Tiền Giang:

Cậu học trò làm thuê kiếm tiền nuôi giấc mơ giảng đường

(Dân trí) - Cha mẹ chia tay nhau, em Lê Tấn Vũ côi cút một mình, tự học, tự kiếm việc làm thêm lấy tiền mua sách vở. Kỳ tuyển sinh ĐH vừa rồi, cậu học trò quê Tiền Giang đỗ 2 trường ĐH, nhưng em đang lo không biết làm sao “đặt chân” vào giảng đường.

Côi cút một mình từ nhỏ

“Ý chí là con đường về đích sớm nhất”, xin mượn câu nói này để nói về em Lê Tấn Vũ ( cựu học sinh lớp 12A2, Trường THPT Đốc Binh Kiều (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Cậu học trò trường huyện ấy cùng lúc trúng tuyển cả 2 trường đại học công lập ở TPHCM: ĐH Khoa học Tự nhiên khối A ngành Công nghệ thông tin với tổng điểm là 24; ĐH Nông Lâm khối B, tổng điểm 23.

Vũ là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân ở ấp Quí Chánh, xã Nhị Quí. Nhà của Vũ thuộc một trong những hộ cận nghèo gặp khó khăn trong xã. Ba và mẹ chia tay nhau khi Vũ còn rất nhỏ. Mẹ đi lấy chồng khác. Vũ sống với cha. Do ở quê không có việc làm, cha em xin làm bốc vác cho một xí nghiệp chế biến cá ở tận Bình Đức (Mỹ Tho), khoảng 2 - 3 ngày cha về nhà, cho Vũ một ít tiền để đóng tiền học hay mua gạo.

Cậu học trò xịt thuốc thuê kiếm tiền đi học ĐH
Cha mẹ chia tay nhau ngay từ nhỏ nên Vũ phải học cách tự chăm sóc bản thân, tự kiếm việc làm thêm lấy tiền mua sách vở tự học.
 
Nhà chỉ có một mình, nên từ nhỏ, Vũ phải tự lo cho mình. Ngôi nhà đã vắng nay càng thêm vắng khi Vũ học lớp 9 thì cha em cũng đã tìm được hạnh phúc mới và theo quê vợ ở Long Tiên. Mỗi tuần, cha về thăm, trích lại một phần tiền ít ỏi từ công việc bốc vác thuê mà cha chắt chiu, dành dụm được để lo việc học của Vũ.
 
Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Lê Tấn Vũ. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Vũ để độc giá có thể chia sẻ với em. Số điện thoại: 0165 787 2770 (địa chỉ: ấp Quí Chánh, xã Nhị Quí, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)
Những buổi không có giờ học ở lớp hay vào ngày chủ nhật, trong khi các bạn của mình được vui chơi, giải trí, thư giãn sau một tuần học tập thì Vũ lại đi xịt thuốc cỏ hay cắt tỉa cành nhãn cho những vườn gần nhà để kiếm thêm tiền. Mỗi tối, sau khi học bài xong, Vũ  ngồi cặm cụi tách vỏ, bóc cơm nhãn sấy. Một ký cơm nhãn, em được trả tiền công là 5.000 đồng. Em chắt chiu, dành dụm số tiền đó lại mua sách vở, tài liệu tham khảo để học. Thương cha sớm hôm vất vả nên Vũ  càng cố gắng hơn trong việc học.

Ngôi nhà tranh vách lá của Vũ tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng, ngăn nắp. Lúc chúng tôi đến, gặp Vũ đang loay hoay chèn lại những tấm lá trên nóc nhà để chống dột. Em cho biết, khi xem điểm chuẩn của các trường, biết mình đậu đại học, em mừng lắm nhưng lòng lại canh cánh một nỗi niềm lo lắng, trăn trở khôn nguôi khi nghĩ đến tương lai sắp tới của mình.

Sẽ đi làm thêm… nếu “đặt chân” vào giảng đường

Có lẽ hoàn cảnh gia đình đã rèn cho Vũ ý chí phấn đấu nên em học rất giỏi. Năm học nào, em cũng được xếp loại học sinh giỏi toàn diện. Điểm bình quân bao giờ cũng trên 8,5.  Khi chỉ mới học lớp 11, Vũ đã đạt được giải Khuyến khích trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa. Đến năm học lớp 12, em đạt giải Nhì môn Hóa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Không có điều kiện để đăng kí học thêm hay luyện thi nên ngoài kiến thức thầy cô cung cấp cho mình ở trường, em mua thêm sách vở, tài liệu tự mài mò để củng cố thêm kiến thức. Những điều nào không hiểu được, em nhờ thầy cô giải đáp hộ. Thương cậu học trò nghèo, thông minh lại chăm học nên thầy cô ở Trường THPT Đốc Binh Kiều thường tạo điều kiện giúp đỡ em.

Cậu học trò xịt thuốc thuê kiếm tiền đi học ĐH
Nếu được đặt chân vào giảng đường ĐH, Vũ không nề hà việc gì miễn là việc làm chính đáng có tiền để đi học.

Thi đỗ tốt nghiệp xong, không có tiền đăng kí luyện thi, em chỉ học ôn thi tại trường và mượn lại tập của các bạn cùng lớp luyện thi ở các trung tâm để photo và xem lại cách giải và phương pháp làm bài của các đề thi để học và rút kinh nghiệm, tìm tòi, mày mò bổ sung thêm kiến thức của mình để vun đắp cho ước mơ trở thành một kỹ sư tin học.

Hỏi về kinh nghiệm học tập, Vũ chia sẻ: “Đi học về phải ôn lại nội dung bài vừa học ngay để khắc sâu kiến thức, ngoài ra phải vận dụng làm lí thuyết đã học để làm bài tập thật nhiều thì mới nhớ nhiều. Đặc biệt, em đã áp dụng rất tốt phương pháp học “ Bản đồ tư duy” để hệ thống hóa nội dung trọng tâm, khắc sâu kiến thức đã học”.

Nhà nghèo, giờ đây Vũ không biết xoay sở thế nào để có một khoản tiền lớn đóng học phí, tiền mua sách vở, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn và nhiều khoản khác... để em được “đặt chân” vào giảng đường đại học.

Nghe Vũ tâm sự mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng: “Khi lên Sài Gòn, em sẽ kiếm việc làm thêm, em sẽ không nề hà bất cứ công việc nào miễn là công việc ấy lương thiện để kiếm tiền đi học. Hiện tại, tranh thủ lúc chưa nhập học, em cố gắng kiếm việc làm thêm, lột nhãn để dành mua một cái máy vi tính vì em biết học ngành công nghệ thông tin nếu không có máy vi tính thì gặp nhiều khó khăn trong việc học…

Diệu Hiếu - Nguyễn Hành

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn