Đồng Tháp:

Câu chuyện nỗ lực vượt khó của 10 tổ ấm Tiến sĩ

(Dân trí) - Dù công tác ở tỉnh “khuất nẻo” Đồng Tháp nhưng tinh thần hiếu học của giảng viên trường ĐH Đồng Tháp không hề thua kém đồng nghiệp các thành phố lớn. Từ ý chí và “bệ phóng” của ban giám hiệu nhà trường, 10 cặp giảng viên đăng ký và chinh phục thành công học vị Tiến sĩ.

Câu chuyện được bắt đầu bởi tinh thần tự học và ước mong cống hiến sức trẻ cho vùng đất Đồng Tháp còn lắm khó khăn. Bởi trước kia các cặp vợ chồng giảng viên thường chỉ có chồng là tiến sĩ vì người vợ thường nhường suất và ưu tiên cho chồng đi học. Vất vả lo cho chồng ăn học, cuối cùng cũng đến ngày thành công, người vợ sau khi hoàn thành trọng trách của mình cũng có nhu cầu nâng cao trình độ. Trước mong muốn rất nhân văn đó, lãnh đạo trường ĐH Đồng Tháp đã tạo mọi điều kiện để những người vợ được học tiến sĩ như chồng của mình. Cứ như thế, nhà trường có một cặp rồi hai, ba, bốn cặp vợ chồng tiến sĩ.

Trường ĐH Đồng Tháp.
Trường ĐH Đồng Tháp.

Như cặp vợ chồng Tiến sĩ Hoàng Thị Nghiệp và Tiến sĩ Huỳnh Vĩnh Phúc (sinh năm 1980) cùng sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế và chọn vùng đất Đồng Tháp để lập nghiệp. Cô Nghiệp là tiến sĩ ngành Sinh học, còn thầy Phúc là tiến sĩ ngành Vật lý. Cả hai người đều là tiến sĩ ở độ tuổi rất trẻ - 34 tuổi.

“Chúng tôi rất cảm ơn tỉnh Đồng Tháp, nơi được mệnh danh là "Đất Sen Hồng". Chính sự sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của tỉnh Đồng Tháp, cũng như sự tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo Trường ĐH Đồng Tháp đã góp phần rất lớn cho sự trưởng thành về học vấn cũng như về khoa học của chúng tôi ngày hôm nay”, vợ chồng cô Nghiệp, thầy Phúc - vui vẻ cho biết.

Vợ chồng TS Huỳnh Vĩnh Phúc và TS Hoàng Thị Nghiệp (ảnh NVCC).
Vợ chồng TS Huỳnh Vĩnh Phúc và TS Hoàng Thị Nghiệp (ảnh NVCC).

Vợ chồng TS Phạm Đình Văn và TS Hà Thị Thanh Nga chia sẻ: “Từ đây các cặp vợ chồng giảng viên trong trường xem như mục tiêu phấn đấu, nhiều gia đình giảng viên khó khăn cũng cố gắng vượt qua. Tình cảm gắn bó, niềm tự hào và văn hóa tổ chức đã và đang hình thành, phát triển trong mỗi đơn vị, từng cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường ĐH Đồng Tháp với hệ giá trị cốt lõi: Coi trọng chất lượng, Khuyến khích sang tạo, Thúc đẩy hợp tác, Ủng hộ trung thực, Đề cao trách nhiệm”.

Chia sẻ về điều đặc biệt này, NGƯT, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho biết: “Những ngày đầu thành lập, Trường ĐH Đồng Tháp chỉ có 165 cán bộ, giảng viên, với 21 người tốt nghiệp sau ĐH. Đến nay, trường đã có 89% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Trong đó, trường có 75 tiến sĩ, phó giáo sư; 80 nghiên cứu sinh, 69 giảng viên đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Đặc biệt là trường đang có 10 cặp vợ chồng giảng viên trẻ, mà cả hai đều là tiến sĩ, hoặc một người là tiến sĩ và một người đang là nghiên cứu sinh. Trong tương lai, trường sẽ có thêm nhiều cặp vợ chồng tiến sĩ, bởi tinh thần quyết tâm nâng cao trình độ của đội ngũ rất cao. Nhà trường luôn sẵn sàng tạo điều kiện để giảng viên được đi học”.

Vợ chồng TS Phạm Đình Văn và TS Hà Thị Thanh Nga (ảnh NVCC).
Vợ chồng TS Phạm Đình Văn và TS Hà Thị Thanh Nga (ảnh NVCC).

“Để động viên, khuyến khích, khi giảng viên của trường bảo vệ luận án tiến sĩ ở xa, trường sẽ cấp kinh phí, mua vé máy bay cho vợ hoặc chồng đi theo. Vừa ủng hộ tinh thần, vừa giúp họ có thêm ý thức tự học, nâng cao trình độ bản thân. Từ cách làm này mà số lượng cặp vợ chồng tiến sĩ được tăng lên, vì sau khi xem chồng, vợ bảo vệ luận án thành công, họ về rất quyết tâm noi theo”, NGƯT, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.

Được biết, ĐH Đồng Tháp có sự phát triển đội ngũ nhanh và năng động với gần 500 lượt người đi học nâng cao trình độ, tổng kinh phí hơn 25 tỉ đồng từ sự hỗ trợ đặc biệt của tỉnh Đồng Tháp. Nhờ tinh thần quyết tâm nâng cao trình độ, tinh thần tự học, chất lượng giảng viên được nâng lên đáng kể. Trong nhiều năm liền, nhà trường đều có giảng viên trẻ của khoa Sư phạm Toán - Tin được Bộ GD&ĐT khen thưởng về thành tích đã có công trình Toán học tiêu biểu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020.

Nguyễn Hành