Cha mẹ băn khoăn cho con học chữ trước thềm tiểu học

Quang Trường

(Dân trí) - Theo một số bộ sách thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng học Tiếng Việt được tăng lên nên hết học kỳ một, học sinh lớp một đã phải học hết vần và biết đọc.

Trước yêu cầu đó, nhiều phụ huynh băn khoăn có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không. "Cho con học trước thì tôi sợ con bị áp lực học hành sớm quá. Còn không cho con học thì tôi lại sợ con không theo kịp các bạn khi vào lớp 1", một phụ huynh than thở.

Bất an khi thấy con người ta học trước, con mình thì không

Con trai chị Trần Thanh Tâm (Hà Nội) 5 tuổi, sang năm, cháu sẽ lên lớp 1. Vài tuần trước, trong lúc chờ đón con, chị thấy ở cổng trường xuất hiện tờ rơi giới thiệu các trung tâm dạy chữ cho trẻ mầm non. Cầm tờ rơi, chị Tâm nói với một phụ huynh khác rằng con chị chưa biết chữ, chị cũng không có ý định cho con đi học trước.

"Chị ấy ngạc nhiên và bảo tôi là con chị ấy đã biết đánh vần sau mấy tháng học môn Tiếng Việt ở trung tâm, nếu tôi không sớm cho con đi học thì sẽ rất khó theo kịp các bạn khi vào lớp 1", chị Tâm nói.

Cha mẹ băn khoăn cho con học chữ trước thềm tiểu học - 1
Dù không muốn, nhiều phụ huynh vẫn buộc phải cho con học trước chương trình (Ảnh minh họa: Quang Ninh).

Chị Tâm vội bàn bạc với chồng cho con đi học thêm Tiếng Việt. Chồng chị ban đầu nhất định không đồng ý. Anh cho rằng, bố mẹ tự dạy con ở nhà là được, bắt con đi học từ 5 tuổi sẽ tạo áp lực học hành quá sớm lên con. Con cần được nghỉ ngơi, thư giãn trước khi bước vào cấp học đầu tiên.

"Nhưng tôi nghe trên mạng nói chương trình mới yêu cầu các con phải biết đọc sớm hơn chương trình cũ. Nếu con không học trước thì khó mà theo kịp chương trình học.

Hơn nữa, nếu bố mẹ chỉ tự dạy cho con thì con không được học đúng phương pháp, sau này giáo viên dạy theo cách mới, con sẽ khó tiếp thu. Tôi vẫn nhất quyết cho con đi học thêm. Cuối cùng, chồng tôi cũng phải đồng ý sau nhiều cuộc tranh cãi", chị Tâm nói.

Sau vài tuần học thêm, vợ chồng chị cũng dạy kèm con ở nhà, con trai chị đã biết mặt chữ. Nhưng chị Tâm lại lo con vơi dần hứng thú học tập. Những ngày mới làm quen với bảng chữ cái, con rất hào hứng, đi học về lại lấy vở ra đòi tô màu, "ê a" đọc chữ. Con tập trung nên nhận biết được hàng chữ cái đầu chỉ trong 1 tuần.

Tuy nhiên, sang tuần thứ hai, con bắt đầu chán học. Con không kéo mẹ đến góc treo bảng chữ cái, bắt mẹ dạy học nữa.

"Ở lớp, có thể con sợ cô giáo nên vẫn tập trung học. Nhưng lúc học ở nhà thì liên tục nhìn ra tivi, đòi đi lấy hết cái này đến cái nọ, đi vệ sinh chứ không chịu ngồi yên một chỗ, không thiết tha tô vẽ nữa", chị Tâm lo lắng.

Cha mẹ băn khoăn cho con học chữ trước thềm tiểu học - 2
Cha mẹ lo con mệt mỏi với áp lực học hành quá sớm (Ảnh minh họa: Quang Ninh).

Có nhiều kinh nghiệm hơn chị Tâm, chị Nguyễn Như Quỳnh (Hải Dương) chủ động cho con gái thứ hai đi học chữ từ khi con tròn 5 tuổi.

Chị Quỳnh nhớ lại, con gái lớn của chị từng trải qua năm lớp 1 vất vả, cả vợ chồng chị và cô giáo phải "đánh vật" với con hết năm học, con mới đọc thông chứ chưa viết thạo. Theo chị Quỳnh, lý do là chị không cho con đi học đọc, viết trước khi con vào tiểu học. Vợ chồng chị bận công việc, không tự dạy con ở nhà.

"Tôi chủ quan, tin tưởng là các con ở độ tuổi nào thì chỉ việc học theo chương trình của độ tuổi đó. Tôi không nghĩ là cả lớp con đã được học trước chương trình. Cô giáo cũng nói thẳng là khi các con đã cơ bản đọc và viết được, cô có phương pháp dạy nâng cao hơn chứ không thể chờ mình con tôi "đuổi" theo các bạn.

