Cậu học trò nghèo học giỏi Toán

(Dân trí) - Say mê học Toán, em Trần Văn Cường vừa đạt giải Ba môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Cậu học trò lớp 12A1 Trường THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để cứu chữa cho những người nghèo đau yếu như cha của em...

Trước thềm năm mới Giáp Ngọ, tin Trần Văn Cường đạt giải Ba quốc gia môn Toán với số điểm 18,5 đã đem niềm vui đến với ngôi trường mang tên Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trên quê hương hiếu học.

Thầy Phan Đăng Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, người trực tiếp dạy Toán 3 năm của Cường cho biết: “Từ lớp 10, tôi đã thấy Cường có tư chất và tố chất học Toán. Em rất thông minh, có khả năng phát hiện vấn đề và sáng tạo trong giải quyết vấn đề, trình bày bài toán sáng rõ, mạch lạc”.
 
Qua tìm hiểu được biết thành tích học tập của Cường rất ấn tượng, liên tục là học sinh giỏi (HSG) từ tiểu học đến THPT, đạt giải Nhất, Nhì môn Toán trong kì thi HSG tỉnh lớp 10-11.

Đến năm lớp 12, được gọi vào đội tuyển dự thi HSG quốc gia, Cường còn ngại ngần vì không biết có “đấu” nổi với các anh tài của trường Chuyên hay không; và sợ ảnh hưởng đến việc ôn thi ĐH. Thầy Phan Đăng Nhân đã động viên Cường đi thi, thầy Nhân khẳng định trước lớp: “Cường cứ tự tin tham dự đội tuyển, năng lực của em có thể đạt giải Ba. Còn sau khi em dự thi xong về ôn thi ĐH cũng chưa muộn”.

Trong lớp, cậu học trò Trần Văn Cường rất chăm phát biểu xây dựng bài
Trong lớp, cậu học trò Trần Văn Cường rất chăm phát biểu xây dựng bài.

Cô Đinh Thị Phi Long - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 nói: “Cường học rất xuất sắc, giỏi đều các môn. Em đặc biệt chăm chỉ và ngoan ngoãn, cố gắng vươn lên với một nghị lực phi thường”. Còn em Nguyễn Minh Hoàng, lớp trưởng 12A1 tự hào vì có một thành viên của lớp đã đạt giải quốc gia môn Toán. “Bạn Cường là lớp phó học tập của lớp em. Bạn rất hòa đồng, nhiệt tình với bạn bè. Ngoài học rất “siêu”, Cường còn tích cực tham gia các phong trào của lớp”, Hoàng chia sẻ. 

Thầy Trần Xuân Phượng - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Một học trò trường làng “chen chân” vào đội tuyển dự thi quốc gia đã khó, đạt giải lại càng khó, vì trò giỏi, thầy giỏi hầu hết đã hội tụ về trường Chuyên tỉnh. Em Cường đạt giải Ba có thể nói là một điều kì diệu, vì hoàn cảnh gia đình em hết sức khó khăn”.  

Nhà Cường ở thôn Trung Nam, xã Trung Lễ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bố em là ông Trần Văn Như vốn sức khỏe yếu, đau ốm liên miên, từ năm 1999 mắc bệnh mất trí nhớ, đi điều trị khắp nơi nhưng không có kết quả. Đến nay, bố em chỉ quanh quẩn trong nhà, không làm được việc gì. 

Mẹ em, bà Nguyễn Thị Trung làm nghề nông, một tay cáng đáng nuôi con (nhà Cường có 5 anh chị em, Cường là con út) và người chồng đau yếu kinh niên. Tất cả chỉ trông cậy vào 5 sào ruộng khoán, may lắm lo đủ gạo ăn chèo chống qua ngày. Đến nay các anh chị của Cường đã trưởng thành, chủ yếu đi làm công nhân ở miền Nam, đồng lương eo hẹp không giúp gì được cho bố mẹ và em. Gia đình thuộc diện hộ nghèo từ năm hàng chục năm nay.

Khi chúng tôi đến nhà, gặp bố Cường - ông Trần Văn Như người gầy gò, mái tóc bạc xác xơ, nói không rõ tiếng, trí nhớ không còn minh mẫn. Còn mẹ em cũng đã già yếu nhưng vẫn phải gánh vác công việc đồng áng. Nhắc đến hoàn cảnh gia đình, bà Trung nghẹn lời, hai hàng nước mắt chứa chan: “Cường tội lắm, lúc nhỏ ăn uống không đủ chất nên không được cao lớn như bạn bè. Đi học về, rời quyển sách là chăn trâu, đi cấy, đi gặt giúp mẹ. Quần áo cũng không đủ ấm. Mẹ chỉ lo đủ sách giáo khoa, còn sách tham khảo thì chủ yếu Cường mượn thầy cô, bạn bè”.

Gia cảnh khó khăn nhưng Cường luôn chăm chỉ học tập để đạt kết quả cao
Gia cảnh khó khăn nhưng Cường luôn chăm chỉ học tập để đạt kết quả cao.

“Tôi nông dân ít học, không bày vẽ, kèm cặp được gì cho con. Tất cả là nhờ các thầy cô giúp đỡ”, bà Trung thành thật nói. Nhà cách trường độ 1 km, Cường không có xe đạp, sau đó được Hội khuyến học tặng xe đạp, em mới thoát cảnh cuốc bộ.

“Lúc chuẩn bị đi ôn thi đội tuyển quốc gia, em lo nhất là không đủ chi phí. Nhưng nhà trường và các thầy cô và các bạn đã động viên, giúp đỡ em rất nhiều về tinh thần và vật chất. Thầy Nhân thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên. Trời lạnh, thầy hỏi em đã có chăn chưa để thầy gửi vào cho. Em tự nhủ phải cố gắng để không phụ tình cảm của các thầy cô và các bạn”, Cường tâm sự.

“Hoàn cảnh của Cường rất đáng thương. Khả năng của Cường thì vào ĐH không phải là vấn đề. Cái đáng lo nhất là điều kiện kinh tế của gia đình không thể lo cho em theo học”, cô Đinh Thị Phi Long bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Trung, mẹ Cường nói: “Dù khó đến mấy tôi cũng cố lo cho con ăn học. Vay mượn mà không đủ thì tôi bán nhà đi lo cho con”.

Cường có mong ước cháy bỏng là theo học ĐH Y, trở thành bác sĩ để cứu chữa cho những người nghèo đau yếu như người cha của em. Cường rất thương cha. Em sợ nhất là khi mình đã trở thành bác sĩ thì cha không còn nữa... 

Quang Đại