Cây cầu khuyến học, thoát nghèo của bản Khuông

(Dân trí) - Từ khi có cây cầu vượt suối, hàng ngày các em học sinh của bản Khuông đến trường không còn bị lo ngã xuống suối. Mùa mưa lũ không phải nghỉ học ở nhà. Cây cầu vượt suối Hang Bang không chỉ giúp học sinh đi học mà còn giúp dân bản Khuông thoát nghèo.


Trưởng bản kiêm “kỹ sư” xây cầu

Bản Khuông nằm cách trung tâm xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa chưa đầy 1km nhưng đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn khi bị cô lập với bên ngoài bởi con sông Luồng và dòng suối Hang Bang. Từ các vùng ngoài, muốn đến được bản Khuông phải vượt cây cầu khỉ bắc qua sông Luồng do người dân bản tự làm. 

Cây cầu khỉ bắc qua sông Luồng đi vào bản Khuông.
Cây cầu khỉ bắc qua sông Luồng đi vào bản Khuông.

Vào mùa mưa lũ, cây cầu khỉ này không thể sử dụng được do nước sông dâng cao lại chảy xiết. Năm 2014, bản Khuông được hỗ trợ làm đường vào bản. Tuy nhiên, con đường này khi tới suối Hang Bang lại không được xây đập tràn hay cầu kiên cố khiến người dân trong bản phải dựng cầu tạm bằng tre, luồng hay thân cây cọ để qua suối.

Thấy được những khó khăn mà người dân bản gặp phải khi không có cầu qua suối, trưởng bản Khuông là ông Ngân Văn Sung (SN 1970) đã nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm cách làm sao để người dân trong bản không phải gặp khó khăn mỗi khi qua suối giao thương với bên ngoài. Nhất là các cháu học sinh mỗi khi đến trường trong mùa mưa lũ.

“Con suối Hang Bang mùa khô thì nước rất nhỏ, nhưng khi mùa mưa lũ nước dâng rất cao. Cây cầu vượt suối bằng thân cây do bà con trong bản làm chỉ được thời gian ngắn là hư. Đi lại rất khó khăn, hay xảy ra tai nạn nên tôi rất lo và luôn ao ước có được một cây cầu vững chắc cho người dân sử dụng lâu dài”, ông Sung chia sẻ.

Trưởng bản Khuông kiêm “kỹ sư” xây cầu Ngân Văn Sung bên cây cầu do mình thiết kế.
Trưởng bản Khuông kiêm “kỹ sư” xây cầu Ngân Văn Sung bên cây cầu do mình thiết kế.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Sung đã đưa ra quyết định, chỉ có làm cầu bằng bê tông cốt thép mới được bền lâu, mùa nước lũ mới không bị cuốn trôi. Như vậy, người dân bản Khuông mới bớt khó khăn. Tuy nhiên, làm cầu bằng bê tông thì chi phí rất cao, không biết lấy tiền đâu ra vì người dân trong bản đều nghèo. 

Khó khăn là vậy nhưng ông Sung vẫn không nảm chí, lúc nào trong ông cũng nung nấu sẽ phải làm bằng được cây cầu cho bà con trong bản. Bằng kiến thức làm thiết kế xây dựng vốn có của mình trong lần làm nhà cho người em trai. Mỗi ngày đi làm về, ông Sung lại tranh thủ ra suối dùng thước đo đạc, căn chỉnh… Đêm về, ông đem giấy bút ra nhẩm tính số nguyên vật liệu dùng để xây dựng cầu. Khi đã có được thiết kế cũng như tổng dự toán của công trình, ông Sung đã đến từng hộ gia đình vận động bà con, sau đó tổ chức cuộc họp để trình bày cho bà con biết nguyện vọng của mình muốn làm cầu.

Biết được nguyện vọng của trưởng bản Sung, người dân trong bản Khuông đã đồng ý và hăng hái tham gia. Đây không chỉ tâm nguyện của ông Sung mà còn là mong ước của người dân trong bản bấy lâu nay. Hộ gia đình nào cũng gom góp của cải, vật chất để cùng làm cầu. 

Các em học sinh tự tin mỗi khi qua cầu đến trường mà không lo bị ngã xuống suối.
Các em học sinh tự tin mỗi khi qua cầu đến trường mà không lo bị ngã xuống suối.

24 hộ gia đình với 116 nhân khẩu ở bản Khuông đã đóng góp tiền và ngày công trong việc xây dựng cầu theo sự chỉ đạo của ông trưởng bản kiêm “kỹ sư” xây cầu. Chỉ trong một tháng, cây cầu bê tông cốt thép dài 12m, rộng 2m, cao 4,5m đã được hoàn thành ngoài mong đợi của ông Sung và bà con dân bản…

Cầu khuyến học, thoát nghèo

Kể từ khi cây cầu suối Hang Bang của bà con bản Khuông được khánh thành và đưa vào sử dụng. Hàng ngày có đến hàng chục lượt người qua lại trên cầu. Đông nhất là các em học sinh trong bản. Mỗi ngày các em đến trường hai lần đều đi về qua cây cầu này. Có cầu mới rộng rãi và chắc chắn, mỗi khi đi qua suối Hang Bang, các em học sinh ở bản Khuông không còn phải lo trượt chân ngã xuống suối ướt, bẩn hết quần áo sách vở như trước khi đi qua cầu bằng thân cây cọ.

“Thời gian đầu khi mới có cầu mới, không chỉ các cháu học sinh mà bà con dân bản ai cũng thích thú, vui mừng. Ngày nào cũng tụ tập đến cầu chơi và ngắm ngía. Người dân trong bản ai cũng nghĩ, không ngờ bản mình lại có được cây cầu chắc chắn và đẹp đến như vậy”, ông Sung chia sẻ.

Em Len Văn Tuấn, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nam Xuân tâm sự: “Có cầu mới ngày nào cháu đi học cũng yên tâm khi qua suối, không còn lo bị ngã nữa. Bố mẹ không phải dẫn qua cầu như trước kia nữa. Cháu rất thích và yêu cây cầu này”.

Không chỉ em Tuấn mà nhiều học sinh khác trong bản cũng chung tâm trạng. Cho dù trời mưa, nước lũ có dâng cao các em cũng không sợ phải nghỉ học ở nhà nữa vì cây cầu vượt suối được làm chắc chắn và cao hơn mực nước suối dâng lên trong mùa mưa lũ rất nhiều. Ngoài các em học sinh, từ khi có cầu suối Hang Bang, người dân bản Khuông cũng được thuận lợi hơn trước kia rất nhiều trong việc đi lại giao thương với bên ngoài. Việc vận chuyển hàng hóa từ bản ra bên ngoài và ngược lại đều đi qua cầu cũng rất thuận lợi.

Bà Ngân Thị Nặng (SN 1966) chia sẻ: “Người dân bản có được cây cầu chắc chắn và đẹp như ngày hôm nay là công lớn của trưởng bản Sung. Có cầu rồi, dân bản đi ra ngoài buôn bán, vận chuyển thuận lợi, không lo bị nghèo bị đói nữa. Người dân chúng tôi rất thích cây cầu này”.

Cây cầu vượt suối Hang Bang thể hiện tình đoàn kết, khuyến học của người dân bản Khuông.
Cây cầu vượt suối Hang Bang thể hiện tình đoàn kết, khuyến học của người dân bản Khuông.

Do được thiết kế thủ công nên “kỹ sư” xây cầu Ngân Văn Sung cũng không biết được cây cầu có thể chịu đựng trọng tải là bao nhiêu. Vừa dẫn chúng tôi đi trên cầu, ông Sung vừa tự tin nói: “Ngày nào bà con trong bản cũng đi qua cầu để đi làm, có hôm còn có cả chục con trâu đi qua. Hôm nhiều nhất là cả trăm người cùng đi đưa tang qua nhưng cầu vẫn không sao cả. Nó chắc chắn lắm, phải chịu được cả chục tấn đó”.

Chỉ với hơn 20 triệu đồng, từ số tiền đóng góp của bà con dân bản Khuông đã có một cây cầu kiên cố là điều ngoài sức tưởng tượng của bà con nơi đây. Ngoài ra, các hộ gia đình cũng chung sức đóng góp nguyên vật liệu như cát, sỏi… để hoàn thiện cây cầu “khuyến học” cho con em trong bản đến trường. Đây cũng là cây cầu thoát nghèo của người dân bản Khuông...

Thái Bá

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!