Thanh Hóa:

Cắt tiền đứng lớp của hàng trăm GV: Trường nói có, huyện bảo không

(Dân trí) - Vài tháng trở lại đây, giáo viên tại các trường THCS trên địa bàn huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) hoang mang trước công văn của UBND huyện này về việc cắt tiền đứng lớp của giáo viên dôi dư.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 26 trường THCS, trong đó có 23 trường có giáo viên (GV) dôi dư. Tổng số GV dôi dư của toàn huyện là 230 người. Có những trường số GV dôi dư lên đến 18, 19 GV như: Trường THCS Thúy Sơn có 19 GV dôi dư; Trường THCS Minh Tiến và trường THCS Ngọc Liên đều có 18 GV dôi dư; Trường THCS Ngọc Khê 3 có 17 GV dôi dư…, còn lại trung bình mỗi trường cũng 12 - 13 GV nằm trong diện dôi dư.

Cắt tiền đứng lớp của hàng trăm GV: Trường nói có, huyện bảo không

Cắt tiền đứng lớp của hàng trăm GV: Trường nói có, huyện bảo không
Công văn 1149 của UBND huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) về việc cắt tiền đứng lớp của giáo viên dôi dư.

Ngày 7/12/2012, UBND huyện Ngọc Lặc đã có Công văn số 1149/UBND-GD về việc giải quyết GV dôi dư bậc THCS. Trong công văn ghi rõ: “Kể từ ngày 1/1/2013, các giáo viên dôi dư được hưởng nguyên lương, không được hưởng phụ cấp ưu đãi của ngành và các chế độ khác theo quy định hiện hành đối với GV đứng lớp. Riêng thời gian đứng lớp trước đây (từ tháng 12/2012 trở về trước) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thẩm định thì được truy lĩnh phụ cấp thâm niên theo quy định”. Theo đó, 3 tháng đầu năm 2013, hầu hết các trường THCS trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đều không nhận được tiền đứng lớp của GV dôi dư.

Cô giáo Lê Thị H. - GV một trường THCS trên địa bàn bức xúc: “Tôi có 15 năm tâm huyết phục vụ cho ngành giáo dục. Thế nhưng sau Quyết định 3678 của tỉnh Thanh Hóa về việc rà soát lại các GV, tôi thuộc đối tượng dôi dư. Chưa hết thất vọng, những GV dôi dư như chúng tôi lại tiếp tục nhận một cú “sốc” khi công văn của UBND huyện Ngọc Lặc gửi về thông báo sẽ cắt tiền đứng lớp của chúng tôi. Chúng tôi vẫn đi làm đều đặn, không bỏ giờ, bỏ tiết tại sao huyện lại cắt số tiền đó?”.

“Không có công văn nào của ngành giáo dục yêu cầu cắt tiền đứng lớp của GV dôi dư, nếu có thì chúng tôi cũng chấp nhận nhưng đằng này huyện tự ý ra quyết định. Quyết định của huyện làm ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, chi phối đến việc giảng dạy của các GV chúng tôi. Chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên, không có tâm trạng để dạy học”, cô H. cho biết thêm.

Cũng theo cô H. thì hoàn cảnh của cô vô cùng khó khăn: con nhỏ, chồng không có công ăn việc làm. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương của cô nhưng 3 tháng trở lại đây cô không còn được nhận tiền đứng lớp nữa.

Không riêng gì cô H., 230 GV trong diện dôi dư này đều có hoàn cảnh khó khăn, giảng dạy hàng chục năm trên mảnh đất miền núi. Thế nhưng những GV ở đây không hiểu vì lý do gì, huyện bỗng dưng cắt tiền đứng lớp mặc dù họ vẫn dạy đủ buổi, đủ tiết đúng như nhà trường phân công.

Thầy Đỗ Đức - hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Khê cũng dở khóc, dở cười khi làm việc với chúng tôi. Câu đầu tiên khi nói về việc này, thầy bùi ngùi: “Đã có hàng mấy chục năm trong nghề giáo dục nhưng đến giờ phút này khi còn 3 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu thì tôi lại muốn nghỉ từ bây giờ. Vừa qua, tôi nhận được 3 lần đơn kiến nghị của 35 GV trong trường về vấn đề tiền đứng lớp”.