Rút kinh nghiệm, với con thứ 2, tôi đã lo tìm lớp cho đi học trước chương trình Tiếng Việt. Chương trình học mới ngày càng khó, ngoài môn Tiếng Việt, con sẽ phải học cả Tiếng Anh tự chọn. Nếu tiếng Việt chưa sõi thì tôi không biết con sẽ học tiếng Anh ra sao", chị Quỳnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (Hải Dương) cũng đắn đo mãi mới cho con 5 tuổi đi học chữ trước thềm tiểu học. Anh còn hi vọng sẽ dựa vào các mối quan hệ để biết giáo viên nào sẽ chủ nhiệm lớp con mình, sau đó gửi con đến nhà giáo viên đó để học.

"Việc đó giúp con làm quen với phương pháp giảng dạy, tác phong, tính cách của giáo viên. Hơn nữa, tôi dự định cho con học tiếng Anh ngay từ lớp 1. Vì vậy, con đọc thông, viết thạo ngôn ngữ mẹ đẻ sớm, tôi mới yên tâm gửi con đi học ngôn ngữ khác", anh Hùng nói.

Anh Hùng cho biết, anh rất thương con vì mới 5 tuổi đã phải học thêm. Mỗi tuần 3 buổi chiều, ông nội con phải nấu cơm sớm hơn bình thường. Ông chờ ở cổng trường mầm non, đón con về, cho con ăn cơm, uống sữa. 6 giờ tối, anh Hùng đi làm về, chở con đến nhà cô học tới 7 rưỡi tối mới xong. Tối về, cả nhà lại "rát cổ bỏng họng" để dạy con đọc, viết chữ.

"Cho con học trước thì tôi sợ con bị áp lực học hành sớm quá. Còn không cho con học thì tôi lại sợ con không theo kịp các bạn khi vào lớp 1", anh Hùng than thở.

Học sinh học trước, giáo viên khó, dễ thế nào?

Trao đổi với PV Dân trí, cô Ninh Thị Hà - Giáo viên tại một trường tiểu học ở Ninh Bình cho rằng, nhiều phụ huynh cho con học trước chương trình khiến giáo viên khó dạy bảo khi các em vào học chính khóa.

Theo cô Hà, đa số các em đã biết đọc, viết nên không hứng thú nghe cô giảng bài. Vì được học trước nên sự hào hứng ban đầu của các em đã dành cho thầy cô dạy thêm. Nhiều em tự tin mình đã biết thường hay "nói leo" khi cô hướng dẫn.

Cha mẹ băn khoăn cho con học chữ trước thềm tiểu học - 3
Học sinh học trước chương trình có thể làm khó giáo viên (Ảnh minh họa: Hồng Hạnh).

Ngoài ra, cách dạy của thầy cô trước đó không đồng nhất với phương pháp của giáo viên chính khóa, nhất là với chương trình mới. Vì vậy, các em thường mất một thời gian mới làm quen được với cách dạy của cô.

Những em không được đi học trước dễ hoang mang, tự ti khi thấy bạn đọc trôi chảy còn mình thì ngập ngừng. Phụ huynh cũng sẽ có tâm lý so sánh con mình với con nhà người ta.

"Tôi nghĩ các phụ huynh không nên cho con học trước chương trình. Mỗi cấp học đã được thiết kế chương trình học riêng, phù hợp với lứa tuổi, khả năng học tập của các em. Tôi muốn các em như những tờ giấy trắng khi vào lớp 1. Từ đó, chúng tôi áp dụng chương trình học, phương pháp giảng dạy khoa học để các em được học một cách hiệu quả, công bằng nhất", cô Hà nói.

Khác với cô Hà, cô Nguyễn Thanh Hằng - Giáo viên tiểu học tại Hà Nội lại cho rằng, với chương trình mới, những em nhanh nhẹn thì mới theo kịp. Nhiều em tiếp thu chậm thì sẽ rất vất vả cho cả cô và trò. Vì vậy, nếu có điều kiện, phụ huynh nên cho con học trước, nhưng phải gửi con tới giáo viên đang dạy trong các nhà trường.

Cô Hằng đánh giá, Sách mới "nặng" so với năng lực của trẻ 6 tuổi. Trước đây, đến tuần thứ 25, học sinh mới phải học vần và luyện đọc. Hiện tại, ở một số bộ sách, hết học kỳ 1, học sinh đã phải biết đọc lưu loát. Thời lượng học Tiếng Việt trong tuần được tăng lên. Số lượng âm, vần phải học trong mỗi bài tăng. Ví dụ, thay vì chỉ phải học 2 âm, vần trong một bài, giờ các con phải học gấp đôi.

Trước đây, thường là sang tuần 25, học sinh mới phải viết chữ một ly. Bây giờ, từ tuần thứ 16, các con đã phải chuyển từ cỡ chữ to xuống cỡ chữ nhỏ.

*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi