Nghệ An:

Cậu học trò khuyết tật đến trường trên đôi chân hàng xóm

(Dân trí) - Di chứng chất độc da cam từ bố khiến Phan Sỹ Tân gần như không còn khả năng vận động. Con đường đến trường của Tân cực kỳ gian nan nhưng vượt qua tất cả, cậu bé tật nguyền xứ Nghệ đã giành được nhiều thành tích đáng nể trong học tập.

Phan Sỹ Tân trong giờ học trên lớp. 
Phan Sỹ Tân trong giờ học trên lớp. 

Nỗi đau da cam

Sau thời gian chiến đấu ở chiến trường, ông Phan Sỹ Tài (xóm Yên Xuân, xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An) mới lập gia đình. Hai ông bà sinh được 5 người con thì 2 người con út bị nhiễm di chứng chất độc da cam từ bố. Ngay từ khi sinh ra, chị em Phan Thị Hương (SN 1988) và Phan Sỹ Tân (SN 1996, hiện là học sinh lớp 12C4, Trường THPT Đặng Thúc Hứa) đã bị khuyết tật vận động và khả năng nói. May mắn hơn chị mình khi đầu óc của Tân hoàn toàn tỉnh táo.

Bà Phan Thị Đào, mẹ của Tân cho biết: “Từ nhỏ, hai đứa đã không thể tự làm được việc gì cả, ngay cả việc vệ sinh cá nhân. Bố, mẹ và 3 anh đều phải thay nhau chăm sóc cho 2 chị em. Trước đây em Hương còn đi lại được nhưng vài năm gần đây thì liệt hẳn, chỉ có thể ngồi một chỗ, không nhận thức được gì. Riêng em Tân thì chỉ nhúc nhắc được bàn tay trái nhưng may mắn là đầu óc của Tân phát triển bình thường”.

Phan Sỹ Tân trong giờ học trên lớp. 
Để có thể đi học là cả một sự cố gắng không hề nhỏ của cậu bé tật nguyền do di chứng chất độc da cam.

Mặc dù không có khả năng vận động và rất khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ bằng ngôn ngữ nhưng lên 4 tuổi, Tân vẫn nằng nặc đòi mẹ mua sách vở để đi học. Một phần vì thương con, phần vì không tin con có thể học hành như bạn bè cùng lứa nên ông bà Tài không cho đi.

“Bảo Tân ở nhà thì nó khóc lóc, đòi đi học cho bằng được. Chiều nó, mẹ cũng sắm cho cái bảng, hộp phấn để cho nó đi theo chúng bạn thôi. Cứ sáng mẹ bồng ra lớp, trưa đón về. Hết năm học mẫu giáo, cô giáo đến nhà bảo mua sách vở cho cháu lên lớp 1 vì Tân tiếp thu nhanh, chỉ có điều hơi khó khăn trong việc cầm bút. Nó siêng lắm, học thâu đêm suốt sáng, có những khi gần sáng, tôi thức giấc vẫn thấy Tân cặm cụi trên bàn học”, bà Đào kể tiếp.
Các bạn cùng lớp cõng Tân ra chơi.
Các bạn cùng lớp cõng Tân ra chơi.

Tân ngồi học mà cứ như nằm bẹp trên bàn, đầu gối lên cánh tay phải và viết bằng tay trái. Những ngón tay co quắp giữ lấy ngòi bút và đưa đi một cách khó nhọc. Bởi vậy, những con chữ hiện ra ngoằn ngoèo, lộn xộn. Nhưng bù lại, Tân tiếp thu kiến thức rất nhanh và có năng khiếu trong các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Tin học.

Cố gắng diễn đạt một cách khó khăn, Tân cho biết em ước mơ trở thành kỹ sư Công nghệ thông tin. “Chị Hương thiệt thòi hơn em. Em cố gắng học cho cả phần của chị nữa”, Tân tâm sự.

Các bạn cùng lớp cõng Tân ra chơi.
Chồng công tác xa, 3 đứa con khôn lớn, bà Đào một tay chăm sóc 2 đứa con tật nguyền. Người mẹ này đã không kìm được nước mắt khi nói về cậu con út rất ham học dù số phận không may mắn.

Nói về em Tân, thầy Phan Thanh Ngọc, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C4 Trường THPT Đặng Thúc Hứa cho biết: “Phan Sỹ Tân là học sinh rất đặc biệt. Do bị di chứng chất độc da cam nên Tân gặp nhiều khó khăn trong vận động và ngôn ngữ. Bù lại, em tiếp thu nhanh và có phần nổi trội hơn các bạn. Tổng kết mỗi kỳ và hàng năm, Tân luôn nằm trong top đầu của lớp”.

Đến trường trên đôi chân hàng xóm

Trước nay, do bố Tân công tác xa nhà nên việc đưa đón Tân đi học đều do mẹ đảm nhận. Ba người anh lớn đã thoát ly nên sáng sớm, sau khi hoàn tất công việc vệ sinh cá nhân cho 2 chị em, bà Đào buộc Hương vào thành giường và chở Tân đến lớp..

“Năm ngoái, trong lúc chở Tân đi học hai mẹ con bị ngã. Sau đó lại tiếp tục bị ngã lần nữa nên tôi không dám chở con tới trường. May quá, có cháu Hưng hàng xóm nhận lời đưa đón Tân đi học giúp”, bà Đào cho hay.

Các bạn cùng lớp cõng Tân ra chơi.
Phan Văn Hưng - người hàng ngày vẫn đưa Tân đi học bởi không muốn Tân phải dang dở con đường học hành như mình.

Đúng giờ tan lớp, Phan Văn Hưng lại có mặt để cõng Tân ra xe.
Đúng giờ tan lớp, Phan Văn Hưng lại có mặt để cõng Tân ra xe.

Vậy là từ đầu năm lớp 12 tới nay, anh hàng xóm Phan Văn Hưng đều đặn đưa Tân đi học, kể cả khi đi học thêm. Hưng chia sẻ: “Do hoàn cảnh nên em chỉ học hết lớp 9. Sau một thời gian đi làm thuê khắp nơi, em trở về nhà. Hiện giờ cũng chưa có công việc nên em đưa Tân đi học giúp gia đình bác Đào thôi”.

Vậy là bất kể mưa gió, rét mướt, cứ đúng 6h30, Hưng có mặt tại nhà Tân để đưa Tân tới trường rồi căn đến giờ tan học để đến đón về. Hưng nắm rõ lịch học của Tân rất rõ, kể cả lịch học thêm. Ngày mùa màng, là lao động chính trong nhà nhưng Hưng cũng phải sắp xếp công việc ổn thỏa để đưa đón cậu bé hàng xóm đi học.

Đều đặn không kể mưa nắng, Hưng đưa đón Tân đi học từng ngày.
Đều đặn không kể mưa nắng, Hưng đưa đón Tân đi học từng ngày.

“Mỗi lần đưa đón Tân đi học em đều có cảm giác như chính mình đang được tới trường. Em cũng thích đi học nhưng giờ từng này tuổi rồi khó mà thi lại được nữa nên em không muốn Tân phải dang dở ước mơ được tới trường”, Phan Văn Hưng tâm sự.

Ông Trần Đình Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa cho biết: “Phan Sỹ Tân là một tấm gương về vượt lên số phận. Năm học 2012-2013, Tân đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi môn Tin học cấp trường. Học kỳ một vừa rồi, các môn tự nhiên của Tân đều đạt điểm giỏi, từ 8-9 điểm. Đối với những em học sinh chưa có ý thức học tập cao hay thường mắc lỗi, tôi vẫn yêu cầu các em viết bài cảm nghĩ về Tân để các em tự xét lại bản thân mình”.

Hoàng Lam