Cậu bé tính "nhanh như chớp" vô địch cuộc thi Toán tư duy

Quang Trường

(Dân trí) - Phan Nguyễn Đăng Khôi vừa vô địch cuộc thi Toán tư duy ở cấp độ khó nhất. Ở cấp độ này, Khôi có thể làm phép tính 13 dòng trong vòng 6-7 giây.

Ngày 14/8, tại Nhà thi đấu Đại học Sư phạm Hà Nội, Phan Nguyễn Đăng Khôi (12 tuổi) đã vô địch cấp độ Master (cấp độ khó nhất) tại cuộc thi Toán tư duy. Trong hơn 500 học sinh 4-12 tuổi đến từ 14 tỉnh, thành, Đăng Khôi đạt thành tích cao nhất.

Cậu bé tính nhanh như chớp vô địch cuộc thi Toán tư duy - 1
Phan Nguyễn Đăng Khôi nâng cúp vô địch (Ảnh: Quang Trường).

Đăng Khôi được mẹ đưa từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tham dự nội dung khó nhất tại cuộc thi Toán tư duy lớn nhất cả nước. Qua các phần thi nhìn tính, nghe tính cùng công cụ là đôi tay và bàn tính, Đăng Khôi vượt qua 3 vòng thi và 13 đối thủ, tính tổng cộng 150 phép tính trong 15 phút.

Master là cấp độ cao nhất về nhân, chia, cộng, trừ nhiều chữ số, căn bậc. Cấp độ này yêu cầu học sinh từ 5-6 tuổi đã phải tính được phép nhân hơn 10 dòng trong vòng trung bình 7 giây, nhân 3-4 chữ số với nhau để cho ra kết quả đúng.

"Con rất vui và không thể tin được là con vô địch. Khi lên sân khấu nhận giải, con rất run", Đăng Khôi nói.

Cậu bé tính nhanh như chớp vô địch cuộc thi Toán tư duy - 2

Đăng Khôi luyện tập với bàn tính (Ảnh: Quang Trường).

Đăng Khôi chia sẻ, bài thi khó nhất là thi cộng trừ; khó ở chỗ có nhiều chữ số và sau khi nghe giám thị đọc phép tính là phải tính toán được ngay. Bài khó nhất với Khôi là bài toán tính hàng trăm. Bài yêu cầu Khôi phải nhớ thật kỹ sau khi nắm được đề thi dài cả chục dòng. Khôi mất 5 phút để xử lý vòng thi này, trong khi những vòng dễ hơn chỉ cần chưa đầy 4 phút.

Ở phần nghe tính, giám thị đọc cho Khôi nghe phép tính, mỗi phép tính em chỉ mất 1-2 giây là ra kết quả.

"Khi được ra đề, con cố gắng nhìn và nghe từng hàng số theo thứ tự từ trên xuống, sau đó con tưởng tượng ra bàn tính và di chuyển hạt tính theo từng số, nhớ số hạt mình đã đẩy để cho ra kết quả. Con chỉ cần tưởng tượng, không cần dùng bàn tính thật.

Con phải thực sự tập trung, không được quan tâm đến môi trường xung quanh. Chỉ cần mất tập trung một giây thôi, chậm một nhịp là đã thất bại", Đăng Khôi cho biết.

Chị Nguyễn Thị Triều Tuyên, mẹ của Đăng Khôi, cho biết gia đình đã cho con học Toán tư duy được gần 2 năm. Đó là khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Đăng Khôi phải ở nhà nhiều, không biết làm gì ngoài đọc sách, xem TV và điện thoại. Chị lên mạng tìm hiểu và đăng ký cho con học Toán tư duy, mong con phát triển tư duy và giảm thời gian tiếp xúc với điện thoại thông minh.

Cậu bé tính nhanh như chớp vô địch cuộc thi Toán tư duy - 3

Chị Tuyên gác lại công việc, đưa con từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội tham dự cuộc thi (Ảnh: Quang Trường).

Chị Tuyên giới thiệu cho con bộ môn này, Đăng Khôi thấy các bạn xử lý các phép tính dài chỉ trong vài giây thì rất hào hứng. Ở TP Hồ Chí Minh có rất nhiều trung tâm dạy Toán tư duy, nhưng không có điều kiện đưa đón, chị Tuyên cho con học trực tuyến tại một trung tâm ở huyện Núi Thành (Quảng Nam).

"Khôi từng là một đứa siêu quậy. Con không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, lúc nào cũng phải tìm cái để chơi. Sau khi Khôi được học Toán tư duy, tôi thấy con đã điềm đạm, tập trung hơn và có trách nhiệm với việc học. Với những môn cần ghi nhớ nhiều, như Sử, Địa, Khôi cũng tư duy để nhớ chứ không thuộc vẹt", chị Tuyên cho biết.

Ngoài giờ học online, chị Tuyên thường in đề và đọc đề cho con luyện tập. Đăng Khôi luôn áp dụng phương pháp của Toán tư duy vào giải Toán trên lớp. Cậu bé làm bài rất nhanh và luôn đạt điểm 10 môn Toán.

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hồng - giáo viên của Khôi - đánh giá Khôi là một học sinh có kỹ năng tư duy tốt và độ nhạy cảm rất tốt. Trong khi những bạn khác phải học 7-8 khóa, Khôi chỉ cần 3 khóa là đã có thể dự thi ở cấp độ Master.

Khôi rất "lanh" nên cô chỉ cần giảng một lần là con hiểu. Trong thời gian ôn tập, mỗi ngày Khôi làm 6-7 đề, mỗi đề 150 phép tính. Có khi Khôi chỉ mất chưa đầy 5 phút để giải xong một đề.

Cậu bé tính nhanh như chớp vô địch cuộc thi Toán tư duy - 4

Đăng Khôi luyện tập cùng cô giáo (Ảnh: Quang Trường).

Toán tư duy còn được gọi là Finger Maths - sử dụng đôi bàn tay để tính kết hợp với tính nhẩm. Đây là phương thức học Toán còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng đã rất phổ biến ở nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của Đại học Shinshu (Nhật Bản), việc kết hợp giữa tay (bàn tính) và não (tính nhẩm) giúp não bộ của trẻ được kích thích đều hơn, phát triển cân bằng 2 bán cầu não.

Toán tư duy không chỉ cải thiện khả năng tính toán trên cả bàn tính và tính nhẩm, mà còn mang lại hiệu ứng gợn sóng có lợi trong não cho các bộ môn khác.