Bạn đọc viết:

“Cháu ước có người mẹ khác”

(Dân trí) - Những phụ huynh quá bận rộn, mệt mỏi với công việc mưu sinh không hiểu rằng điều mà đứa trẻ cần nhất là sự quan tâm, vỗ về của người mẹ, là khoảng thời gian gần gũi, bầu bạn, sẻ chia chứ không phải nhất thiết là những đồng tiền cố kiếm thêm để con được bằng bạn bè.

Tôi làm gia sư tiểu học cho một bé hàng xóm đã lâu nên hai cô trò rất gắn bó. Trong những lúc nghỉ giải lao giữa giờ, bé thường kể cho tôi nghe mọi chuyện ở trường lớp cũng như ở nhà.

Mặc dù tôi là cô giáo không được hiền hòa, dễ thương cho lắm nhưng bé vẫn thích nói chuyện với tôi. Bởi theo lời của bé thì: Mẹ cháu chẳng bao giờ dành thời gian và tình cảm cho cháu, cháu thích gì mẹ không biết, cháu muốn gì mẹ chẳng hay, nếu có bày tỏ cảm xúc với mẹ thì sẽ bị gạt đi, suốt ngày chỉ nghe toàn lời quát mắng.

Chính vì thế, khi tìm được người tin tưởng, biết lắng nghe là tôi, bé không ngần ngại trút hết bầu tâm sự. Có lúc vừa kể vừa thể hiện thái độ buồn bực, bất mãn; có lúc vừa kể vừa rơm rớm nước mắt, tủi thân.

Trong một lần đang bộc bạch nỗi lòng, bé bật thốt lên: “Cháu ước có một người mẹ như cô, bạn T. là con trai cô thật sướng, hay cô đổi bạn T. sang nhà cháu để cháu sang ở với cô”.

Lời nói ngây thơ, đơn giản của bé làm tôi lúng túng, phì cười. Nhưng sâu trong tâm trí, tôi bỗng thấy chạnh lòng cho mẹ của bé. Một người mẹ vất vả, tảo tần, quanh năm đi làm kiếm tiền nuôi con ăn học, thứ bảy, chủ nhật cũng chẳng được nghỉ ngơi, buổi tối còn chịu khó làm thêm giờ để tăng thu nhập. Ngay việc thuê tôi làm gia sư cũng đâu phải chuyện dễ dàng với một gia đình kinh tế còn nhiều khó khăn. Vậy mà giờ đây bé lại ước có một người mẹ khác! Sao có thể bất công như thế chứ?

Trong khi tôi chỉ là một bà mẹ rất bình thường, không biết lam lũ hi sinh thái quá vì con cái, đầy rẫy những khuyết điểm như ép con ăn, bắt con học, quát mắng, cáu giận, thậm chí là xúc phạm nặng nề khi con phạm lỗi. Có hơn chăng chỉ là ngoài những lúc đó ra, tôi luôn làm bạn với con, hiểu được mọi điều con nghĩ, biết nói lời ngọt ngào, động viên chia sẻ đúng lúc. Đơn giản vậy, lại có thể trở thành hình mẫu đáng mơ ước, mong mỏi của một đứa trẻ sao!

Nhưng ngẫm cho kĩ thì chính tôi, một người lớn từng trải, cũng nhiều lần rơi vào tâm trạng giống cô bé học trò kia. Bởi vì mẹ tôi chẳng khác nhiều so với mẹ của bé.

Có thể nói trên đời này không có ai yêu thương tôi bằng mẹ. Vì cả đời mẹ chỉ có mình tôi, hi sinh hết tuổi thanh xuân để nuôi nấng cho tôi ăn học thành người, rồi bỏ cả tuổi già để lo lắng, chăm sóc lúc tôi ốm đau, bệnh tật.

Nhưng cái cách mẹ yêu thương lại không hề giống như tôi mong đợi. Từ nhỏ đến giờ chưa khi nào mẹ thấy hài lòng về tôi. Bất cứ việc gì tôi làm cũng có thể bị chê trách, nhắc nhở. Gần 40 tuổi, tôi vẫn phải mệt mỏi, bức bối với những lời quát mắng, càu nhàu của mẹ hàng ngày. Muốn nghe một lời nói ngọt ngào, nhẹ nhàng thật quá khó khăn. Nhiều lúc tôi chỉ mong mẹ bớt những hi sinh thầm lặng để nhường chỗ cho tình cảm bằng lời thì tôi sẽ sung sướng biết bao. Phải chăng trong sâu khuất tâm can chính là tôi đang ước mình có một người mẹ khác đi?

Như thế mới thấy, cách cha mẹ yêu thương con và cách con cảm nhận tình yêu thương ấy khác xa nhau một trời một vực. Những phụ huynh quá bận rộn, mệt mỏi với công việc mưu sinh như mẹ của cô bé mà tôi làm gia sư đã không hiểu rằng điều mà đứa trẻ cần nhất là sự quan tâm, vỗ về của người mẹ, là khoảng thời gian gần gũi, bầu bạn, sẻ chia chứ không phải nhất thiết là những đồng tiền cố kiếm thêm để con được bằng bạn bè. Còn những bậc phụ huynh quá kĩ tính như mẹ của tôi lại không chịu hiểu rằng tình cảm mẹ con vẹn tròn còn quan trọng hơn nhiều lần những chuyện cầu toàn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chỉ quát mắng mà không có đôi lần động viên, tích cực thì yêu thương đến đâu cũng thật đáng tiếc.

Mong những người mẹ hết lòng vì con đừng để đứa con đôi khi lại vấp phải những xúc cảm tiêu cực như: Ước mình có một người mẹ khác.

Hà Đông

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con