Cao từ 1,5 m trở lên mới được vào sư phạm: Hãy nhớ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”

(Dân trí) - “Hãy nhớ đạo lý ‘tốt gỗ hơn tốt nước sơn", ‘"cái nết đánh chết cái đẹp" cho nên đừng quá cụ thể các tiêu chuẩn về sức khỏe mà cướp đi giấc mơ của những học sinh tràn đầy nhiệt huyết với nghề trồng người.

Theo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2019, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.

Quy định này đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận xã hội và các giáo viên đang trực tiếp đứng trên bục giảng.

Chưa phù hợp

Trao đổi với PV Dân trí, cô Trần Thị Giang (trường THPT Thăng Long, Hà Nội) cho rằng, quy định này được đưa nhằm đảm bảo sức khỏe và hình ảnh cho đội ngũ giáo viên tương lai như vậy là mục đích tốt; nhưng nó không cần thiết, hoặc chưa chuẩn với thời gian này.

Cao từ 1,5 m trở lên mới được vào sư phạm: Hãy nhớ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” - 1
Quy định chiều cao trong tuyển sinh ngành sư phạm: Nữ phải từ 1,5m trở lên là chưa thật hợp lý (ảnh minh họa)

Minh chứng cho ý kiến, cô Giang chia sẻ, “bản thân tôi có chiều cao khiêm tốn 1,45m nhưng trong suốt hơn 20 năm đứng trên bục giảng tôi chưa bao giờ tự ti về nó. Bởi, học sinh quý mến tôi vì cái tâm, vì số lượng kiến thức truyền dạy và cách tôi yêu học trò chứ không phải vì ngoại hình của tôi.

Trong môi trường giáo dục, tiêu chuẩn về đạo đức và giá trị nghề nghiệp luôn được đánh giá cao hơn tiêu chuẩn ngoại hình, đơn cử chúng ta có không ít những cô giáo bị xương thủy tinh phải ngồi xe lăn, thầy giáo liệt nửa người phải nằm giường dạy chữ… hãy nhớ đạo lý “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, “cái nết đánh chết cái đẹp”. Cho nên, đừng quá cụ thể các tiêu chuẩn về sức khỏe mà cướp đi giấc mơ của những học sinh tràn đầy nhiệt huyết với nghề trồng người.

Đồng tình với quan điểm, thầy giáo Nguyễn Văn Khởi (trường THCS Đoan Hùng, Phú Thọ) tôi không bác bỏ ý tưởng của trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng hãy nhìn vào hiện tại, giáo giới là nơi dạy học trò kiến thức, dạy làm người tử tế… không phải nơi trình diễn văn nghệ mà cần tốt về ngoại hình.

Đành rằng đây là ý tưởng tốt, nhưng có lẽ chưa phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Học sinh ở nông thôn có thể lực khiêm tốn, nhưng lại chiếm phần đông tỷ lệ số thí sinh xét tuyển vào các trường sư phạm; đơn giản vì đây là ngành học được Nhà nước bao cấp, học phí thấp hoặc miễn phí, tiết kiệm được tiền cho gia đình nên học trò nghèo theo học nhiều là đương nhiên rồi.

Theo đó, thầy Khởi nhấn mạnh, trường sư phạm cần tuyển những người có tâm, yêu thương học trò. Có thể những người này ngoại hình không đẹp nhưng những chuẩn mực như vậy rất cần thiết; đây mới là những quy định cần có khi tuyển sinh giáo viên tương lai.

“Mong các trường ĐH cân nhắc kĩ các quy định tuyển sinh, tránh tình trạng thiếu thực tế mà đánh mất đi cơ hội của các em học trò vùng khó khăn trước ước mơ bước vào ngưỡng cửa Đại học”.

Giáo viên cần đẹp về cả ngoại hình lẫn trí tuệ

Cô Nguyễn Thị Hằng, (trường tiểu học Đoàn Kết, Hà Nội) cho rằng, tiêu chuẩn này không phải là mới, đã từng được quy định trong mục đảm bảo sức khỏe đối với sinh viên khi tham gia học ngành sư phạm; thế nhưng, cho tới nay trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã cụ thể hơn tiêu chí này nên được dư luận quan tâm hơn.

Riêng đối với bản thân cô Hằng, hoàn toàn đồng ý trước quy định trên, với dẫn chứng cụ thể: “học sinh ở thành phố hiện nay phát triển rất tốt về mặt thể lực, trung bình một lớp 5 có khoảng 1/ 2 tổng số học sinh đạt chiều cao từ 1,5m trở lên, số em có chiều cao dưới 1,3m chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy, nếu so với chiều cao của các thầy, cô giáo thì các em học sinh cao lớn hơn nhiều, chưa kể ở các cấp THCS và THPT khoảng cách này còn khác biệt nhiều hơn nữa.

Đồng thời, chúng ta đang hướng đến việc xây dựng hình ảnh đẹp cho đội ngũ nhà giáo thì nên xác định “cái đẹp” cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng để tạo ra sự cân đối khi đứng trên bục giảng. Không thể phủ nhận một thực tế, một giáo viên có ngoại hình tốt đứng lớp luôn gây được thiện cảm và tạo hứng học cho học sinh hơn, “người đẹp thì ai cũng yêu cả”.

Do đó, cô Hằng khẳng định đã đến lúc chúng ta cùng nhìn nhận nhu cầu phát triển của xã hội để thay đổi những quy định đã cũ, điều này không khó khi thành sự thực và cũng ít có trường hợp ngoại lệ.

Cũng theo thầy Đinh Xuân Huy (Hòa Bình) cho rằng quy định gần như “vô thưởng, vô phạt” trong việc tuyển sinh sư phạm. Nhìn theo hướng tích cực, điều này nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ giáo viên đứng lớp ngày càng được tốt hơn.

Do đó, dù Nhà trường có ban hành quy định chính thức cũng không có gì quá bất ngờ, bởi chúng ta đang hướng đến việc nâng cao tầm vóc người Việt thì tiêu chí ấy cũng là đương nhiên. Thế nhưng để phù hợp với điều kiện xã hội cần có thêm các tiêu chí phụ xét các trường hợp ưu tiên và ngoại lệ đối với các em học sinh chưa đạt chuẩn về thể lực nhưng có kết quả học tập xuất sắc và thực sự tâm huyết theo nghề.

Có như vậy, chúng ta mới nêu cao được tính nhân văn ngay từ trong khâu đào tạo đội ngũ giáo viên có tâm, có tầm cho các thế hệ học sinh mai sau noi theo.

Hà Cường