“Tôi cùng các thầy giáo hiệu trưởng tại các trường cũng có ý kiến phản đối về quyết định của huyện. Sau nhiều lần họp bàn, huyện có xin lỗi và nói rằng sẽ không cắt tiền đứng lớp của GV dôi dư, nhưng sẽ cắt theo số giờ dạy của GV. Như vậy, số giờ dạy của GV dôi dư đang được chia đều với GV không dôi dư thì việc cắt tiền theo số giờ dạy của GV đồng nghĩa với việc số tiền đứng lớp của GV không dôi dư sẽ phải cân bằng để chia cho GV dôi dư, tôi cũng không biết xử lý thế nào cả, trên thì huyện nói cần giáo dục tư tưởng cho GV, dưới thì tập thể nhà trường gây sức ép”.

Cũng theo thầy Đức thì huyện có hứa đến ngày 17/2 sẽ có công văn rõ ràng thống nhất, hướng dẫn cụ thể về việc này. Tuy nhiên, đến nay đã gần hết tháng 3 nhưng vẫn không có công văn nào và sự việc đang rơi vào im lặng.

Không khác gì tâm trạng của thầy hiệu trưởng trường Ngọc Khê, thầy Nguyễn Đình Khuê - hiệu trưởng Trường THCS Thúy Sơn cũng cho biết: “Nếu huyện ra quyết định cắt tiền đứng lớp của GV dôi dư là vi phạm luật lao động. Còn việc cắt hay không cũng phải có văn bản rõ ràng nhưng đằng này sau khi ra công văn 1149 cắt tiền đứng lớp của GV dôi dư bị các GV phản đối thì huyện lại điều đình. Cho đến nay cũng không rõ cắt hay không cắt nhưng hiện tại 3 tháng nay, trường tôi không còn được nhận tiền đứng lớp của GV dôi dư nữa”.

Ở Trường THCS Thúy Sơn, 3 tháng nay giáo viên không có tiền phụ cấp.
Ở Trường THCS Thúy Sơn, 3 tháng nay giáo viên không có tiền phụ cấp.

Số tiền đứng lớp của các GV dôi dư bị cắt tại Trường THCS Thúy Sơn là 266 triệu đồng/năm đối với 19 GV dôi dư, Trường THCS Ngọc Khê với 270 triệu đồng/năm đối với 14 GV dôi dư và nếu tỉnh tổng toàn bộ 23 trường có GV dôi dư trong toàn huyện thì số tiền đó không hề nhỏ.

Khi PV báo Dân trí đến tìm hiểu vấn đề trên, lãnh đạo huyện Ngọc Lặc hướng dẫn chúng tôi đến phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục, nhưng chúng tôi đều nhận được câu trả lời “không có việc cắt tiền đứng lớp của GV như đã phản ánh” từ lãnh đạo các phòng này.

Ngay cả khi trao đổi với PV về việc trên thì ông Phạm Hùng Thư - phó Chủ tịch huyện Ngọc Lặc cũng khẳng định: “Không có chuyện huyện ra quyết định cắt tiền đứng lớp của GV dôi dư. Huyện cấp đúng, cấp đủ và chỉ cắt tiền đứng lớp đối với các đối tượng nằm trong diện quy định của nhà nước. Chúng tôi đang có hướng dẫn Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục tham mưu cho UBND huyện làm văn bản gửi các trường hướng dẫn thực hiện việc này”.
 
Ở Trường THCS Thúy Sơn, 3 tháng nay giáo viên không có tiền phụ cấp.
Ông Phạm Hùng Thư - phó Chủ tịch huyện Ngọc Lặc khẳng định: “Không có chuyện huyện ra quyết định cắt tiền đứng lớp của GV dôi dư".

Cũng theo ông Thư thì Ngọc Lặc không có GV nào nằm trong diện phải cắt tiền đứng lớp cả, vậy công văn 1149 của UBND huyện Ngọc Lặc do chính ông Thư ký, được đóng dấu đỏ chót gửi đến các trường có nói rõ sẽ cắt tiền của GV dôi dư là ở đâu ra, chẳng lẽ là công văn giả? 
 

Quyết định số 224/2005/-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập: Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ cũng quy định những đối tượng không được hưởng tiền phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) quy định tại khoản 1 như sau:

-Thời gian đi công tác, học tập, làm việc ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục 3 tháng.

-Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục 1 tháng trở lên.

-Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành.

-Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên