Cha đánh con chảy máu tay vì chơi game: Phương pháp giáo dục này có đúng?

(Dân trí) - Quát mắng, đánh đòn… là phương pháp mà nhiều phụ huynh sử dụng để giáo dục con trẻ. Tranh luận về vấn đề này đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Những ngày qua, báo chí phản ánh vụ cha đánh con chảy máu tay vì chơi game ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã gây nên sự bức xúc lớn trong dư luận. Cụ thể, người cha vì quá buồn lòng chuyện con trai ham chơi đã dùng thanh tre đánh cháu. Do thanh tre mỏng, vỡ nên cạnh cật sắc đã cứa vào tay bé gây chảy máu.

Người mẹ cháu bé cho biết, con trai đang theo học lớp năm chuẩn bị chuyển cấp lên lớp 6. Gia đình rất lo cho chuyện học hành của bé. Hiện tại bé đã ổn định tâm lý, đi học lại bình thường.

Cha đánh con chảy máu tay vì chơi game: Phương pháp giáo dục này có đúng? - 1

Hình ảnh cháu bé bị thương ở tay chảy máu gây xôn xao cộng đồng. (Ảnh: HT - Báo Pháp luật TPHCM)

Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên mà báo chí phản ánh những vụ việc bạo hành trẻ em gây nên những hậu quả đau lòng như vậy. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo: Việc các bậc phụ huynh dùng roi vọt, vũ lực để giáo dục con cái có phải là một phương pháp tốt?.

Một số người đồng tình nên phạt đòn khi con quá vô kỷ luật; song cũng có nhiều ý kiến phản đối bởi hình phạt bằng đòn roi sẽ gây tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hành động của trẻ.

Con hư là… ăn đòn!

Việc lựa chọn phương pháp nào để rèn giũa con nên người là nỗi băn khoăn chung của nhiều bậc cha mẹ. Hầu hết các bậc phụ huynh hiện đại đều suy xét đến chuyện có nên dùng đòn roi để dạy dỗ trẻ hay không nhưng rồi đa phần cũng tặc lưỡi cho qua vì không biết làm gì khác.

Là mẹ của hai đứa con, chị L. (Hải Phòng) thừa nhận: "Thú thực tôi đã từng áp dụng phương pháp dạy con bằng roi vọt mỗi khi con hư, kết quả học tập kém hay nói dối ông bà/cha mẹ".

Tương tự, anh Nguyễn Văn H. (Nam Định) chia sẻ, mỗi khi con mắc lỗi, anh sẽ thường la mắng, thậm chí đánh đòn con cái.

Có một sự thật mà chúng ta cần thừa nhận: Không ít gia đình hiện nay vẫn áp dụng phương pháp dạy con bằng đòn roi. Trong đó, mức độ nặng, nhẹ tùy thuộc vào mức độ sai phạm của các em.

Một số phụ huynh đánh con vì tin rằng đó là một phương pháp kỷ luật hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều người lớn lại đánh con như một cách để giải tỏa sự căng thẳng, ức chế khi con bướng bỉnh không chịu nghe lời. Tuy nhiên, sau những giây phút cảm giác được thoải mái, nhẹ lòng vì đánh con thì họ lại bắt đầu cảm thấy hối hận, day dứt.

"Sau mỗi lần đánh con, tôi cảm thấy hối hận vô cùng, thường tự nhủ với bản thân lần sau sẽ kiềm chế cơn nóng giận. Tuy nhiên, những lần tiếp theo con mắc lỗi hay bướng bỉnh, tôi lại không làm chủ được bản thân và tiếp tục đánh đòn con cái" - chị L. tâm sự.

Anh H. cũng cảm thấy xót và thương sau những lần các con phải "nằm sấp" chịu roi đòn. Song, vị phụ huynh này lại rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi một nửa thương con, một nửa lại suy nghĩ "đánh con là một phương pháp răn đe và giúp con nên người".

Sau đòn roi lại lì lợm hơn trước

Dù vì lý do gì thì việc dùng bạo lực để dạy dỗ con cũng sẽ tác động rất lớn đến tâm hồn và thể chất của trẻ. Chị Thủy (Vĩnh Phúc) trải lòng, sau mỗi lần chịu đòn roi, con chị lại trở nên bướng bỉnh và thiếu tự tin hơn một chút.

