Cần Thơ:

Chàng sinh viên nghèo bán đá bào nuôi giấc mơ kỹ sư

(Dân trí) - Gương mặt sáng, hàm răng trắng tinh, cách nói chuyện từ tốn lễ phép, chàng sinh viên bán đá bào kiếm tiền đóng học phí và phụ giúp gia đình đã làm lay động nhiều trái tim. Đó là Trần Hiền Hòa (19 tuổi), sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật công trình xây dựng trường Đại học Cần Thơ.

Hòa quê ở Trà Vinh, năm 2016 Hòa thi đậu vào Đại học Cần Thơ. Hoàn cảnh khó khăn nên sau những giờ tan học, em lại đạp xe rảo quanh các con đường ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ để bán đá bào.

Em Trần Hiền Hòa, sinh viên năm nhất trường Đại học Cần Thơ
Em Trần Hiền Hòa, sinh viên năm nhất trường Đại học Cần Thơ

Hòa tâm sự, em sinh ra trong gia đình nghèo lại đông anh em. Cha mẹ Hòa không có ruộng nương, không nghề nghiệp ổn định mà chủ yếu sống bằng “nghề” bán đá bào dạo, kiếm dăm ba chục ngàn đắp đổi qua ngày. Lúc còn nhỏ, em đã theo xe đá bào của cha mẹ rong ruổi trên mọi nẻo đường quê.

Khi lên Cần Thơ học đại học, Hòa tiếp “nghiệp” bán đá bào. Hòa lý giải, em không đi phụ quán cà phê hay quán ăn, vì những việc đó phải làm theo ca, theo khung giờ nhất định. Còn bán đá bào, lúc nào rảnh đi bán, không rảnh thì thôi, không bị ràng buộc. “Em biết việc kiếm tiền quan trọng, nhưng việc học quan trọng hơn. Có tấm bằng kỹ sư loại khá là niềm mong ước mà bấy lâu nay em luôn ấp ủ”, Hòa cho biết.

Hòa với xe đá bào quen thuộc
Hòa với xe đá bào quen thuộc

Cũng theo lời Hòa thì việc bán đá bào khá dễ dàng với em, vì đây là nghiệp của gia đình. Các loại siro để bán đá bào đều được nấu từ nước đường cát và hương tự nhiên. “Cha em năm nay đã ngoài 60 tuổi, bị bệnh cột sống, lên Cần Thơ ở trọ cùng em. Hàng ngày cha ở nhà nấu siro, đến lúc em tan học thì về đi bán”, Hòa tâm sự.

Hòa chia sẻ, trước đây em bán ế lắm, mỗi đêm chỉ được vài ba chục ngàn tiền lời. Nhưng thời gian đây nhiều người biết em có hoàn cảnh khó khăn nên đến mua ủng hộ. Bây giờ mỗi ngày kiếm được khoảng 70.000-100.000 đồng, ngày cuối tuần hay có lễ hội đặc biệt thì kiếm được nhiều hơn. Số tiền đó, em dùng đóng học phí, trả tiền nhà trọ và trang trải cuộc sống hàng ngày của hai cha con ở Cần Thơ. Tháng nào, nếu dư ra chút ít, em gửi về quê cho mẹ, đóng tiền học cho em ở quê. Nhưng cũng có những đợt mưa kéo dài, đá bào bị ế, mẹ ở quê lại phải gửi tiền lên cho hai cha con.

Em Trần Hiền Hòa, bán đá bào kiếm tiền ăn học, phụ giúp gia đình

Ông Phong Hiền, nhà ở gần bến Ninh Kiều Cần Thơ - nơi Hòa hay đứng bán cho biết: "Tôi già rồi không thích ăn đá bào, nhưng thấy thằng bé Hòa ngoan, tội nghiệp lại có hiếu nên thỉnh thoảng tôi ghé mua ủng hộ cho cháu rồi về nhà kêu mấy bé hàng xóm ăn dùm".

Còn chị Hồng Cẩm ở Ninh Kiều Cần Thơ cũng cho biết: Ở độ tuổi của Hòa đại đa số đều phụ thuộc vào cha mẹ. Thậm chí có những em cha mẹ lo rất chu đáo nhưng lo ăn chơi lêu lỏng, học hành thi cử không đậu. Hòa thì ngược lại, em là con ngoan, trò giỏi, là tấm gương sáng để nhiều bạn trẻ phải noi theo.

Em Hòa đang làm đá bào cho khách
Em Hòa đang làm đá bào cho khách

Hôm tôi gặp Hòa, em đang bán đá bào ở con hẻm nhỏ, tối thui nhưng rất đông khách, có nhiều người đợi rất lâu mà không trách móc một câu, bởi ở con hẻm này ai cũng hiểu hoàn cảnh của em. Sau đêm dài mưu sinh, trở về phòng trọ, Hòa vẫn chưa thể nghỉ ngơi vì bài tập ở lớp vẫn đang chờ.

“Cũng có những hôm em mới về tới cửa phòng trọ là muốn ngủ ngay vì mệt, nhưng phải ráng làm bài tập, nhiều khi ngủ gục không hay, đến khi tỉnh thì thấy trời gần sáng”, Hòa kể.

Tôi hỏi Hòa "Mỗi lúc đi bán đá bào, vô tình gặp bạn bè đang hẹn hò hay đi chơi em có thấy mắc cỡ hay chạnh lòng với công việc của mình không?", thì em bảo “Chạnh lòng thì có nhưng không mắc cỡ, bởi mình kiếm tiền bằng sức lao động chân chính mà chị”.

Phạm Tâm