng cường kiểm tra để điều chỉnh phương pháp ôn tập phù hợp các em học sinh.

Các trường tổ chức thi thử để đánh giá năng lực của học sinh.
Giáo viên Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông, Nghệ An) củng cố kiến thức cho học sinh. (Ảnh: M.H)

Để các em quen với hình thức thi mới, các trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi thi thử nhằm “sát hạch” trình độ, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của học sinh để từ đó đưa ra chương trình ôn thi phù hợp. Thầy Nguyễn Cảnh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Anh Sơn 1 (huyện Anh Sơn, Nghệ An) cho hay: “Sau kỳ thi thử cuối cùng, số học sinh bị điểm “chết” giảm từ 30% xuống 10%. Tỷ lệ học sinh có điểm trung bình chiếm hơn 80%. Các em học sinh có học lực yếu ngoài thời gian ôn tập trên lớp còn được các giáo viên kèm cặp, hướng dẫn thêm ngoài giờ”.

Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ngay từ khi năm học kết thúc, với thời gian gần 2 tháng trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các trường đã tổ chức ôn luyện, hệ thống lại kiến thức, tổ chức các buổi thi thử theo đề thi của Bộ GD-ĐT để các em đánh giá năng lực bản thân, đồng thời nhà trường căn cứ vào kết quả thi để điều chỉnh chương trình ôn tập. Trường THPT Quỳnh Lưu 1 còn tổ chức đối thoại nhằm giải đáp những thắc mắc về những thay đổi trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay cho các em học sinh và phụ huynh.

Là một trường nằm ở khu vực nông thôn nên môn tiếng Anh vẫn là yếu điểm của các em học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (Yên Thành, Nghệ An). Điểm yếu này cũng thể hiện qua kỳ thi thử tốt nghiệp THPT và thi khảo sát cuối năm khi số học sinh bị điểm liệt môn tiếng Anh nhiều hơn các môn thi khác. Song song với việc hệ thống lại kiến thức các môn thi, BGH Trường THPT Phan Đăng Lưu ưu tiên hơn đối với việc ôn tập kiến thức môn tiếng Anh.

Chia sẻ về điều này, thầy Nguyễn Văn Tiến - Tổ trưởng bộ môn Ngoại ngữ, Trường THPT Phan Đăng Lưu nói: “Phần lớn học sinh đều làm hết phần thi trắc nghiệm nhưng nhiều em vẫn đánh dấu theo kiểu may rủi do chưa nắm vững kiến thức. Phần thi tự luận thì chỉ có các em thi khối D làm tốt, các học sinh theo các khối thi khác phần lớn chưa đạt. Trong chương trình ôn tập, chúng tôi yêu cầu các giáo viên dạy kỹ phần ngữ pháp, luyện nhiều bài tập để các em làm quen với các dạng đề và củng cố lại kiến thức”.

Giáo viên kèm học sinh ôn luyện ngoài giờ lên lớp. (Ảnh: M.H)
Giáo viên kèm học sinh ôn luyện ngoài giờ lên lớp. (Ảnh: M.H)

Môn Lịch sử cũng là môn được ít học sinh lựa chọn nhất. Đặc biệt, có những trường chỉ có 1-2 em đăng ký dự thi môn này như Trường THPT Tương Dương, Trường THPT Bắc Yên Thành. Toàn cụm thi số 26 (do Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì) chỉ có 117 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử. Mặc dù số lượng thí sinh đăng kí dự thi rất hạn chế nhưng các trường vẫn lên kế hoạch, bố trí giáo viên hướng dẫn các em ôn luyện, củng cố lại kiến thức. Sở GD&ĐT Nghệ An quán triệt thành lập hội đồng thi cho các em, bố trí đội ngũ phục vụ…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và người nhà, tránh tình trạng các em phải đi xa để dự thi.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Dù là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng ĐH Vinh đã có 10 năm kinh nghiệm trong tổ chức thi “3 chung” nên Ban giám đốc Sở rất yên tâm trong công tác tổ chức. Các cụm thi ở các địa phương cũng đã chuẩn bị chu đáo, có sự tập dượt và cũng đã có nhiều kinh nghiệm qua các kỳ thi tốt nghiệp ở những năm trước. Mặc dù vậy, Sở cũng xác định không được chủ quan, lơ là đồng thời quán triệt ý thức trách nhiệm của từng thành viên hội đồng thi, sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra đúng thẩm quyền, trách nhiệm và kịp thời. Sở GD-ĐT Nghệ An cũng đã tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, lực lượng công an... để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Để phục vụ tốt nhất cho kỳ thi, tại cụm thi số 26, Sở GD&ĐT Nghệ An đã bố trí 523 phòng thi tại 25 điểm thi ở 21 huyện, thành, thị. Ban chỉ đạo cụm thi số 25 đã bố trí 1.213 phòng thi tại 64 điểm thi ở thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Ngoài hơn 7.000 nhân viên phục vụ, ĐH Vinh cũng đã tổ chức tập huấn quy chế cho 3.300 cán bộ tham gia công tác coi thi. Công tác chuẩn bị in sao đề thi cũng đang rà soát để đảm bảo an toàn, bí mật. Các đội tình nguyện tiếp sức mùa thi cũng đã được thành lập và lên kế hoạch hoạt động cụ thể để hỗ trợ tối đa thí sinh, người nhà thí sinh trong các ngày diễn ra thi.

Hoàng Lam