Giống với chị Thủy, anh H. cũng giãi bày nỗi băn khoăn của mình: "Sau những lần bị đánh, tính tình cháu thay đổi rất nhiều, không phải tốt lên mà thay vào đó là ngày càng ương bướng, lì lợm hơn. Tôi nhận ra rằng là mình đã chọn sai phương pháp dạy con rồi. Ông bà xưa có câu "thương cho roi cho vọt" nhưng có lẽ với thực tế hiện tại thì đó lại không còn là một phương pháp dạy con đúng nữa".

Thực tế cho thấy, việc đánh đập, chửi mắng không những không giúp ích cho việc giáo dục trẻ mà điều này còn phản tác dụng, khiến đứa trẻ lì đòn, cứng đầu và có khả năng phạm lỗi nặng hơn.

Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc cha mẹ đánh đòn con trẻ sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề. "Trừng phạt đòn roi chưa chắc đã khiến trẻ làm theo những gì người lớn muốn, có chăng chỉ là học được một tấm gương bạo lực từ người lớn. Điều này sẽ gây nên vòng luẩn quẩn bạo lực trong gia đình, xã hội".

Trong các phương pháp dạy con, đánh đòn có lẽ là chủ đề tranh luận gay gắt và lâu nhất giữa các bậc phụ huynh. Bên cạnh những luồng ý kiến phản đối việc dạy dỗ bằng cách đánh đòn, thì nhiều người vẫn một mực cho rằng việc đánh mắng trẻ là một phần "văn hóa" trong gia đình người Việt, bởi người ta vẫn hay có câu "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi".

Mục đích dạy dỗ của các bậc làm cha, làm mẹ hoàn toàn khác so với mục đích của những kẻ bạo hành. Tuy nhiên, với trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương về thể chất và tâm hồn, thì ranh giới giữa việc bạo hành và việc dạy dỗ trong nhiều trường hợp là khá mong manh.

Giáo dục hiện đại: Làm bạn cùng con!

Sau những trận đòn roi chẳng mấy hiệu quả, chị L. đã thay đổi phương pháp dạy con. Chị chia sẻ: "Tôi thường phân tích lỗi sai của các cháu và định hướng cho con cách giải quyết. Hay đôi khi, tôi hứa rằng nếu con tiến bộ thì sẽ được mẹ thưởng. Nếu con hư quá, tôi sẽ dùng hình phạt như úp mặt vào tường, hay ngồi một chỗ theo thời gian phạt".

Chị Thủy lại cho rằng, nếu cha mẹ muốn dùng đòn roi thì nên dùng làm sao cho trẻ nể phục chứ không phải mục đích cho con sợ. "Khi con phạm lỗi lần đầu, lần hai tôi sẽ chỉ cho con chỗ sai và khuyên răn một cách nhẹ nhàng. Nhưng nếu chúng phạm lỗi đến lần thứ ba thì tôi sẽ cảnh cáo bằng 1,2 roi. Sau mỗi lần như thế, dù đau nhưng chúng rất vui vẻ chấp nhận, xem như động lực phấn đấu và không hề có tâm lý sợ hay giận cha mẹ".

Thế nhưng, dù bằng cách này hay cách khác thì các bậc cha mẹ nên "làm bạn với con trước khi dạy dỗ con". Cha mẹ hãy học cách kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu những suy nghĩ của con. Điều này sẽ giúp con dần cảm nhận được sự quan tâm, sẽ tự động mở lòng và nghe lời bố mẹ.

"Ngoài ra, cha mẹ cũng cần rộng lượng hơn trước lỗi lầm của con, tuyệt đối không gán nhãn con với những cụm từ tiêu cực như "hư bẩm sinh" hay "dốt bền vững"; đồng thời mở ra cái nhìn mới về thế mạnh, cá tính của trẻ", PGS. TS Trần Thành Nam trường ĐH Giáo dục, ĐH QGHN nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh.

Phương Hoa - Thảo Trang

Mọi ý kiến góp ý về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!