Casino... sinh viên

Không khó để bắt gặp từng nhóm sinh viên nam nữ đánh bài công khai ở các quán nước ngay trước cổng trường ĐH-CĐ. Họ sát phạt nhau bằng những đồng tiền mà cha mẹ ở quê đã dành dụm cho con đi học...

“Bác thằng bần”

Những quán cà phê nằm trên con hẻm 83 Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TPHCM) - nơi tập trung rất đông sinh viên (SV) của Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn, ký túc xá ĐH Văn Lang… đã trở thành “casino SV”. Hầu hết các quán đều cho phép SV đánh bài, thậm chí nhiều chỗ còn chuẩn bị sẵn bộ bài tây ở mỗi bàn để phục vụ các “thượng đế” SV. Chiều 7/1, đến quán nước ngay trước cổng vào Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn, một nhóm SV nữ mặc đồng phục ngang nhiên chơi bài tiến lên kèm theo những tiếng cười nói xôm tụ, bất chấp con mắt hiếu kỳ của người lạ mặt. Nhóm “đỏ đen” được vài giờ thì bị một nhân viên của trường phát hiện, nhắc nhở và tịch thu bộ bài. Thầy vừa quay lưng, một nữ SV liền lấy trong cặp ra bộ bài mới quăng xuống bàn cho cả nhóm chơi tiếp. Khu vực làng ĐH Thủ Đức, đoạn đường Lê Văn Việt (Q.9) gần trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở II… cũng tấp nập cảnh SV chơi bài ăn tiền công khai.

Nổi tiếng có quy định khá nghiêm, nhưng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM gần như “bó tay” trước thực trạng SV đánh bài nhan nhản quanh trường. Vừa rời cổng trường, một nhóm bốn SV nam kéo nhau vào quán nước không tên đối diện cổng sau của trường “mở sòng”. Chẳng ngại bảo vệ, thầy cô hay bạn bè bắt gặp, nhóm SV này sà vào chiếc bàn ngay mặt tiền quán để “tính sổ” nhau trên 52 lá bài.

Q.D., SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM kể, quán cà phê SV ở cạnh trường là tụ điểm đánh bài thường xuyên của các bạn. Ban đầu là đánh để uống nước, ai thua thì bao chầu nước chưa đến 100k (100.000đ). Mấy tháng gần đây, các bạn chuyển qua chơi ăn tiền theo giá 2k-4k/ván và đậm hơn là 5k-10k/ván. Rất nhiều SV giữa tháng đã thua sạch tiền dành cho cả tháng, phải ăn mì gói cầm cự chờ đợt tiền tháng sau.

Thực trạng SV mê trò đỏ đen ngày càng nhiều, không ít SV đã trở thành “bác thằng bần” khi trót nướng cả số tiền học phí, phải đối mặt với nguy cơ cấm thi. Tại một hội thảo bàn về vấn đề đạo đức của SV hiện nay, ThS Phan Thị Luyện, giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết: Một khảo sát tệ nạn xã hội trong SV ở trường cho thấy có trên 53% SV thừa nhận từng chơi lô đề, cờ bạc, đây là tệ nạn xã hội phổ biến nhất trong giới SV.

Sinh viên đánh bài tại quán cà phê đối diện cổng trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM.
Sinh viên đánh bài tại quán cà phê đối diện cổng trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM.
 
Sinh viên trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn đánh bài ngay trước cổng trường
Sinh viên trường CĐ Văn hóa nghệ thuật du lịch Sài Gòn đánh bài ngay trước cổng trường.

Nhà trường “nói mãi” vẫn không xong

Hầu hết các trường đều có quy định cấm SV đánh bạc, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho SV… nhưng kết quả gần như vô vọng, bởi SV thì quá đông mà lực lượng phụ trách công tác HSSV chỉ đếm trên đầu ngón tay. ThS Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nói: Trường đã nhiều lần phối hợp với tổ dân phố và công an khu vực để xử lý nhưng thực sự là không giải quyết hết… Ông Phạm Quang Dũng, Trưởng phòng Công tác chính trị và quản lý SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: "Vừa rồi, chúng tôi có làm việc với công an phường Tân Chánh Hiệp (Q.12) đề nghị họ phạt thật nặng và ghi tên, lập biên bản những SV vi phạm để gửi về trường kỷ luật mạnh tay hơn". Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông của Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM than: Địa bàn của trường còn có SV của Trường Giao thông vận tải TP.HCM nên rất khó phân biệt, chỉ còn cách phối hợp với công an, dân phòng thường xuyên kiểm tra. Sau khi làm việc, một số quán chịu cam kết và thông báo “Không được đánh bài trong quán” nhưng cũng không kiểm soát xuể.

Bàn về thực trạng và giải pháp giáo dục đạo đức cho SV các trường ĐH-CĐ kỹ thuật, ThS Diệp Phương Chi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: Mối quan hệ giữa giảng viên - SV trở nên lỏng lẻo hơn so với thời học phổ thông. Việc giáo dục đạo đức cho SV thông qua các môn học phụ thuộc chủ yếu vào nghệ thuật sư phạm chủ quan của từng giảng viên. Mặt khác, giảng viên không có thời gian quan tâm SV trong khi các em đang sống xa nhà, luôn chịu sự cám dỗ của môi trường xã hội chung quanh.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, nên đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống để trang bị bản lĩnh cho SV. Ngoài ra, các phong trào Đoàn Hội ở trường ĐH-CĐ cần thiết thực hơn để thu hút SV tham gia và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Theo Tiêu Hà - Phương Lê
Phụ nữ TPHCM